Tìm hiểu thêm mới hay T. là một chàng trai đích thực chứ không phải một cô gái chân dài như thoạt nhìn ban đầu. “Nghề” múa lửa, uốn éo ngoài đường trước các quán nhậu đã khiến T phải nhận biết bao sự cay đắng, nhưng T. vẫn làm như “cái nghiệp” và biết hướng về tương lai.
(Ảnh minh họa)
Cái “nghiệp” làm thân “con gái”
Đêm khuya, các thực khách đã ngà ngà say trong các quán nhậu bên đường đều quen thuộc với cảnh tượng ngoài đường nhạc nổi lên inh ỏi, một nhóm vài người đi bán kẹo kéo hay những thứ lặt vặt khác và màn trình diễn bất đắc dĩ diễn ra ngay trên vỉa hè của một “cô gái” hay một chàng trai hát những bài tình ẽo uột.
Tôi đã gặp T. nhiều lần lui tới một quán nhậu bên đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM như thế. Tiếp xúc nhiều lần, tôi mới được “cô gái” bật mí cho biết cái tên thật rất đàn ông là N.V.T, còn khi thực khách có hỏi tên thì “cô gái” xưng là Thúy Hạnh.
Hẹn được T. sau lần trình diễn đã khuya, một chút lai rai, T. mới giãi bày về cuộc sống cơ cực của mình. Cha mẹ ly dị, từ miền Tây lên TP.HCM từ nhỏ kiếm sống bằng nghề phụ bán ở chợ Bình Tây, quận 6, TP.HCM. Lam lũ với công việc, nhưng tiền bà chủ trả công hàng tháng không đủ cho T. thuê nhà và gửi chút đỉnh về quê cho bà ngoại nuôi em.
Cuộc sống càng cay nghiệt hơn khi T. ngày càng lớn, mang vẻ ngoài là đàn ông, nhưng từ cách hành xử cho đến đi đứng, ăn nói lại như một cô gái đúng nghĩa. “Xót xa lắm anh ơi! Người ta cứ nhìn mình bằng con mắt kỳ thị, rồi em không chịu nổi nơi chợ, buôn bán mỗi ngày. Thế là mấy đứa bạn rủ, em gia nhập nhóm hát rong, bán kẹo kéo kiếm sống” - T. bày tỏ.
Giữa thành phố náo nhiệt, T. cùng nhóm bạn 2 người làm thân hát rong, mua vui cho khách ăn nhậu để bán kẹo kéo kiếm tiền. Nhưng hát hoài mà cũng khó ai mua kẹo, vì chẳng ai hát hay, có hôm còn bị khách say ném đá, ném xương, ném cùi bắp vì cho là hát nhép, hát dở…
Cả nhóm lại bàn nhau cách làm sao thu hút khách để bán được kẹo, “thế là hai đứa bạn đổ dồn ánh mắt về em, chúng bảo em là con gái, có thân hình đẹp như một cô chân dài thứ thiệt… Em làm diễn viên múa lửa từ đó” - T. cho biết.
Nhưng làm sao múa cho ăn khách, múa cho mọi người nhìn, để họ quan tâm, để họ thương mà mua cho cây kẹo, đó là chuyện không dễ dàng chút nào với T. Võ vẽ tìm hiểu cách ngậm dầu vào miệng, thổi qua lửa để tạo thành một ngọn lửa lớn phun ra từ miệng, rồi cầm hai cây đuốc múa như trên sàn diễn, T. bắt đầu tự học nghề “múa lửa” trên mạng Internet.
T. bày tỏ: “Có hôm mới tập, em suýt làm cháy cả tóc, lửa bén vào miệng muốn bỏng cả mặt… khiếp quá. Nhưng muốn kiếm tiền thì phải cố gắng anh ạ, cuộc sống bươn chải, ai mà dễ dàng kiếm tiền đâu”.
T. còn tâm sự, hôm đầu tiên cả nhóm đến một quán ăn trên đường Hùng Vương, quận 5, TPHCM vào khoảng 10h đêm. Lúc T. chuẩn bị thổi lửa thì dầu tràn vào cổ họng, cay xè, nhưng lỡ biểu diễn rồi nên quyết làm cho được, ai dè ngọn lửa cháy lan xuống những giọt dầu do T. không phun ra hết, thế là mọi người trong quán hoảng hốt, lấy khăn bàn chạy ra dập lửa cho T. Một phen hú hồn khi T. mới vào “nghiệp múa lửa” ở Sài Gòn là vậy.
Đắng cay sau những đêm trở về
“Có đêm, gặp khách sộp, thì tụi em cũng được kha khá, vài trăm ngàn chia nhau. Có đêm thì ế đến một cây kẹo kéo cũng không bán được. Nhưng cay đắng nhất vẫn là khi nhận được những cái nhìn cay nghiệt, khinh thường hay những lời lẽ chẳng hay ho gì…”, T. buồn bã nhìn xuống đất, giấu đi ánh mắt sâu thẳm tủi hờn.
Tôi theo chân nhóm bạn của T. về căn phòng trọ ẩm thấp, nằm sâu trong khu dân cư chật chội trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào giữa khuya.
Được T. mời vào phòng mà chân tôi không dám bước. Chỉ nhìn thoáng qua, căn phòng giống như một cái ổ chuột thực thụ, với một khoảng trống vừa đủ để ngả lưng cho hai người là cùng. Nhưng theo lời T. thì căn phòng này dành cho 3 người ở, thuê với giá 500.000 đồng/tháng để ngả lưng sau những đêm miệt mài hát rong, “múa lửa” ngoài phố mưu sinh. Còn ban ngày, cả ba người – T. và hai bạn phải làm việc cật lực tại một quán cơm trưa để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
T. tâm sự: “Đắng cay nhất là có hôm em đang múa bỗng lãnh nguyên một cục xương phi thẳng vào người. Mà đâu phải cục xương đã sạch, nó còn nhờn nhờn nước lèo, pha lẫn mùi nước mắm. Tủi nhục, đau đớn lắm, nhưng em biết làm sao, cứ lơ đi như chẳng có chuyện gì, em vẫn múa”.
Cũng theo T. bày tỏ, sau những đêm không may mắn ấy, T. trở về phòng trọ, buồn đến thê lương, muốn bỏ “nghề”, nhưng cũng chẳng biết làm gì vì lỡ vướng vào cái thích được làm… “con gái”.
T. cho biết: “Cố gắng kiếm tiền, em lo cho thằng em ăn học đàng hoàng. Nếu có tiền nhiều, chẳng giấu gì anh, em muốn ra nước ngoài chuyển giới tính, làm con gái một trăm phần trăm. Mai này em dành dụm có tiền, sẽ mở một tiệm làm đẹp đàng hoàng khỏi phải lông nhông nữa…”. Năm nay mới 25 tuổi, “cô gái” này đã phải nhận không biết bao nhiêu tủi nhục, đắng cay đến mức ê chề.
Nhưng nghe cách T. nói chuyện, có lúc buồn đến não lòng, nhưng cuối cùng T. vẫn kết lại câu chuyện kể cho tôi nghe bằng sự quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. T. luôn tin rằng, việc mình làm dù có chút “lạ” hay khó chịu với ai đó cũng chẳng sao, miễn là không làm chuyện phạm pháp, mình lao động chân chính bằng sức lực để kiếm sống thì dù sao cũng có người thương.
Chia tay T. và nhóm bạn chuyên bán kẹo kéo rong hàng đêm ở Sài Gòn, tôi cảm thấy nhiều nỗi bất hạnh đổ lên đầu T.
Nhưng sức sống mãnh liệt trong T. vẫn hừng hực, T. quyết tâm cho tương lai. Đó là một điều đáng quý, vì có rất nhiều bạn trẻ đã lầm lạc lối đi, vướng vào tội phạm hình sự, ma túy, trộm cắp, bài bạc…, còn T. thì không, dù hoàn cảnh đến mấy, nhưng T. vẫn biết làm, biết sống một cách chân chính và quan niệm cuộc sống rất chân tình.