Đại tướng kiên quyết không tác động xin đất, xây cầu như thế nào?

H.Đan - H.Sơn |

(Soha.vn) - Ông Võ Đại Hàm cho biết, dù là người có nhiều đóng góp to lớn cho nước, cho dân nhưng Đại tướng không bao giờ dùng uy tín của cá nhân để phục vụ lợi ích riêng.

>>Tang lễ đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thông tin chính thức

>> Lịch trình tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

>>Video công bố Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp [chính thức]

Ngày 5/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã ra Thông cáo đặc biệt về việc tổ chức tang lễ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông và là người trông nom căn nhà lưu niệm Đại tướng ở quê nhà khẳng định, cuộc đời, nhân cách cao cả của Đại tướng đã dạy cho ông rất nhiều bài học quý giá.

"Những năm còn khỏe, Đại tướng thường xuyên về thăm quê nhưng ông không bao giờ đi một mình mà lúc nào cũng đưa cả gia đình về cùng. Ông bảo, các con ông đều sinh ra và lớn lên ở thành phố nên mỗi lần về quê sẽ giúp các anh, chị hiểu hơn, gần gũi hơn với cuộc sống của người dân, với quê hương.

Và cho đến bây giờ, không chỉ có công việc mà bất cứ khi nào rảnh, các anh, chị lại cùng tập trung về quê, thăm hỏi bà con, hàng xóm. Điều đó cho thấy rõ tấm lòng, tình cảm đặc biệt của ông với quê hương", ông Hàm tâm sự.

Bàn thờ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lập trang trọng tại ngôi nhà nơi ông sinh thành tại làng An Xá
Bàn thờ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lập trang trọng tại ngôi nhà nơi ông sinh thành tại làng An Xá

Ông Hàm cũng nhấn mạnh, một bài học lớn mà ông học được từ Đại tướng chính là việc, không bao giờ dùng uy tín của cá nhân để phục vụ lợi ích riêng.

"Một câu chuyện mà tôi không thể quên được, đó là việc thời gian trước đây, họ ngoại của Đại tướng có mong muốn xây nhà thờ tổ để thờ phụng. Tuy nhiên, mảnh đất mà họ muốn xây dựng nhà thờ là mảnh đất có vị trí đắc địa và sau khi xem xét, lãnh đạo huyện đã không đồng ý.

Một số người đại diện trong họ đã đến xin gặp Đại tướng, trình bày vấn đề với mong muốn ông can thiệp để họ có được mảnh đất đó.

Nhưng sau khi nghe, Đại tướng đã nói rõ là nếu dòng họ xây nhà thờ thì ông sẽ đóng góp đầy đủ và vận động thêm để giúp đỡ còn việc tác động để huyện cấp cho mảnh đất đắc địa đó thì ông không làm.

Không chỉ vậy, Đại tướng cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ các con, không bao giờ dùng uy tín của mình để tác động bất cứ việc gì. Ông luôn bảo, các anh chị phải tự vươn lên, không được dựa vào uy tín của cha thì mới có thể trưởng thành được.

Điều đó đã cho thấy sự liêm khiết, chí công vô tư, không dùng uy tín cá nhân để phục vụ cho những vụ lợi riêng của ông", ông Hàm nói.

Nhiều người dân tại thôn An Xá cũng kể lại một câu chuyện thể hiện rõ sự liêm khiết của Đại tướng. Lệ Thuỷ ở rốn trũng, mùa lũ nước trắng băng nên có một cây cầu là mơ ước ngàn đời. Nhưng để có hàng trăm tỷ đồng xây cầu đâu đơn giản. Trong thời bao cấp, để có tiền xây cầu, đã có ý kiến đề nghị Đại tướng “nói giúp” với Trung ương.

Nhưng Đại tướng bảo: Làm cầu là rất có lợi cho huyện nhà nhưng đây lại là cây cầu về quê ông, nên ông không “tác động".

Dù bão lớn nhưng cây khế chua có hơn trăm năm tuổi sau nhà mà Đại tướng rất yêu quý chỉ bị rụng lá và gãy các <span class=
Dù bão lớn nhưng cây khế chua có hơn trăm năm tuổi sau nhà mà Đại tướng rất yêu quý chỉ bị rụng lá và gãy các cành nhỏ.

"Mỗi khi ông về thăm nhà là bà con từ khắp nơi lại về đây rất đông để được gặp ông, được nghe ông nói chuyện. Ông lúc nào cũng mong muốn và căn dặn bà con phải chăm chỉ làm ăn, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Và dù đã đi xa rất nhiều năm nhưng khi trở về quê, tiếng nói của ông vẫn là giọng Lệ Thuỷ đặc sệt. Ông thích nghe những câu hát của quê hương và không hề thích những món ăn cầu kỳ mà chỉ thích nhứng món dân dã như rau muống luộc, cà muối, đồ kho... Ngoài ra, ông còn rất thích trồng cây, ông đã đem nhiều cây, đặc biệt là cây thuốc từ các nơi về trồng trong vườn nhà... ", ông Hàm kể.

Ông Hàm cũng cho hay, do ảnh hưởng bão, nhiều cây trong vườn bị đổ gãy nhưng riêng cây khế sau nhà mà Đại tướng rất quý vẫn nguyên vẹn.

"Cụ rất yêu quý cây khế chua sau nhà và lần nào về thăm, cụ cũng ra thăm, mắc võng nằm ở đó. Đợt bão vừa rồi nhiều cây trong vườn bị gãy đổ, hư hại nhưng cây khế đã trên trăm tuổi chỉ bị rụng lá, gãy cành nhỏ còn lại vẫn nguyên vẹn. Nhìn cây khế vẫn còn đây mà ông đã ra đi rồi, thực sự là tôi không cầm được nước mắt", ông Hàm bùi ngùi nói.

TIN MỚI NHẤT VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại