Cần bêu tên DN đưa hàng hết hạn đi từ thiện
Việc người dân vũng lũ Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa nhận phải hàng cứu trợ gồm kem đánh răng, sữa tắm... hết hạn sử dụng 5 năm khiến dư luận xôn xao.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Thị Thoa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định, hàng hết date phải tiêu hủy, nhưng không ít doanh nghiệp (DN) thấy phí nên đã mang hàng hết hạn đi cứu trợ.
Trong khi đó, hàng từ thiện lại không được tính vào chi phí hợp lý của DN. DN phải chịu lỗ cho khoản hàng từ thiện này.
Bên cạnh đó, trong luật cũng không quy định rõ ràng, cũng như chưa có chế tài cụ thể đối với các hàng hóa cứu trợ. Chính vì vậy, khó có thể quy kết DN này vào tội gì.
“Pháp luật Việt Nam mới chỉ có Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, chứ hàng cứu trợ chưa có quy định. Nếu có bêu tên các DN đem hàng hết hạn đi từ thiện thì cũng chỉ ở góc độ đạo đức.
Bêu tên để các DN lưu ý rằng, những người đáng được nhận cứu trợ thì nên cho họ những sản phẩm tốt, chứ không phải hàng hư hỏng hay đồ bỏ đi. Người ta đã khổ rồi lại thêm khổ!” – luật sư Thoa nói.
Hộp kem đánh răng cứu trợ cho dân vùng lũ Quảng Ninh in ngày sản xuất là 26/11/2007 và hạn sử dụng đến 26/11/2010, quá hạn sử dụng gần 5 năm. (Ảnh: Zing)
Liên quan tới việc này, bày tỏ sự bức xúc, ông Lê Thế Thìn, nguyên trưởng ban công tác xã hội Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh, hàng hết hạn, ngay cả đem cho người sử dụng bình thường cũng đã là không được, nói gì tới hành động nhân đạo.
“Trong công tác từ thiện không có quy định về việc DN đưa hàng hết hạn đi cứu trợ thì bị xử phạt hay không nhưng nguyên tắc, làm vậy là sai rồi. Bởi hoạt động từ thiện phải thể hiện cái tâm sáng của mình.
Cách đây mấy năm, cũng có vụ việc tương tự và Bộ Công an đã vào cuộc. Trách nhiệm ở đây phải thuộc về phía Bộ Công thương, phòng Quản lý thị trường” – ông Thìn chia sẻ.
Theo vị này, hàng hết hạn 5 năm vẫn được đưa đến tay người dân vùng lũ có thể do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, một số đơn vị xuống trao quà trực tiếp, không thông qua chính quyền.
Thứ hai, nếu qua chính quyền hoặc các tổ chức từ thiện, mặc dù có quy trình chặt chẽ nhưng vẫn có thể bỏ sót do có quá nhiều hàng hóa cứu trợ, không kiểm soát hết.
"Đối với các doanh nghiệp biết hàng hết hạn mà vẫn cố tình đem đi cứu trợ, tôi nghĩ cần bêu tên công khai và dư luận nên lên tiếng.
Ngay cả hàng sử dụng chất lượng không được như đăng ký, đã phải bêu tên rồi, huống hồ là hàng hết hạn sử dụng lại còn đi cứu trợ!", ông Thìn cho hay.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng, dù mang tới tận nơi hay qua bất kỳ một tổ chức nào thì hàng hóa đều phải đảm bảo chất lượng.
“Như thế mới thể hiện lòng từ thiện của mình. Chứ nếu là hàng rởm, hàng hết hạn thì đó không phải là lòng từ thiện”, ông nói.
“Làm từ thiện cũng phải chuyên nghiệp”
Là đơn vị đi đầu trong công tác nhân đạo, từ thiện, ông Đoàn Văn Thái – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ, khi nhận bất kỳ hàng cứu trợ nào, Hội bao giờ cũng kiểm tra chặt chẽ về chất lượng của sản phẩm.
Không riêng gì thuốc uống, đối với các mặt hàng như nước uống, mì tôm,... Hội cũng xem kỹ hạn sử dụng.
Đối với quần áo đã qua sử dụng, Hội lọc ra những cái nào thực sự tốt, sắp xếp lại rồi mới đem trao cho người dân, chứ không bao giờ đem trao thẳng.
Để tránh trường hợp hàng bị mất mát hoặc bị tráo đổi, hàng kém chất lượng như đã xảy ra tại Quảng Ninh, ông Thái cho hay, các doanh nghiệp hảo tâm nên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ để có hệ thống và quy trình trao quà cho người dân được chặt chẽ.
Như vậy, vừa đỡ vất vả cho doanh nghiệp (không phải đi lại) vừa thuận lợi cho người dân bản địa. Bởi các cấp chính quyền địa phương khi tiếp nhận hàng cứu trợ thường rất khổ, vì có quá nhiều tổ chức tới nhưng thiếu sự quản lý.
Điều này dẫn tới việc hàng hóa bị chồng chéo, trùng lặp, sự phân chia cũng không công bằng, đặc biệt là xuất hiện nhiều hàng kém chất lượng.
Còn theo bà Mỹ Anh, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, trong các hoạt động an sinh xã hội, doanh nghiệp nếu trực tiếp mang hàng tới cứu trợ cho người dân được là tốt nhất.
Trong trường hợp không đi được, doanh nghiệp có thể liên hệ với tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương.
“Khi có sự kết hợp, sự thâm hụt hàng hóa hoặc sản phẩm kém chất lượng sẽ không bao giờ xảy ra hoặc nếu có thì rất hy hữu” – bà Mỹ Anh chia sẻ.
Là người tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, từ kinh nghiệm thực tế của mình, bà Mỹ Anh cho rằng, để tránh xảy ra các “sự cố” phản cảm như ở Quảng Ninh, sự phối kết hợp giữa các bên cần phải qua công văn.
Bên cạnh đó, khi triển khai, cần phải có những bảng danh sách ký nhận và phải có tổng kết.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần liên hệ với giới truyền thông. Khi có truyền thông vào cuộc, không chỉ doanh nghiệp có lợi ở việc quảng bá thương hiệu mà còn giúp doanh nghiệp giám sát cũng như hạn chế các tình huống không mong muốn xảy ra.
“Từ thiện bây giờ đã trở thành một công việc xã hội. Làm từ thiện cũng phải rất chuyên nghiệp” – bà Mỹ Anh cho hay.
Ngoài các tổ chức chuyên biệt, hiện nay cũng có nhiều tổ chức tự phát kêu gọi từ thiện qua facebook, mạng internet, thậm chí cả các cá nhân. Nhưng điểm chung mà bà Mỹ Anh nhận thấy là họ đều khá chuyên nghiệp.
Sự chuyên nghiệp thể hiện ở khâu chuẩn bị. Họ luôn có công tác tiền trạm, thăm dò địa bàn để có sự kết nối với lãnh đạo địa phương - nơi sẽ tổ chức hoạt động an sinh xã hội.
“Khi có sự kết nối, thứ nhất, hình ảnh của đơn vị hảo tâm được đảm bảo. Thứ hai, đối tượng nhận từ thiện sẽ thiết thực. Thứ ba, hàng hóa trao tặng được yêu cầu chất lượng do có sự quản lý” – bà nói.