"Bán cóc vàng, làm ruốc bông, làm thịt tại nhà. Chữa bệnh còi xương, hen suyễn". Tấm biển với những dòng chữ quảng cáo đơn giản được gắn vào chiếc xe máy cùng với cái chậu nhôm úp trên chiếc sọt mây đựng đầy cóc.
Hai người một xe, họ hành nghề khắp nơi để bán món ăn từ thịt "cậu ông trời". Họ đều quê Hà Tây mang theo bí quyết "thịt cóc gia truyền", lên Hà Nội làm kế mưu sinh.
Nghề "di động"
Trên chiếc xe Dream cũ mang biển số 33... chở đầy cóc vàng, anh Nam và Thoa rời khỏi phòng trọ khu Pháo Đài Láng khi mặt trời vừa ló dạng. Chiếc xe gắn máy chạy chầm chậm nghe cả được những tiếng nghiến răng ken két của hàng trăm chú cóc đang đồng hành với họ.
Anh Nam nói: "Người dân thành phố thích làm thịt tại nhà để bảo đảm an toàn, chất lượng nên dịch vụ làm thịt cóc tại nhà xuất hiện như một nghề... di động".
Ông Gia, cùng xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây cho biết, nghề bán thịt cóc của gia đình ông đã có từ khoảng 30 năm nay. ông cũng đã theo nghề này được 10 năm. Vợ chồng ông rong ruổi cùng những chú cóc khắp phố phường Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và hiện nay nghề này đang khá là thịnh hành.
Ông Gia kể: "Xã ông và xã Thọ Xuân bên cạnh có không dưới 200 người chuyên bán thịt cóc. Họ có mặt ở khắp mọi phố phường của nhiều tỉnh, thành từ Bắc chí Nam". Tại khu vực này theo ông hiện nay có 4 cặp vợ chồng cùng quê ông làm nghề chế biến món ăn từ thịt "cậu ông trời".
Ông Gia tiết lộ, hàng tháng sau khi trừ các khoản tiền thuê nhà, ăn uống, xăng xe... vợ chồng ông cũng có thu nhập khoảng 3 triệu đồng, đủ sống và gửi về phụ giúp gia đình ở quê.
Bán thịt cóc là một công việc không đòi hỏi nhiều vốn liếng, nếu chịu khó thì cũng có thu nhập tạm ổn nên nhiều người ở quê ông thường kéo anh em, con cháu đi bán cùng. Chỉ vài năm sau, phố phường Hà Nội đã tràn ngập người bán thịt cóc, vợ chồng ông lại dắt dìu nhau tìm một miền đất mới là Hải Phòng trước khi về các tỉnh khác.
Theo ông Gia, việc di chuyển đến nhiều nơi như vậy là vì hiếm hàng chứ không hẳn là "đông người bán, ít người mua". Đến nay, ông đã liên hệ được 4-5 mối cung cấp hàng từ các tỉnh phía Bắc đến Huế. Mỗi khi hết hàng, ông chỉ cần gọi điện thoại là đầu mối sẽ gửi theo ô tô vào cho ông. Có chuyến cả tạ cóc, ông nhận về rồi lại chia cho những người khác cùng đi bán.
Anh Cường, con rể ông Gia cũng đã có thâm niên bán thịt cóc được 5 năm nay tâm sự chân thành: "Đi bộ đội về, trong tay không có nghề nghiệp gì, sẵn có mấy người anh em cùng làng đi bán cóc, thế là tôi xin đi theo luôn. Vậy mà công việc này trở nên gắn bó với tôi suốt những năm tháng qua đấy".
Hành quyết… "Cậu ông trời"
Không ai biết thịt cóc được người dân dùng làm thực phẩm từ bao giờ, nhưng ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Tây thì "người người làm cóc, nhà nhà ăn cóc" từ những năm của thập niên 60. Cả xã có khoảng 1000 dân thì một nửa số dân đã sống bằng thu nhập từ nghề làm thịt cóc.
Thịt cóc đã trở thành món ăn đặc sản, ngon, bổ dưỡng nhưng nếu không biết cách làm, không cẩn thận thì rất nguy hiểm cho người ăn. Chính vì vậy, làm thịt cóc cũng phải kỳ công hơn những loại thức ăn khác.
