Khi một siêu xe hoặc một chiếc xe sang xuất hiện tại Việt Nam, giới yêu xe thì ngưỡng mộ thèm muốn nhưng cũng có không ít người cho rằng với một nước còn nghèo như Việt Nam đó là cả một sự hoang phí, “thừa tiền rửng mỡ”.
Tuy nhiên, nếu điểm lại và nhìn ở góc độ khác, với không ít người chơi siêu xe hay xe sang cũng là một cách đầu tư dù lỗ là chính và chơi cũng có muôn vẻ chơi.
Sắm siêu xe, vừa chơi vừa làm hình ảnh
Chẳng phải tự nhiên mà các siêu xe không chỉ “khủng” về khả năng vận hành và giá tiền mà còn thuộc loại hiếm, khó mua đua nhau về Việt Nam và từng tạo nên một làn sóng siêu xe trong một hai năm trở lại đây.
Niềm yêu thích, say mê thiết kế ấn tượng cùng tốc độ của các dòng xe này là một yếu tố cần nhưng chưa đủ để khiến các đại gia không tiếc tiền mua những chiếc xe trị giá hàng chục tỉ đồng.
Sắm siêu xe, vừa chơi vừa làm hình ảnh.
Dù chơi “kín” hay chơi “lộ”, chỉ cần xuất hiện bên một siêu xe cực đắt và cực độc, thương hiệu cùng “tầm” của đại gia đó cũng được cải thiện đáng kể trong mắt các đối tác cũng như đối thủ trên thương trường.
Cũng chính vì thế mà đầu năm 2008, đại gia bất động sản D.T.B Diệp gây sốc khi bỏ ra trên 20 tỷ đồng để rước về chiếc Rolls Royce Phantom chính hãng với đồ chơi “độc” và màu xanh lục từ trong ra ngoài đúng với mệnh của bà.
Thông tin về chiếc xe siêu sang này cũng như chủ xe tràn ngập các mặt báo. Các đối tác của đại gia này vào thời điểm đó cũng được phen “mắt tròn mắt dẹt” kính nể. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng chi trên 20 tỷ vừa để sắm hàng độc để dùng vừa PR nâng tầm thương hiệu mà vẫn giữ được một phần vốn không phải là một cách đầu tư tồi.
Cũng với quan điểm này, mà vài tháng sau khi bà Diệp tậu siêu xe, chơi biển đẹp, một đại gia khác trong ngành du lịch ở Bình Dương đã mạnh tay hơn khi chi ra 25,5 tỷ đồng cũng để sắm một chiếc Rolls Royce chính hãng khác với nội thất đặt riêng. Bằng cách chơi này, đại gia L.Ân không chỉ soán vị trí là người sở hữu chiếc xe đắt nhất Việt Nam mà còn thông qua báo chí quảng bá khá mạnh mẽ về các khu du lịch mà mình sở hữu.
Không chơi độc được như hai đại gia L.Ân hay B. Diệp, các đại gia khác đầu tư hình ảnh và thỏa mãn đam mê với các mẫu xe “nhẹ tiền” hơn khi mua xe siêu sang dạng lướt, đã qua sử dụng hoặc mua dưới dạng xe ngoại giao để “né” thuế. Dù vậy, việc xuất hiện trước các đối tác bên một chiếc xe sang hay siêu xe cũng khiến tiếng nói của các đại gia này trở nên nặng kí hơn hẳn trong các cuộc thương lượng.
Đại gia Việt chẳng thiếu tiền để sắm Bugatti
Khi xem các tín đồ mê xe điểm mặt các hàng khủng tại Việt Nam, dễ thấy dù Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển với thu nhập trung bình ở mức thấp, số lượng xe sang và siêu xe tại Việt Nam khiến không ít cường quốc phải ngưỡng mộ.
Dù Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển với thu nhập trung bình ở mức thấp, số lượng xe sang và siêu xe tại Việt Nam khiến không ít cường quốc phải ngưỡng mộ.
Chỉ riêng với dòng xe sang Rolls Royce với trị giá trên chục tỉ đồng, số lượng xe có mặt tại Việt Nam đã ngấp nghé 40-50 xe các loại trong đó không thiếu xe màu độc, đồ chơi thửa. Các thương hiệu xe “khủng” như Maybach, Bentley, Rolls Royce với dòng siêu sang và Ferrari, Lamborghini, Aston Martin, Maserati… với dòng siêu xe đã có mặt gần như đầy đủ tại Việt Nam.
Cho tới nay chỉ còn một số lượng rất ít các thương hiệu siêu xe như Bugatti, Koenigsegg, Pagani… là còn chưa về Việt Nam. Tuy nhiên, những dòng xe này sản xuất cực ít và chỉ độc chứ không quá nổi tiếng trong mắt dân chơi Việt (trừ Bugatti).
Khó đặt xe hoặc không thích là lý do chủ yếu khiến các đại gia Việt chưa mang những dòng xe này về chứ không hẳn là do thiếu tiền.
Giới chơi xe truyền miệng nhau rằng các đại gia Việt sắm Bugatti không khó, tiền chẳng thiếu chỉ thiếu chỗ chạy xe và sợ bị “soi” dù siêu xe đắt nhất nhì thế giới này có giá trước thuế đến cả triệu USD và nếu về Việt Nam ở dạng xe mới có thể có giá tới gần trăm tỉ đồng.
Theo VTC.vn