Dân buôn gà lậu "nín thở" thời đại dịch

Dịch cúm gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các cơ quan chức năng buộc phải căng mình để đối phó.

Săn gà lậu thời cúm gà

Trước khi vào khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đã huy động các mối quan hệ để ‘moi’ đầu mối thông tin về gà lậu. Đường đi, nước bước của gà lậu từ bên kia biên giới về Việt Nam cũng được Đ.- một “chim lợn” vùng biên miêu tả khá tường tận, chi tiết.

Buôn gà lậu, đại dịch, Lạng Sơn, biên giới, nguy cơ
Cung đường vào ‘thủ phủ’ gà lậu không còn cảnh những chiếc xe máy chở gà lậu chạy bạt mạng. Chỉ có những binh đoàn xe container chở hàng "nhạy cảm"

Theo Đ., thông thường, gà lậu thường được tập kết bên kia biên giới, cạnh các cửa khẩu Chi Ma, Hữu Nghị, Bảo Lộc.

Các chủ hàng sau khi đã gom được số lượng hàng, thường thuê cửu vạn, cắt biên, theo đường xương cá tuồn về Việt Nam. Tại Việt Nam, số lượng gà lậu thường được xé nhỏ, tập kết ở nhiều địa điểm và vận chuyển về xuôi bằng nhiều phương tiện.

Sau một hồi thao thao bất tuyệt về đường đi ngoằn nghèo của gà lậu, Đ. chốt lại: “Nhưng đó là câu chuyện khi chưa có dịch. Còn bây giờ, bố bảo chúng nó (chỉ những người vận chuyển gà lậu - Pv) cũng không dám đi. Đơn giản một điều là: đang dịch, lực lượng quản lý làm căng lắm. Các chốt kiểm tra dựng lên nhan nhản nên các chủ buôn buộc phải nằm im. Họa hoằn lắm chỉ có dân vùng biên đi một vài lồng kiếm cơm thôi”.

Thấy chúng tôi có vẻ không tin, bởi cách đây vài ngày, các lực lượng chức năng ở Lạng Sơn vừa bắt giữ một khối lượng gia cầm xuất xứ từ Trung Quốc, Đ. khục khặc: “Các bố không tin, thằng em này dẫn vào ‘thủ phủ’ buôn gà lậu mà xem”. Đ. trở thành hoa tiêu bất đắc dĩ của chúng tôi trong hành trình thâm nhập vào ‘thủ phủ’ tập kết gà lậu.

Qua trạm kiểm soát cửa khẩu Hữu Nghị, có một đường rẽ phải vào cửa khẩu Bảo Lâm (huyện Cao Lộc). Cung đường vào dẫn đến đồn Biên phòng Bảo Lâm lổn nhổn ổ gà, trơn trượt. Những chiếc xe container, mà theo như lời của Đ., toàn chở hàng “nhạy cảm” rú ga tiến về phía cửa khẩu Bảo Lâm.

Con đường già nua nối từ Hữu Nghị vào Bảo Lâm vì thế càng ngày càng xuống cấp theo những chuyến hàng “nhạy cảm” lầm lũi đi trong đêm. Theo lời Đ. thì từ trước đến nay, xã Bảo Lâm là điểm tập kết gà lậu đầu tiên ở khu vực đường biên từ cửa khẩu Hữu Nghị vào cột mốc số 23.

Đặc biệt là các thôn Cò Luồng và Nà Pán. Đã có thời điểm, hầu hết người dân ở hai thôn này tham gia vào các đường dây vận chuyển gà lậu.

Thủ đoạn của họ càng ngày càng tinh vi. Các chủ buôn sang bên kia biên giới mua từng tấn gà lậu rồi xé lẻ, thuê người dân đi bộ cõng gà về giấu ở từng nhà, sau đó mới tìm cách tập kết về Khuổi Mươi hoặc TP Lạng Sơn.

Lợi nhuận buôn gà chỉ đứng sau ma túy?

“Buôn gà thời này, lợi nhuận chỉ đứng sau ma túy nên rất nhiều con buôn đổ xô đi buôn. Giá thành gà ở Trung Quốc rẻ như cho, nếu có bị bắt thì chỉ vài chuyến là lại hòa vốn. Có những người kiếm bạc tỷ sau mỗi mùa buôn gà” - Đ. giải thích về lý do vì sao người dân nườm nượp đổ đi buôn gà lậu.

 

Buôn gà lậu, đại dịch, Lạng Sơn, biên giới, nguy cơ
Thủ phủ gà lậu vắng hoe

Dù đã cải trang rất kỹ nhưng suốt một đêm thức trắng ở Bảo Lâm, tuyệt nhiên chúng tôi không hề phát hiện một lồng gà lậu nào. Đi một vòng quanh Cò Luồng và Nà Pán, chỉ lác đác người già vả trẻ nhỏ.

Những người dân vốn dĩ sống bằng nghề vận chuyển gà lậu ‘không biết bỏ đi đâu hết’. Có người nói họ đi lễ hội, có người nói họ đi sang bên kia biên giới vác hàng thuê.

Xe máy, lồng gà xếp đống ở hiên nhà, không có dấu hiệu nào chứng minh người dân ở điểm nóng này “đi gà” ở thời điểm này.

Nửa đêm, nhiệt độ ngoài trời xuống đến 6 độ C, Đ. run lẩy bẩy vỗ vai chúng tôi: “Về. Em đã bảo là cho vàng nó cũng không buôn gà vào thời điểm này đâu mà. Họ buôn cả năm, cả tháng, nghỉ tạm vài ngày có chết đâu”.

Không có dấu hiệu gà lậu nào ở Bảo Lâm, chúng tôi tiếp tục hành trình phục kích ở hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Ở nơi này, kể cả những đợt lực lượng chức năng làm rốt ráo nhất thì gà lậu vẫn tràn biên như thường.

Lý do là bởi những đường biên hai bên cánh gà đi xuyên qua khu dân cư thôn Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng) và nối liền với “pháo đài gà lậu” Khuổi Mươi trước khi lên xe máy phóng như tên bắn về TP Lạng Sơn nên việc bắt gà lậu được đánh giá là còn khó hơn bắt ma túy.

Lại một đêm thức trắng, cải trang để phục kích nhưng kết quả vẫn không phát hiện được lồng gà nào. Đi cùng chúng tôi hai đêm liền, bản thân Đ. cũng cho thế này là một chuyện kỳ lạ, chưa từng có tiền lệ ở ‘thủ phủ’ gà lậu lớn nhất nước.

“Những lần dịch trước cũng có thông báo, cũng thành lập các đoàn liên ngành phục kích nhưng chưa có lần nào gà lậu lại vắng bóng sạch trơn như lần này”.

Không ai dám đảm bảo 100% gà lậu Trung Quốc không đổ bộ ở thời điểm này, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn đang gồng mình hết sức để ngăn chặn.

Cụ thể, để để phòng dịch cúm H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã lập 24 lều bạt tại các đường mòn, lối mở, chốt chặn 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị và Chi Ma.

Kết quả của các chương trình giám sát cho thấy, hiện ở tỉnh này chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1, cũng như virus H7N9.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Lý Vinh Quang cho hay: Cả tỉnh Lạng Sơn tập trung triển khai thực hiện “Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép”.

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch, bệnh và tăng cường công tác kiểm dịch, xử lý triệt để việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y.

Đối với nguy cơ lây lan vius trên người, tỉnh Lạng Sơn trang bị máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Cốc Nam, chuẩn bị lắp thêm một máy ở cửa khẩu Hữu Nghị. Lạng Sơn đã chuẩn bị 2 khu cách ly và điều trị tuyến tỉnh, một tại phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Đăng với 15 giường bệnh (tình huống chưa có virus H7N9) và 50 giường (khi xuất hiện virus H7N9 trên người), và một khu tại khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thiết lập một bệnh viện dã chiến tuyến II, III quy mô 70-100 giường bệnh, nếu phát hiện virus H7N9.

Ngày 18/2, Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng bắt giữ 650kg chim bồ câu nhập lậu trên xe ô tô mang BKS 12C-017.84. Lái xe đã bỏ trốn khi bị phát hiện.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại