Đám cưới vừa xong, chiến sĩ Trường Sa vội lên đường làm nhiệm vụ

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - Yêu nhau 7 năm, cưới nhau được 4 ngày họ lại phải chia tay nhau để người lính Trường Sa lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi “đầu sóng ngọn gió".

Khi chúng tôi đến căn nhà của Trung úy Nguyễn Quang (SN 1986, xã Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội), nguyên trợ lý hóa học tại đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa), thì những chữ hỉ, những đóa hoa hoa kết hình trái tim vẫn còn nguyên vẹn trên tường. Bởi lẽ, cái kết cho 7 năm yêu nhau của anh Quang và vợ là chị Nguyễn Huyền Thương (SN 1988) là một đám cưới viên mãn vào ngày 18/5. Thế nhưng, hạnh phúc chưa “nở hoa” được bao lâu, anh Quang lại chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở nơi “đầu sóng ngọn gió”.

Ảnh cưới của Trung úy Nguyễn Quang
Ảnh cưới của Trung úy Nguyễn Quang

“Từ hôm cưới vợ xong tới nay, lúc nào tôi cũng lo công việc của đồng đội ngoài đảo. Chúng tôi mỗi người mỗi nơi nhưng sống với nhau lâu nên coi nhau như anh em một nhà. Vì tình yêu đất nước, tất cả các chiến sĩ hải quân cũng đang rất háo hức chờ đợi ngày tôi trở lại để tiếp tục công việc”, anh Quang nói.

10 năm được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, anh Quang nói mình đủ bản lĩnh để biết tình hình hiện tại diễn biến như thế nào. Mỗi lần nghe thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật tình hình Biển Đông, trong người anh lại sục sôi tình yêu nước mãnh liệt. Chính bởi thế, dù mới cưới vợ, chưa "bén hơi" nhau nhưng vợ chồng anh không bi lụy khi phải tạm chia xa. “Tình yêu nước lớn lắm nên nhiều khi tôi chỉ muốn quay lại đơn vị ngay lúc này. Khi Tổ quốc cần, tôi sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Tôi và đồng đội vượt qua mọi gian khổ chỉ mong góp phần cùng nhân dân cả nước giữ được vùng biển của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho”, vẫn giữ cho mình nét cương nghị nhưng đầy nhiệt huyết của người lính cụ Hồ, anh Quang chia sẻ.

Nghe tin nhiều tàu Trung Quốc ngang ngược đâm va, phun vòi rồng với công suất lớn vào tàu Việt Nam, làm một số kiểm ngư viên bị thương, tàu và nhiều thiết bị khác hư hỏng, người lính Trường Sa ấy thấy trong mình sục sôi, phẫn nộ. Tuy nhiên anh chia sẻ: “Mình phải ứng xử, đối phó sao cho đúng luật, không nên manh động để đảm bảo an toàn”.

Lắng nghe những tâm sự của bà Đắc Thị Thương (SN 1965), mẹ của Trung úy Quang, chúng tôi càng hiểu hơn những tâm sự đang dồn nén lại phía sau giọt nước mắt chảy ngầm của đấng sinh thành để con an tâm lên đường làm nhiệm vụ. Bà kể, sát ngày lên đường, anh Quang mới cho mẹ biết: "Chỉ còn hai ngày nữa và cũng chưa biết nơi con tới nhận nhiệm vụ mới là đảo nào trên quần đảo Trường Sa".

Bà Đắc Thị Thương, mẹ của Trung úy Quang
Bà Đắc Thị Thương, mẹ của Trung úy Quang

“Có những lúc 7 ngày, 7 đêm không liên lạc được với con, lòng tôi như lửa đốt, không ăn không ngủ được. 12h đêm gọi điện cũng không được. Khi con gọi về, gia đình mới hay tin ở đó bão to, không có sóng. Mỗi lần nhớ con tôi lại mở tivi ra xem. Nhìn thấy những bộ quân phục là tôi lại mừng như được nhìn thấy chính con trai mình. Mỗi thông tin về Biển Đông “dịu sóng” tôi lại yên tâm hơn”, bà Thương tâm sự.

Còn với ông Nguyễn Tuyên (SN 1963), bố của trung úy Quang tâm sự: “Tôi cũng luôn động viên con và đồng đội của nó là phải cố gắng bảo vệ Tổ quốc, không được nản lòng, không được để tình cảm riêng lấn át. Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, những người dân như chúng tôi chỉ biết nói là mình rất bức xúc”.

Anh Quang lắng nghe những tâm sự của bố mẹ. Với những người chiến sĩ như anh Quang, lúc nào các anh cũng tin vào khả năng cũng như sức mạnh của đất nước mình, chính nghĩa sẽ thắng.

“Hiện tại, trước những diễn biến ở Biển Đông tôi muốn nhắn với đồng bào cả nước, chúng ta phải hết sức kiềm chế và bình tĩnh trong mọi hành động”, anh Quang chia sẻ.

Sắp phải chia tay người vợ trẻ, chia tay gia đình và người thân, hàng xóm… để trở lại với nhiệm vụ thiêng liêng của người lính Trường Sa, trong anh Quang vẫn không sao quên được hình ảnh đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt là hình ảnh các cụ ông, cụ bà cao tuổi nhưng vẫn giơ cao khẩu hiệu một lòng bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. “Với những người cao tuổi họ vẫn dạt dào tình yêu quê hương, đất nước nên không cớ gì những người trẻ - những người chủ tương lai của đất nước lại không thể “chắc tay súng” bảo vệ Tổ quốc”, đó là những tâm sự của người lính Trường Sa trước giờ lên đường nhận nhiệm vụ mới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại