Theo bà Tô Thị Hương - Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, công hàm của Việt Nam có nội dung phản đối giới chức trách Malaysia bắt giữ công dân Việt Nam khi không có đủ cơ sở và không thông tin đầy đủ cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam.
Điều này hoàn toàn không phù hợp với Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự.
Nội dung công hàm cũng phản đối Malaysia còng tay chị T., nhân viên văn phòng quận ủy quận 12 (TP HCM), như tội phạm dù không có đủ cơ sở kết tội.
Bộ Ngoại giao Malaysia ghi nhận ý kiến của sứ quán Việt Nam và nói sẽ trao đổi với Cục Nhập cư Malaysia.
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia cho biết, nếu như bắt giữ công dân Việt Nam mà không đủ cơ sở có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Malaysia trong mắt du khách Việt Nam.
Nghi ngờ dấu giả
Ngày 31/7, ông Lê Văn Cường - chánh văn phòng Quận ủy quận 12 cho biết chị T., nhân viên của văn phòng quận ủy, vẫn chưa đi làm lại.
Cơ quan cho chị T. nghỉ ngơi hết tuần để lấy lại tinh thần sau sự việc đáng tiếc xảy ra trong chuyến du lịch vừa qua. Ông Cường cho biết hiện giờ chị T. đã đỡ nhiều.
Theo ông Cường, chị T. tham gia chuyến du lịch tham quan hai nước Singapore và Malaysia do công đoàn khối Đảng quận 12 tổ chức từ ngày 18 đến 23/7 có 61 người.
Đơn vị tổ chức là Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist.
Tối 23/7, khi đoàn làm thủ tục xuất cảnh từ sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) để về TP HCM thì cơ quan xuất nhập cảnh sân bay này giữ chị T. lại với lý do nghi ngờ con dấu đóng trên hộ chiếu cho phép chị T. nhập cảnh từ Singapore vào Malaysia là dấu giả.
Nhân viên xuất nhập cảnh kiểm tra giấy tờ và hộ chiếu của hành khách tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) - Ảnh: Reuters.
Sáng 24/7, Văn phòng quận ủy quận 12 mới nhận được thông tin về chị T. bị giữ lại tại Malyasia thông qua những nhân viên đi cùng đoàn.
Ngay trong ngày, Quận ủy quận 12 gửi email văn bản cho Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thông báo về trường hợp của chị T. và đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao này thực hiện việc bảo hộ công dân.
Đồng thời, Quận ủy cũng đề nghị phía công ty lữ hành tích cực giải quyết để chị T. sớm được về nước.
“Theo thông tin từ công ty lữ hành thông báo lại thì đến sáng 27/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia mới nhận được thông tin và bắt đầu làm việc với cơ quan chức năng nước sở tại.
Chiều 27/7, nhân viên đại sứ quán đến sân bay gặp chị T., tối 28/7 chị T. được về nước. Về tới sân bay Tân Sơn Nhất, khi gặp được gia đình, đồng nghiệp thì chị T. chỉ biết khóc, khóc rất nhiều” - ông Cường thuật lại.
Trong sáu ngày tại nhà tạm giữ ở sân bay Kuala Lumpur, chị T. có gọi điện thoại về cho gia đình chứ không liên lạc được với cơ quan.
“Nghe chị T. kể lại thì trong mấy ngày bị giữ tại sân bay, chị được cung cấp thức ăn nhưng không ăn được nhiều vì không hợp khẩu vị.
Những tiện nghi sinh hoạt trong phòng tạm giữ rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu” - ông Cường cho biết.
Quận ủy quận 12 đã đề nghị công ty lữ hành làm việc với Sở Ngoại vụ TP HCM và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để yêu cầu cơ quan chức năng nước bạn có văn bản trả lời chính thức lý do tạm giữ chị T..
Quận ủy cũng đã chủ động cung cấp thông tin cho Sở Ngoại vụ TP HCM về việc trên.
Sứ quán không nhận được email
Bà Tô Thị Hương cho biết: “Chiều thứ sáu 24/7, Saigontourist có liên hệ với chị Phạm Thị Phương Hà, tham tán lãnh sự của sứ quán Việt Nam tại Malaysia, để hỏi về trường hợp của chị T..
Chị Hà có hướng dẫn phía Saigontourist cách cung cấp thông tin cho sứ quán qua email, tuy nhiên chúng tôi không nhận được bất cứ email nào của Saigontourist trong ngày 24/7.
Phía Saigontourist có gửi email vào ngày thứ bảy 25/7, vì đây là ngày cuối tuần cũng như Saigontourist không báo cho chúng tôi đã gửi email nên chúng tôi không biết để kiểm tra".
Cũng theo bà Hương, chiều thứ hai 27/7, sứ quán Việt Nam tại Malaysia có nhận được công văn của Saigontourist và cử ngay đoàn công tác đến Cục Nhập cư Malaysia và sân bay Malaysia xác minh thông tin, đồng thời gửi công hàm cho Cục Nhập cư và Bộ Ngoại giao Malaysia đề nghị Malaysia cung cấp thêm thông tin về vụ việc.
Tuy nhiên trong ngày 27/7, Cục Nhập cư Malaysia không cho phép cán bộ sứ quán Việt Nam tiếp cận và nói chuyện với chị T..
Ngày 28/7, sứ quán tiếp tục cử cán bộ đến làm việc với Cục Nhập cư Malaysia và lần này Cục Nhập cư Malaysia cho phép cán bộ sứ quán nói chuyện với chị T..
Sau đó, Cục Nhập cư Malaysia cho biết sau khi xác minh, con dấu trong hộ chiếu của chị T. là thật nên trả tự do cho chị T. nhưng chưa đưa ra lời giải thích hay xin lỗi chính thức nào.
Gặp sự cố gọi đường dây nóng cho sứ quán
Liên quan thông tin cho rằng nhiều người không liên lạc được với số điện thoại và email của sứ quán mà báo chí phản ánh, bà Tô Thị Hương khẳng định, đó không phải là email của sứ quán, còn số điện thoại mà phóng viên liên lạc là của tổng đài bảo hộ công dân Viettel trong nước.
Liên quan đến thông tin nói người nhà nạn nhân có gọi vào đường dây nóng của sứ quán Việt Nam tại Malaysia trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng tôi đã kiểm tra và khẳng định hai cán bộ trực đường dây nóng sứ quán ngày cuối tuần (25 và 26/7) không nhận được bất kỳ số điện thoại nào gọi đến liên quan đến trường hợp của chị T..
Để ngăn những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai, chúng tôi đề nghị công dân Việt Nam khi sang Malaysia nếu gặp bất cứ sự cố nào vui lòng liên hệ hai số điện thoại đường dây nóng của chúng tôi gồm +6017 2033 582 và +6017 6963 309.
Chúng tôi có bố trí hai nhân viên sứ quán trực hai số điện thoại khẩn cấp này 24/7.
Hoặc các công dân có thể liên lạc tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam trên toàn thế giới của Viettel (thuê bao trong nước gọi đến số 04.62.844.844, thuê bao từ nước ngoài bấm 00.84.4.62.844.844).