Chị Thoa, vợ anh Nam, kể:"Làm được một mẻ thịt cóc phải qua nhiều công đoạn. Kỳ công nhất là làm món ruốc (chà bông). Sau khi mổ, cóc được bỏ đầu, da, chân, lòng... chỉ lấy nguyên phần thịt rồi rửa sạch và bóp muối, giấm.
Thịt cóc được hấp mềm khoảng 20-25 phút trước khi giã. Sau đó cho thêm một chút muối hoặc bột nêm vừa ăn rồi cho lên chảo sao đều khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sao cóc là công đoạn lâu nhất nên phải 2 người làm để có thịt vàng, giòn mà không bị cháy. Sau cùng là cho thịt, xương cóc vào máy xay nhuyễn (làm riêng). Vì thế giá thành một ký chà bông cóc cũng rất cao, từ 600.000 - 800.000 đồng/ký".
Thịt cóc có thể chế biến được nhiều món như: chiên, làm chà bông ăn với cháo, hoặc băm nhỏ rồi quấn lá lốt làm chả đều rất ngon. Thịt cóc có mùi thơm và béo, dễ ăn.
"Trẻ con bị bệnh còi xương chỉ cần ăn 3-4 kg là mập mạp hẳn. Nhưng thịt cóc nhiều chất dinh dưỡng nên phải cho trẻ ăn làm hai giai đoạn để cơ thể trẻ có thời gian hấp thụ. Giai đoạn đầu cho ăn khoảng 2kg. 3 tháng sau mới cho trẻ ăn tiếp. Những gia đình có điều kiện thì cho ăn nhiều, những người bình thường thì mua vài lạng chúng tôi cũng làm", anh Nam giải thích.
Người xã Thọ An bán thịt cóc quanh năm, nhưng rộ nhất là vào mùa mưa, khi cóc sinh sản nhiều, và đây cũng là thời kỳ cóc béo tốt nhất. Cóc chà bông Thọ An không chỉ được bán rong đến các tỉnh, thành phố, mà còn trở thành đại lý thu mua của các công ty dược phẩm.
Thịt cóc có phải là thần dược?
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư - tiến sĩ Đỗ Tất Lợi (NXB Y học 2004), "thịt cóc có 53,37% protit, 12,66% lipit, rất ít gluxit, 23,56% trơ và 4,18% độ ẩm. Trong protit có rất nhiều axít amin có giá trị chủ yếu là asparagin, histidin, axit glutamic, glycocol, threonin, axit aminobutyric, tytosin, methionin, leuxin, isoleuxin, phenylanin, tryprophan, xystein". Giá trị dinh dưỡng trong thịt cóc rất cao.
Qua phân tích, các nguyên tố kẽm, mangan trong thịt cóc cao hơn hẳn thịt ếch, gà, bò, heo... Thịt cóc được dân gian sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, thịt cóc có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng sử dụng thay các nguồn thực phẩm khác với mức giá "ngất ngưởng" như hiện nay thì quả là... tốn kém! Ngày xưa, điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn thịt cóc ở thiên nhiên khá dồi dào nên có thể tận dụng.
Ngày nay, điều kiện kinh tế, mức sống khá hơn, các nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng phong phú với mức giá cả phù hợp thì không nên hoang phí với thịt cóc. Đấy là chưa kể đến việc người ăn thịt cóc có thể tử vong vì ngộ độc.
Giá thịt cóc chà bông cao ngất ngưởng vì để chế biến ra một ki-lô-gam thịt cóc chà bông phải làm thịt hơn chục ki-lô-gam cóc sống, điều đó cũng đồng nghĩa với việc gần trăm "cậu ông Trời" phải bỏ mạng. Với kiểu bán hàng "cần bao nhiêu, có đủ bấy nhiêu" thì quả thật số lượng cóc "chết oan" nhiều không kể xiết!
Cóc là loài động vật có ích, sống hiền hòa trong thiên nhiên. Chúng bắt sâu bọ, muỗi mòng... là một trong những mắt xích tạo nên sự cân bằng sinh thái. Có người nói vui rằng: Mấy năm nay trời nắng hạn dai dẳng vì cậu ông Trời "đầu quân" về phố làm chà bông, đâu còn ai nghiến răng để gọi mưa nữa?
Theo VNE