Đồng thời với đó, người trồng quất ở Quảng An gần 2 tháng nay phải chứng kiến những cây quất đang xanh tốt mơn mởn bỗng chốc lụi tàn, vàng úa, còi cọc mà không hiểu nguyên nhân vì sao?
Thiệt hại cả tỷ đồng vào mùa đào năm ngoái nên năm nay ông chủ vườn đào thế nổi tiếng ở Nhật Tân – anh Tuấn Việt vẫn không giấu được lo lắng bởi tỷ lệ đào bán đúng Tết thắng hay thua đều phụ thuộc vào thời tiết.
Tiếp quản nghề trồng đào gia truyền từ vài chục năm nay, không chỉ riêng về kỹ thuật lai ghép cho hoa đẹp, mà anh Tuấn Việt còn có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tính toán làm sao để đào thu hoạch đúng vào Tết Nguyên đán.
Thế nhưng năm ngoái, anh đã thua hơn 1 tỷ đồng bởi đào nở rộ trước Tết cả chục ngày. Vì thế mà năm nay những người trồng đào như anh đặc biệt cẩn thận, theo dõi diễn biến thời tiết để tính ngày tuốt lá, chăm bón cây sao cho hoa nở vào đúng Tết.
Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, anh Tuấn Việt thở dài cho biết: “Người tính không bằng trời tính. Được mùa hay không đều phụ thuộc vào ông trời, đến thời điểm này chưa đưa ra được một đánh giá nào”.
Có mặt ở phường Nhật Tân vào ngày 19-12, chúng tôi thấy vườn đào thế ngoài bãi đã xong công đoạn tuốt lá, chỉ còn đào cành là chưa tuốt.
Đứng bên 200 gốc bích đào còn xum xuê lá của gia đình ông Đỗ Văn Môn, chúng tôi thấy ông đang lật từng mắt đào ra xem.
Ông cho biết: “Rút kinh nghiệm năm ngoái tuốt lá sớm, gặp thời tiết nắng ấm nên 26 Tết đào đã nở hết, bán tống bán tháo tiền thu về chỉ bằng nửa năm kia. Năm nay tôi tuốt lá muộn hơn khoảng một tuần”.
Ông Môn năm nay 73 tuổi, là người trồng đào lão làng ở Nhật Tân, thế nhưng ông cho biết: “Tính toán tốt chỉ chênh nhau về kỹ thuật, còn được hay không phải phụ thuộc vào thời tiết.
Nếu đào mà có gió Đông Nam thì bật lên nhanh lắm, chỉ một vài ngày là khác ngay”.
Theo kinh nghiệm của những người trồng đào lâu năm ở đây thì từ đầu vụ rét đến nay, thời tiết chủ yếu là nắng ấm, chưa có rét đậm. Chính vì vậy mà việc tuốt lá được họ lùi lại vài ngày.
Và nếu như từ nay đến Tết có vài đợt rét đậm thì khả năng còn thắng, nếu cứ nắng ấm thì lại “công toi”. Ông Môn cho biết, năm nay, do đợt mưa muối vừa rồi và nắng ấm kéo dài, tỷ lệ đào chết cũng chiếm tới 20%.
Đến vườn quất Quảng An những ngày này chúng tôi nhận được khá nhiều thắc mắc của người dân khi họ phải chứng kiến những cây quất đầu tư từ 1,5 đến 3 triệu đồng tiền giống (chưa kể công chăm bón) lá bỗng vàng rực, quả ngày càng nhỏ, cây cằn cỗi, còi cọc dần đi.
Bà Thảnh, chủ vườn quất Hường Thủy cho biết: “Từ tháng 9 trở về trước quất rất đẹp, cây nào cây ấy xanh mơn mởn, nhưng giờ cứ lụi dần đi mà không hiểu vì sao”.
Gia đình bà Thảnh có 2 vườn quất, một vườn trên đường vào khách sạn Tây Hồ, vườn còn lại trồng ngoài bãi. Vườn ngoài bãi có hơn 100 gốc thì hai tháng nay bỗng nhiên 20 gốc lăn đùng ra hỏng.
“Chị xem, gốc này mua giống đã 1,5 triệu, gốc kia 3 triệu, thế mà giờ này nó như thế, chỉ có vứt đi thôi, bán ai mua”.
Theo lời bà Thảnh thì thời tiết năm nay không hề khắc nghiệt, duy chỉ lúc quất ra hoa gặp nắng 40 độ làm hoa không nở đẹp như mọi năm.
Nhưng không hiểu sao từ tháng 9 đến giờ, những cây quất đầu tư cả giống và công tới tiền triệu lại lăn đùng ra vàng lá, quả nhỏ dần đi không lớn được.
“Đào lên thì thấy rễ bị cụt đi, chúng tôi không hiểu làm sao, chỉ nhờ các nhà nông nghiệp xem cho thế nào, chứ thế này thì người nông dân chỉ có nước đói”, bà Thảnh cho biết.
Cách vườn của bà Thảnh không xa là vườn quất của anh Lợi cũng trong cảnh một số cây quất đầu tư cao bỗng úa vàng. Bế đứa con nhỏ trên tay, vợ anh cho biết: “Tiền giống, tiền công, phân bón đầu tư ngày một đắt.
Một xe đất chúng tôi phải mua tới 400.000 đồng, thế mà sắp đến ngày hái quả thì nó lại thế kia”. Chỉ tay vào cây quất khi mua giống giá tới 1,5 triệu đang vàng rũ, vợ anh thở dài.
“Thế không tìm ra nguyên nhân gì sao?”, tôi hỏi. Anh Lợi lắc đầu: “Bây giờ chỉ có đào đất lên mang đi xét nghiệm thì mới biết nguyên nhân vì sao”.
Trong khi chờ lý giải nguyên nhân thì người trồng quất Quảng An vẫn đang kỳ vọng thời tiết ủng hộ để họ có nguồn thu nhập từ sự vất vả của cả một năm chăm bón.