Ở thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam), không ai không biết đến ông Nguyễn Kế Đông, người được mệnh danh là đại gia chân đất đã tạo dựng lên thương hiệu cho ngôi làng vốn thuần nông vùng chiêm trũng.
Gặp chúng tôi trong một buổi chiều cuối năm, ông Đồng hồ hởi kể về cơ duyên đến với nghiệp nuôi rắn.
Ông Đông cho hay, từ nhỏ ông đã sớm tham gia giúp đỡ công việc đồng áng cho gia đình và thường mò mẫm đi bắt rắn. Ông không sợ loài vật này và thường xuyên “thu phục” được những loại rắn độc nhưng rất quý hiếm. Mỗi lần như thế ông lại đem bán và thường thu được khoản tiền kha khá.
Chính từ những lần đó, ông ấp ủ suy nghĩ nuôi rắn với quy mô lớn để làm giàu. Đến năm 1990, ông Đông bắt đầu thực hiện mô hình với 5 chuồng nuôi rắn hổ mang và rắn hổ trâu; mỗi chuồng rộng khoảng 3m2, nuôi 30-40 con.
Ngoài những kinh nghiệm thực tế của bản thân, ông Đông không ngừng tìm hiểu sách báo và học hỏi những người đi trước. Ý thức được con vật mà mình đầu tư thuộc loại nguy hiểm, có thể dễ dàng cướp mạng người nên dù không có nhiều vốn, ông Đông vẫn quyết vay mượn tiền để đầu tư chuồng trại. Là người đi tiên phong nên ông không khỏi lo lắng về sự thành bại của lứa rắn đầu tiên.
Song có lẽ, chính vì có duyên với rắn từ nhỏ nên dần dần ông cũng đã tạo dựng được tên tuổi và thương hiệu của bản thân.
Hiện nay, thôn Bạch Xá có 400 hộ dân thì có tới 250 hộ tham gia nuôi rắn. Tuy nhiên, trong số đó gia đình ông Nguyễn Kế Đông được xem là hộ nuôi lớn nhất với ba trang trại quy mô lớn nhất làng. Mỗi năm gia đình ông thu lãi ít nhất cũng khoảng 600 triệu đồng.
Nói về số lượng rắn trong trang trại, ông Đông cho biết, mình đang chăm nuôi tổng cộng hơn 8.000 nghìn con rắn trong đó có khoảng 600 rắn bố mẹ.
Rắn ăn tạp và đặc biệt ưa thích các loại như cóc, nhái, trứng vịt thối… Mùa đông rắn không ăn nhưng vẫn phát triển và béo tốt. Đây chính là một ưu điểm sinh lãi lớn, ít tốn công khiến nhiều người đổ xô đầu tư nuôi rắn.
Cũng theo ông Đông, người ta thường chỉ cho rắn xuất chuồng khi có trọng lượng từ 1,5kg trở lên; nhiều con khi bán còn nặng tới 4-5kg. Muốn đạt được trọng lượng đó thì mỗi con rắn phải nuôi trung bình khoảng 2 năm.
Khi đủ tiêu chuẩn về trọng lượng, rắn giáo trâu có giá 800.000 đồng/kg, rắn chì đen khoảng 700.000/kg… Ngoài bán rắn thịt, gia đình ông còn bán rắn giống với giá khoảng 170.000 đồng/con.
Với giá cả như trên, năm nay, gia đình ông Đông cũng thu lãi gần 1 tỷ đồng. Theo ông Đông, không riêng gì gia đình ông, trong thôn Bạch Xá còn có rất nhiều người làm giàu từ nuôi rắn. Đặc biệt, năm ngoái khi giá cả cao gần gấp đôi năm nay, thương lái đến thu mua tận nhà, nhiều gia đình đã trúng lớn tới mấy tỷ đồng khi bán rắn.
Chia sẻ về những khó khăn trong công việc, ông Đông tâm sự, nuôi rắn như nuôi "gã tử thần" trong nhà nên điều quan trọng nhất là phải cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ và đặc biệt biết cách khống chế rắn.
Chẳng hạn, khi bắt rắn là phải túm phần thân đổ về đuôi, người bắt thường phải là người đã “quen mặt” với rắn. Chuồng trại nuôi rắn phải đầu tư xây dựng kiên cố, chắc chắn.
Ngoài ra, để đề phòng trường hợp bị rắn cắn, trong góc vườn nhà mình, ông Đông còn trồng một vài cây thuốc lá dùng để sơ cứu khi không may bị rắn cắn.
Nói đến chuyện rắn cắn, ông không quên nhắc lại chuyện trong làng cũng đã từng mất mạng với nghề này. Ông Đông cho biết, năm 2007, ông Nguyễn Khắc Hiều sau khi uống rượu vào chuồng bắt khiến rắn sợ quay lại cắn, ông Hiều chết ngay sau đó.
Còn trường hợp bị rắn cắn thì nhiều vô kể. Nhưng chỉ cần biết cách sơ cứu sau đó đưa lên trạm y tế thì thường không xảy ra nguy hiểm.
Trong buổi nói chuyện trước thềm năm mới, ông Đông không ngừng bày tỏ kỳ vọng vào một năm kinh doanh thu lãi lớn nhờ vào may mắn từ năm rắn Quý Tỵ.