Đánh đổi mạng sống để săn én

Theo Nông nghiệp Việt Nam |

Mỗi năm hang Khoáng xã Mường Bang (Phù Yên, Sơn La) chứng kiến sự ra đời của hàng trăm nghìn chim én, dơi non. Để săn chim, thợ phải leo lên vách đá dựng đứng, nhẵn thín cao tới 60-70 m và có người đã bỏ mạng.

Huyện Phù Yên (Sơn La) có hàng chục hang động kỳ vĩ, hoang sơ. Tuy nhiên, số hang đá có chim én và dơi trú ngụ thành quần thể lớn thì rất hiếm. “Thủ phủ” của chúng chính là hang Khoáng, hang Úp thuộc bản Khoáng, xã Mường Bang. Chỉ có người bản Khoáng mới đủ can đảm và kinh nghiệm leo lên những vách đá dựng đứng, nhẵn thín cao 60-70 m để bắt én.

Người dân nơi đây coi leo vách đá săn chim cũng là công việc để kiếm sống, và người lớn có nhiệm vụ bảo ban lớp trẻ để cái “nghề truyền thống” của bản không bị mai một. Do vậy cứ 10 thanh niên bản Khoáng thì 8-9 người thuần thục công việc này. Có đứa trẻ mới 14 (như em Bùi Văn Hoan) đã có 5 năm giật én trong hang đá.

Để lên được vị trí ngồi phục én, dơi, thợ săn phải leo lên những vách đá dựng đứng, nhẵn thín ở độ cao 60-70 m. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Chiều đến, khi những tia nắng hoàng hôn đã khuất sau mỏm núi, 5 thanh niên trong bản Khoáng kéo đến chuẩn bị leo lên vách đá cao chót vót để ngồi phục chờ én bay về ngủ. Một tấm lưới dù hình tam giác như chiếc quạt, một vỏ bao tải đeo trên lưng và một chiếc đèn pin, thế là đủ cho một buổi đi săn hứa hẹn đầy ly kỳ và những đĩa thịt én, dơi.

Có 2 con đường có thể leo lên vị trí ngồi phục chim trên vách đá cao vài chục mét trong hang Khoáng. Thứ nhất là leo theo đường mòn cách cửa hang 50 m rồi vòng vào. Đường này xa hơn nhưng nhiều đoạn đá xù xì, tay và chân dễ bám.

 Ở những đoạn có phiến đá lớn, dựng đứng và phẳng lỳ không thể leo, người bản địa đóng cọc sắt rồi vận chuyển lõi thân cây gỗ đinh đường kính 25 cm lên, dùng dây mây buộc chặt cây gỗ (nằm ngang) vào cọc sắt để làm cầu dẫm chân lên, còn tay thì nắm chắc vào dây mây để đi qua.

Thợ săn chim Bùi Văn Hạnh, 16 tuổi, vừa leo cầu vừa ngoái đầu lại bảo: "Cầu này được làm từ cách đây mấy chục năm rồi. Bố tôi bảo khi sinh ra đã có cầu. Nhìn gỗ mục nát thế thôi nhưng không sợ đâu". Nhưng đứng từ dưới chân hang cách đó 40 m, nhìn thân cây cầu gỗ cứ đong đưa bên này, lúc lắc bên kia theo nhịp bước, rất nguy hiểm.

Để không phải đi đoạn đường dài như Hạnh và 3 người kia, Bùi Văn Anh (23 tuổi) quyết định leo lên những thân cây vầu, nứa khô áp vách đá do người dân đi trước đóng cọc sắt và bện vào bằng dây mây theo chiều thẳng đứng. Phía trên có cả ghế để ngồi giật én. Quen nghề nên Anh leo nhanh như khỉ leo cây. Chỉ có điều Anh quá nặng còn cái cây thì vừa yếu, vừa rỗng tuếch và có thể gãy bất cứ lúc nào.

Leo đến nơi, Anh lấy 2 cây nứa đường kính khoảng 2 cm để xỏ vào ghiền 2 bên lưới. Tay trái nâng một cây nứa dựng đứng, còn tay phải giữ cho cây nứa còn lại nằm ngang để chờ “con mồi” sa bẫy.

Khoảng 17h30, hàng trăm nghìn én từ khắp cánh rừng lân cận đổ về cửa hang chao lượn. Những âm thanh lích chích phát ra từ quần thể én khổng lồ làm náo động cửa hang. Tuy nhiên, én rất khôn nên không bao giờ rủ nhau vào cả đàn mà chỉ vào lẻ tẻ khoảng 20 con một lượt. Thế nên mỗi lần khép lưới, cùng lắm thợ săn chỉ bắt được hơn 10 con.

Sau khi gỡ chim ra khỏi lưới, nếu có ý định mang về ăn thì thợ săn một tay cầm thân chim én, một tay cầm đầu én kéo cổ ra hai bên. Én chưa kịp kêu đã tắc thở. Thợ săn bỏ vào túi và tiếp tục xoè lưới giật tiếp.

Đến 18h30, khi chim én bay vào cửa hang cũng là lúc dơi từ trong hang đá kết thúc giấc ngủ ngày và bắt đầu rời khỏi hang kiếm ăn. Cách bắt dơi không khác gì so với bắt én. Vì thế, thợ săn dơi có thể bắt luôn lúc đó hoặc chờ đến 2-3 giờ sáng khi dơi đã ăn no và quay về.

Cận cảnh giật én. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Bùi Văn Anh cho biết: “Răng của dơi rất sắc nhọn nên có thể cắn thủng lưới. Khi gỡ dơi khỏi lưới phải nắm vào sau gáy, nếu không sẽ bị chúng cắn vào tay rất nhức buốt. Để dẫn dụ dơi vào hang đông hơn, khi bắt được con đầu tiên, người ta thường bóp để dơi kêu lên, gọi đồng đội đến”.

Ông Bùi Văn Điền (49 tuổi), một người nổi tiếng sát én, dơi trong bản, cho hay vào những ngày mưa rét, chim én, dơi kéo vào hang tránh lạnh rất đông nên có ngày ông giật được 200-300 con là chuyện thường. Tuy nhiên mùa này ấm hơn, chim về ít hơn nên chỉ giật được 40-50 con.

Nếu mang ra bản Bang (cách đó 10 km) bán thì cũng phải được 10 nghìn đồng/con én. Nhưng dân thường không bán mà tập hợp anh em đến nhắm rượu. Tháng giêng âm lịch là thời điểm chim én đẻ trứng trong hốc đá và ấp. Đến khoảng cuối tháng 2, chim non bay ra cửa hang tập bay rất nhiều, chỉ cần đuổi theo vồ là được vài chục con mỗi ngày.

Ông Bùi Văn Diều, Trưởng bản Khoáng, người giật én và dơi lợi hại nay đã nhường nghề cho lớp trẻ, tiết lộ: “Muốn leo lên những vách đá dựng đứng, trơn trượt và cao chót vót thì phải không biết sợ là gì. Như diễn viên xiếc biểu diễn trên sân khấu ấy. 

Hơn thế, chân tay phải khoẻ mạnh, không run và đổ mồ hôi để bám đá thật chắc, nếu không sẽ tuột và rơi xuống đập đầu vào đá thì đừng hòng sống mà trở về. Người dân bản đã quen địa hình rồi nên mới leo được, người lạ mới đến cho cho cả triệu đồng cũng không dám”.

Người bản Khoáng đã phải đổi lại những cái đã lấy đi của thiên nhiên bằng 2 mạng sống. Bà Bùi Thị Khuyên, người có con trai mất mạng vì săn dơi, chia sẻ: “Năm 1980, khi thằng Hoá nhà tôi (khi ấy 19 tuổi) sắp lấy vợ. Đêm nó đeo đèn pin trên đầu trèo lên hang Khoáng để bắt dơi biếu bố vợ. Ngồi trên đấy buồn ngủ, nó rơi xuống mà chết”.

Anh Điền là người chứng kiến cảnh anh Hoá chết cũng không khỏi chua xót: “Nhìn nó nằm ở dưới tảng đá lớn mà không còn hình người. Trước đó cũng có một ông đi săn én trượt chân ngã xuống chết”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại