ĐBQH phải bớt ngây thơ đi và không làm vai trò chuyển thư

Hoàng Đan |

Đó là những chia sẻ của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan tại QH sáng nay (23/3).

Cảm ơn nhân dân đã chịu nhiều khó khăn

Đánh giá về các báo cáo tổng kết của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nhiệm kỳ qua đã giữ được nền kinh tế tăng trưởng, không rơi vào khủng hoảng, cơ bản giữ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Khi đất nước bị xâm phạm chủ quyền, đặc biệt khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, nhân dân là người ủng hộ Chính phủ mạnh mẽ, đóng góp tinh thần, vật lực vào công cuộc gìn giữ chủ quyền.

"Nhưng theo tôi, Chính phủ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, cảm ơn nhân dân đã chịu đựng nhiều khó khăn, ủng hộ Nhà nước trong tất cả các thời điểm. Tôi đề nghị báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ phải thể hiện rõ sự cảm ơn đó.

Chúng ta thừa nhận các đồng chí lãnh đạo, cơ quan Quốc hội, bộ ngành, địa phương đã nỗ lực lớn nhưng chúng ta vẫn thấy không hài lòng. So với các nước xung quanh, với yêu cầu đất nước, vẫn thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ", đại biểu Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho hay, trong suốt thời gian qua, chúng ta đã xây dựng môi trường hoà bình trên Biển Đông nhưng phải tranh thủ thời gian này, không được xao nhãng.

Phải nỗ lực đúng mức để chuẩn bị cho điều kiện mới bảo vệ chủ quyền ở cấp độ cao hơn, trong tình hình mới.

Góp ý vào báo cáo của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Đỗ Văn Đương bày tỏ, hoạt động Quốc hội bộc lộ nhiều hạn chế, thể hiện chính ở việc thực hiện chức năng của mình.

"Quốc hội đã thực sự là cơ quan cao nhất của dân chưa, cái này còn hạn chế. Từng đại biểu có dám phán ánh tâm tư, có nguyện vọng của dân đến nơi đến chốn, có đeo bám vấn đề đến cùng không, hay nêu vấn đề rồi để đấy.

Nhiều ĐB khi phát biểu thành tích ca ngợi thì vừa phải nhưng vuốt ve nhiều quá. Một cơ thể có bướu, bệnh nhân có bệnh nên chỉ ra bệnh gì, tất nhiên đừng nói sốc quá, người ta sợ mà chết mất.

Nhưng nói một chiều thì không mang tính phản biện cao", ông Đương nhìn nhận.

Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến.
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến.

Qua theo dõi Quốc hội, ông Đương nhìn nhận, gần đây chủ yếu đại biểu có tuổi phát biểu mạnh dạn, tư duy trẻ trung, đại biểu trẻ thì hầu như rất ít phát biểu mạnh.

"Nhiều người nói thì hay nhưng đi vào bảo viết một quy phạm pháp luật, báo cáo không làm được. Vừa rồi tôi hao 10kg để chỉnh sửa từng điều luật hình sự", ông Đương đánh giá.

Món nợ với dân

Đại biểu Võ Thị Dung cũng cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ nhiều vấn đề như chống tham nhũng có đề cập nhưng chưa đầy đủ.

Bà Dung cũng chia sẻ: "Kết thúc nhiệm kỳ này, những vụ việc tôi đeo đuổi không hoàn thành được thì tôi cũng tự đánh giá mình không hoàn thành nhiệm vụ bởi còn nhiều món nợ với dân quá.

Thủ tục quan liêu trong bộ máy hành pháp, tư pháp của mình quá lớn là nỗi khổ của người dân và là rào cản cho hệ thống của chúng ta, khi không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người dân".

ĐB Phạm Khánh Phong Lan thì cho hay, nhiệm kỳ này là lần đầu tiên bà tham gia Quốc hội nên "lúc đầu ngây thơ hơn bây giờ và ráng làm được đại biểu của nhân dân. Nhưng giờ bớt ngây thơ hơn, hiểu được sức mình làm đến đâu".

Theo đại biểu Lan, dù chúng ta mất nhiều công sức để xây luật nhưng khi đưa ra có nhiều vấn đề. Mỗi văn bản luật trước khi đưa ra Quốc hội phải đưa ra lấy ý kiến đến mấy chục lần nhưng lại quay về chỗ cũ.

Bà Phong Lan cũng chia sẻ thêm: "Từ ngày làm đại biểu Quốc hội, tôi ăn không ngon, ngủ không yên và nghe cử tri la "luật gì ra mà ra nhiều thế nhưng không có chất lượng"".

Đồng thời, vị đại biểu này cũng khẳng định mình có nhiều món nợ với cử tri.

"Cử tri đến khóc với đại biểu nhưng cũng chẳng biết phải làm sao. Tôi thấy vai trò của mình chỉ như chuyển thư thôi.

Đề nghị chúng ta phải coi lại báo cáo về vấn đề này cho thoả đáng, để có lối ra cho kỳ Quốc hội tiếp theo, để từ đó thực sự phát huy được quyền, vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, nếu không sẽ rơi vào hình thức.

Các đại biểu ai cũng muốn làm tốt vai trò người đại biểu nhân dân nhưng đôi khi chúng tôi lực bất tòng tâm", bà Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng, ông đồng ý với quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, tuy nhiên, ông cho hay:

“Nói cảm ơn thôi là chưa đủ, chưa tương xứng. Nói cảm ơn thì giống như nhân dân đang phụ Chính phủ, Nhà nước làm chút việc rồi được cảm ơn. Trong khi nhân dân đã đóng vai trò chủ đạo trong tất cả các thành công trong nhiệm kỳ”.

Nên ưu tiên cho những người chuẩn bị nghỉ nói trước hội trường

Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ, khi nào phát biểu tại hội trường thì đề nghị các thành viên trong đoàn ĐBQH thành phố ưu tiên những người sẽ nghỉ nói còn những người còn ở lại tham gia ứng cử QH khóa tới và còn làm thì không nên đăng ký. "Như ông Đương hay ai còn làm thì không nên đăng ký để chúng tôi nói. Các anh làm còn chúng tôi gửi gắm cho nhiệm kỳ sau", ông Lịch nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại