Theo một báo cáo được hai tờ China Economic Weekly và Global Times chí trích dẫn thì tại Trung Quốc có hàng chục nghìn con đập và hồ chứa nước đang trong ở tình trạng xấu. Hiện có tới 40.000 con đập giữ nước hoạt động trong tình trạng quá tuổi thọ quy định. Ngoài ra, chúng còn không được bảo trì tốt trong thời gian gần đây do thiếu kinh phí.
Đây thực sự là một nguy cơ không chỉ đối với cuộc sống của hàng triệu người dân sống xung quanh những con đập này mà còn có những tác động lớn tới môi trường. Sẽ có khoảng 25% các thành phố và vùng nông thôn bị ảnh hưởng trực tiếp nếu có những hậu quả xấu từ những con đập, bản báo cáo cảnh báo.
Ông Xu Yuanming, một quan chức của Bộ Thủy lợi Trung Quốc rất lo lắng khi cho rằng: “Các con đập chứa nước này là một nguy cơ rất lớn nếu chúng bị vỡ thì sẽ phá hủy diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp, đường sắt, các khu nhà ở và cả những thành phố nữa”.
Nhiều con đập của Trung Quốc đe dọa tính mạng hàng triệu người.Ảnh minh họa.
Để nhanh chóng đáp ứng những nhu cầu ngày càng gia tăng về điện và nước, Trung Quốc có những kế hoạch xây dựng những con đập lớn, chủ yếu nằm ở phía Tây, ở những khu vực địa hình núi đá.
Dù có rất nhiều các cảnh báo từ các tổ chức môi trường nhưng dường như các nhà chức trách Trung Quốc vẫn tảng lờ và rất ít nói về những tác động về môi trường và con người ở những khu vực xung quanh những con đập dự kiến được xây. Công trình đập Tam Hiệp là một ví dụ với số vốn đầu tư lên tới 25 tỷ USD - đây được coi là một kỳ tích của hiện đại hóa ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đập ngoài việc tốn kém về kinh phí thì cũng tác động đến cuộc sống và môi trường xung quanh. Việc đập Tam Hiệp phủ kín 13 thành phố, 140 thị trấn và 1350 làng nên khi xây dựng đập có tới 1,4 triệu người dân phải tái định cư. Ngoài ra, việc xây dựng một con đập có mức chứa nước khổng lồ với 39 tỷ m3 và dài tới 600 km, theo các nhà địa chất kéo theo nhiều nguy cơ về lở đất, động đất.
Ngoài ra, việc Trung Quốc xây dựng các con đập trên sông Mekong bị các nước hạ lưu phản đối kịch liệt. Mekong là con sông có chiều dài thứ 12 thế giới, xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc băng qua Tây Tạng, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam rồi chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Do Trung Quốc là nước ở thượng nguồn sông Mekong nên việc xây dựng quá nhiều các con đập làm thay đổi lưu lượng nước ở dưới hạ nguồn làm ảnh hưởng đến đời sống của những người dân sinh sống ở hạ lưu của con sông này đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt và đánh bắt thủy sản.
Ủy hội sông Mekong đưa ra nhiều cảnh báo liên quan đến tác động của việc xây dựng những con đập ở thượng nguồn sông Mekong. Những đấu tranh mới đây của các nước hạ lưu đối với kế hoạch xây dựng đập Xayaburi của Lào buộc Lào phải hoãn việc xây dựng con đập này. Các nước thượng nguồn không nên quá chú trọng vào lợi ích kinh tế mà cần phải thể hiện trách nhiệm đối với môi trường và sự phát triển và thịnh vượng chung của toàn khu vực.
Từnăm 1954, có tới 3.515 con đập được xây dựng tại Trung Quốc. Quá trình bảo trì không được tuân thủ cộng với thiên tai có thể gây ra những tai nạn khủng khiếp. Tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 1975 khi 62 con đập ở tỉnh Hồ Nam bị vỡ sau khi cơn bão Nina đi qua. Năm 2005, Văn phòng Thủy điện Hồ Nam đưa ra bản báo cáo thống kê là 26.000 người bị chết và tổng cộng có tới 11 triệu người bị ảnh hưởng trong tai nạn nói trên.
Theo An Ninh Thủ Đô