Theo điều tra sơ bộ, những cô gái này là những cô dâu Việt Nam được “xuất ngoại” trái phép qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Không có visa, không giấy kết hôn, không hộ khẩu và cả bảo hộ luật pháp, sự biến mất của họ chỉ được người dân trong làng truyền tai nhau: "ít nhất là 60,70 người", "cũng có thể là 100-200 người gì đó"… Trong vòng 2,3 năm qua đã có tới hàng trăm những cô dâu như vậy đã biến mất từng người hoặc tập thể, tuy nhiên chỉ có 1 vài vụ được báo lên cảnh sát.
Các bà vợ đột nhiên mất tích
Người vợ mất tích của Hồ Kiến Hòa
Trên quyển vở tập viết của học sinh lớp 1, Hồ Kiến Hòa đã viết 17 chữ "chính" dưới tên của người vợ Mã Chính Phần. Mỗi một chữ "chính" thể hiện vợ đã mất tích được 5 ngày của anh. Kiến Hòa cho biết, vợ anh mất tích mà không để lại vết tích gì. Hôm đó trong điện thoại, Mã Chính Phần nói rằng cô phải đi chợ mua màn. Tới trưa, có một người bạn tới nói với Kiến Hòa rằng buổi sớm đã nhìn thấy vợ anh khoác ba lô lên chiếc ô tô xuống phố huyện.Kiến Hòa xuống thị trấn tìm một ngày nhưng không thấy vợ đâu. Về tới nhà, anh lại nghe đồn rằng vợ của Hồ Quốc Cường ở làng bên là Mã Lan Lan cũng đã mất tích cùng ngày với vợ mình. Hồ Quốc Cường kể lại, gần đây vợ anh thường xuyên nhận điện thoại của người lạ và trao đổi với đối phương bằng ngôn ngữ mà anh không hiểu.Bất giác, Kiến Hòa cũng nhớ ra vợ mình cũng có những cuộc điện thoại tương tự. Hơn 10 ngày sau, vợ của Hồ Lai Lai là Mã Trung Phần ở cùng làng cũng đột nhiên biến mất. Theo bố của Hồ Kiến Hòa, ông Hồ Canh Thanh thì chỉ tính riêng vài xã xung quanh đã có tới hai chục cô dâu ngoại tỉnh mất tích.
Vợ lại bị bán nếu không nộp tiền chuộc
Trung tuần tháng 7, Hồ Kiến Hòa đã nhận được điện thoại của Mã Chính Phần từ châu tự trị dân tộc Miêu ở Vân Nam. "Cô ấy khóc nói với tôi rằng, cô ấy đã bị bán cho người khác và yêu cầu tôi phải nộp 20.000 NDT khoảng 3.100 USD) để chuộc cô ấy về" - Kiến Hòa nhớ lại.Cùng lúc đó, Hồ Lai Lai và Hồ Quốc Cường cũng nhận được điện thoại của hai bà vợ mất tích, đồng thời cũng đòi đem tiền tới chuộc.Từ hôm đó, Mã Chính Phần liên tiếp gọi điện về nhà nhưng không nói cho chồng biết hiện mình đang ở đâu. Trong cuộc điện thoại cuối cùng gọi cho chồng vào hôm 31-7, Mã Chính Phần nói với chồng mình rằng, cô đã bị bán tới một ngôi làng ở miền núi tỉnh Phúc Kiến, cuộc sống của cô rất tồi tệ. Cô nhớ con và mong chồng tới đón về."Đó là mã điện thoại vùng ở Chương Châu, Phúc Kiến" - Kiến Hòa cho biết. "Tôi đoán vợ tôi lại bị bán cho người khác". Kiến Hòa thú nhận rằng, thực ra người vợ này cũng là anh bỏ tiền ra mua, hơn nữa cô ấy là người Việt Nam. "Mấy làng quanh đây mỗi làng có tới 30-40 cô dâu người Việt, tổng cộng có khoảng 100-200 người. Họ đều là những thiếu nữ Việt Nam được bán qua biên giới Vân Nam" - ông Hồ Canh Thanh nói thêm.
Hồ Kiến Hòa và em trai là Hồ Cao Hòa cũng điều tra ra rằng, có hai người chuyên mai mối là Phùng Chí Thành và Hồ Quốc Cường đã giới thiệu hơn 30 cô dâu Việt tới làng mình.
Mua vợ từ Việt NamTheo Hồ Kiến Hòa, sự xuất hiện của hàng loạt cô dâu người Việt tại ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở tỉnh Vân Nam này bắt đầu từ năm 2008.Khi đó, Phùng Chí Thành là người chủ động tới gặp những người khó lấy vợ như Kiến Hòa và giới thiệu về chuyện mai mối. Tháng 7-2008, tại nhà Chí Thành, Kiến Hòa đã gặp Mã Chính Phần. Vì say mê trước vẻ đẹp của Chính Phần mà chỉ sau 4 ngày, Kiến Hòa đã mang đủ tiền tới nhà Chí Thành để nhận vợ. Tổng cộng gia đình đã phải bỏ ra 36.388 NDT (khoảng 5.700 USD) bao gồm tiền thách cưới, tiền hợp đồng để đưa được cô dâu về nhà.Người chấp bút hợp đồng là Hồ Xuân Mai, người làng Thủy Châu. Lúc ký kết còn có hai người nhà của cô dâu đi cùng là Mã Chính Dương và Vương Phúc Tiền. Tuy nhiên, họ có quan hệ thế nào với Mã Chính Phần thì gia đình Hồ Kiến Hòa cũng không biết rõ. Trên hợp đồng có ghi: Mã Chính Phần đến từ "làng Dương Liễu, xã Bát Bảo, huyện Quảng Nam, tỉnh Vân Nam". Đợi đối phương mang tới một bộ hồ sơ mang đi làm thủ tục đăng ký kết hôn, Hồ Kiến Hòa mới phát hiện đó là giấy tờ giả.
Bản photo hộ chiếu cũng cho thấy, Mã Chính Phần sinh năm 1989, có nghĩa khi đó cô mới 19 tuổi. Tuy nhiên theo Hồ Kiến Hòa, vợ mình có lẽ đã trên 20 tuổi. Cả nhà Kiến Hòa đều nghĩ rằng cô gái không phải người Vân Nam. Sau này, cô ấy mới tự nhận mình là người Việt Nam và tên thật cũng không phải là Mã Chính Phần.Một năm sau, Mã Chính Phần sinh một bé gái. Hồ Kiến Hòa đã gạt bỏ mọi nghi ngờ. Nhưng ông Thanh bố anh lại nói rằng, Mã Chính Phần tới sống trong nhà được 3 năm thì đã lấy đi không dưới 100.000 NDT. Mọi người trong gia đình không ai bắt Mã Chính Phần phải đi làm ruộng, chỉ ở nhà trông con. Vậy mà cô ta lại để đứa con gái chưa đầy một tuổi lạc mất.
Những "người tàng hình" không hộ khẩu
Hồ Xuân Mai từng là trưởng làng Thủy Châu, là người chấp bút hợp đồng và cũng là người đứng ra làm chứng, thừa nhận lúc đó cũng thấy nghi ngờ về thân phận của Mã Chính Phần. "Lai lịch của cô gái không rõ ràng, chứng minh thư không có, đến cả người lớn tới chứng kiến chuyện hôn nhân cả đời cũng không. Thật không bình thường chút nào" – Mai kể lại.Giải thích về việc vẫn ký tên vào hợp đồng mặc dù có nghi ngờ, Hồ Xuân Mai giải thích là do muốn Hồ Kiến Hòa mau chóng lấy được vợ. Mai cho biết, làng Thủy Châu rất hẻo lánh, vài năm gần đây, hiện tượng mua cô dâu ngoại quốc trở nên phổ biến và người làng ít can thiệp vào chuyện này. Trưởng làng Hồ Tuyên Quần cũng cho hay, những cô gái bị bán tới đây không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào nên chính quyền địa phương không thể điều tra về họ. Được biết, Mã Chính Phần, Mã Lan Lan, Mã Trung Phần và những cô dâu khác trong làng mất tích không hề có tên trong sổ đăng ký tạm trú, tạm vắng tại đồn công an. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những cô gái này đều là "người tàng hình".
Vy Trần tổng hợp ( Theo Phunutoday)