Đã thực nghiệm trước khi phạt Lệ Quyên cho con tè vào túi nôn

Phương Nhi |

Trước khi đưa ra mức xử phạt ca sỹ Lệ Quyên, Cục Hàng không đã thực nghiệm nhiều lần để chứng minh thời gian lấy túi nôn tốn hơn nhiều so với việc đi vào nhà vệ sinh.

LTS: Ngày 25/7/2015, Chánh thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vợ chồng ca sỹ Vũ Lệ Quyên vì đã có hành vi vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay (cho con đi tè vào túi nôn).

Quyết định này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận bởi các ý kiến trái chiều cho rằng: Xử phạt hành động tè của trẻ con ngang với hành vi “gây rối, dọa bom” (4 triệu đồng/người) là không hợp lý, khiên cưỡng và có phần cứng nhắc.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thắng, Chánh thanh tra Cục Hàng không khẳng định: Quyết định xử phạt này hoàn toàn có cơ sở. “Chúng tôi đã rất cẩn thận thực nghiệm nhiều lần trước khi đưa ra án phạt” – ông Thắng nói.

Cho con đi tiểu vào túi nôn: Có khả năng uy hiếp an toàn bay

- Có ý kiến cho rằng, vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên bị phạt vì “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” căn cứ vào điểm d, khoản 4, Điều 24, Nghị định 147/2013/NĐ-CP là không hợp lý.

Bởi lẽ, việc một đứa trẻ tiểu vào túi nôn không có khả năng uy hiếp đến an ninh hàng không nói chung và an ninh chuyến bay nói riêng. Quan điểm của ông thế nào về việc này?

Ông Nguyễn Trọng Thắng: Trước hết, việc đưa hành vi “vi phạm trật tự trong tàu bay” vào điều “vi phạm quy định về an ninh hàng không” do cơ quan xây dựng văn bản pháp luật cân nhắc và quyết định.

Đây cũng là nghị định của Chính phủ và chúng tôi chỉ là người áp dụng pháp luật.

Tuy nhiên, việc áp dụng đối với hành vi trên của ca sỹ Lệ Quyên vào điều luật này là có cơ sở.

Ông Nguyễn Trọng Thắng, Chánh thanh tra Cục Hàng không nói:Trên một môi trường công cộng đặc biệt như trên máy bay, một hành động phản cảm có thể gây nên các tình huống mà chúng ta không thể lường trước được.

Ông Nguyễn Trọng Thắng, Chánh thanh tra Cục Hàng không nói: Trong một môi trường công cộng đặc biệt như máy bay, một hành động phản cảm có thể gây nên các tình huống mà chúng ta không thể lường trước được.

Tôi có thể lấy ví dụ để chứng minh: Trước ngày xảy ra vụ việc, cháu bé tè vào túi nôn, cũng có một hành khách lớn tuổi (sinh năm 1962) tè vào túi nôn.

Ngay lập tức, một số hành khách khác la hét, phẫn nộ, chạy lên hàng ghế đầu tiên phản đối hành động mất lịch sự. Sự việc này đã được các báo đăng tải.

Tình huống đó sẽ gây uy hiếp về an ninh tàu bay và an ninh ngành hàng không.

Trên một môi trường công cộng đặc biệt, nhạy cảm như vậy, một hành động phản cảm có thể gây nên các tình huống mà chúng ta không thể lường trước được.

- Nhưng người lớn tè vào túi nôn đó là trường hợp cá biệt gây sự chú ý của đông đảo mọi người nhưng một đứa trẻ tè vào túi nôn không khác gì chuyện tè dầm của trẻ con – đó lại là một chuyện hết rất bình thường, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Thắng: Chúng ta chưa lường trước được những gì sẽ xảy ra. Nhất là một người nổi tiếng cho con tè vào túi nôn trong khi ngồi cạnh nhà vệ sinh một đoạn rất ngắn (chừng 2m).

Ví dụ tất cả mọi người trên tàu bay đứng dậy rồi thi nhau chụp ảnh thì phải làm thế nào?! Vì vậy phải suy nghĩ nhiều chiều.

Cơ quan pháp luật đưa vào khung phạt đó, họ đã phải phân tích rất kỹ.

Chúng tôi cũng đã tiến hành rất nhiều thực nghiệm trước khi đưa ra quyết định phạt. Vợ chồng ca sỹ trên và cháu bé ngồi ở khoang Deluxe, cạnh 2 nhà vệ sinh cách đó khoảng 2m.

Từ chỗ 2 vợ chồng ca sỹ Lệ Quyên đi ra nhà vệ sinh chỉ mất chừng mấy giây. Khoảng thời gian lấy 2 túi nôn ở ghế trước rồi xé và lồng vào nhau nhiều hơn rất nhiều so với thời gian đi vào nhà vệ sinh (WC).

Cục Hàng không đã dùng túi nôn để thực nghiệm nhiều lần, kết quả cho thấy: Thời gian Lệ Quyên lấy túi nôn cho bé đi tè lâu hơn nhiều so với việc cho bé đi vào nhà WC ngay cạnh đó.

Cục Hàng không đã dùng túi nôn để thực nghiệm nhiều lần, kết quả cho thấy: Thời gian Lệ Quyên lấy túi nôn cho bé đi tè lâu hơn nhiều so với việc cho bé đi vào nhà WC ngay cạnh đó.

Cụ thể, động tác lấy túi nôn cân bằng với động tác bế cháu lên. Thời gian khi lồng 2 túi nôn vào nhau, người ta có thể bước được mấy mét.

Điều này có nghĩa là vợ chồng Lệ Quyên hoàn toàn có thể đứng lên cho cháu vào nhà WC ngay được. Vậy mà họ lại làm như thế!

Thời gian lấy túi nôn để tè còn lâu hơn đi vào nhà vệ sinh

- Giải thích về hành động của mình, ca sỹ Lệ Quyên đã chia sẻ rằng: Khi con kêu “buồn tè quá!”, chồng cô đã nhỏm dậy nhưng bị cô tiếp viên nhắc không được đứng lên. Việc phải dùng túi nôn là “bất đắc dĩ”, tránh không tè bẩn ra máy bay.

Ông Nguyễn Trọng Thắng: Chúng tôi đã xác minh và có tài liệu để chứng minh việc người chồng đứng lên là không có thật. Nếu có hành động đó, họ đã không bị xử phạt.

Cũng giống như vợ chồng tôi khi đi máy bay, con có nói “con muốn đi tè” thì bố mẹ có thể nói: “Chờ mẹ một tí mẹ bế”, nó vẫn có thể đợi được, chứ không hẳn tè ngay tức khắc.

Chưa kể 2 vợ chồng này còn đủ thời gian để lấy 2 túi nôn, lồng vào nhau rồi bé mới tè. Hơn nữa, 2 phòng vệ sinh lúc đó không có ai cả.

- Khi máy bay đang giảm độ cao để hạ cánh xuống, tiếp viên phát thanh thông báo: “Quý khách lưu ý hạn chế sử dụng phòng vệ sinh vào lúc này”. Cụm từ “hạn chế sử dụng phòng vệ sinh” nên được hiểu như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Thắng: Nếu là hành khách thường xuyên đi máy bay, bao giờ họ cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng việc này. Trước khi máy bay hạ độ cao cách khoảng 15 phút để hạ cánh, họ sẽ đi vệ sinh trước.

Một số người có em bé đi đường dài thường đóng bỉm cho cháu.

Vị trí nhà vệ sinh (bôi đỏ) chỉ cách chỗ ngồi của gia đình Lệ Quyên (bôi mực vàng) chừng 2m.

Vị trí nhà vệ sinh (bôi đỏ) chỉ cách chỗ ngồi của gia đình Lệ Quyên (bôi mực vàng) chừng 2m. (Ảnh sơ đồ các khoang trên tàu bay mà vợ chồng ca sỹ này đi ngày hôm đó).

Khi hạ cánh, tiếp viên có 3 lần phát thanh. Lần 1 bắt đầu giảm độ cao, lần 2 là chuẩn bị hạ cánh (hạ cánh trong ít phút tới) và lần 3 là bắt đầu đáp. Trong trường hợp của ca sỹ Lệ Quyên là phát thanh lần 1.

Loa phát thanh “hạn chế sử dụng nhà WC” chỉ mang tính chất khuyến cáo đối với hành khách. Có nghĩa là hành khách còn chịu đựng được thì hãy để sau, hạn chế việc đi lại.

Còn trong trường hợp cấp thiết hoàn toàn có thể di chuyển để sử dụng nhà WC.

An toàn đối với hành khách đã được tính toán kỹ. Trong khoảng thời gian giảm độ cao, vẫn cho phép sử dụng nhà WC, chỉ là hạn chế thôi, chứ không phải “Cấm”!

- Có người nói rằng: Trẻ con tè vào túi nôn bị phạt 4 triệu ngang mức phạt của hành động “gây rối” và “dọa bom” là quá cao so với một hành vi nhỏ. Ông nghĩ sao về việc này?

Ông Nguyễn Trọng Thắng: Như tôi đã giải thích ở trên, chúng tôi đánh giá tính chất của hành vi để xếp vào khung phạt này.

Để ra một quyết định xử phạt, chúng tôi đã rất cẩn thận, tính toán rất kỹ.

Chúng tôi đã chỉ đạo từng bước một, từ việc yêu cầu các bên tường trình, rồi làm việc đơn phương với từng bên. Sau đó lại ngồi chung với nhau, phân tích rõ hành vi rồi mới lập biên bản.

Theo tôi thấy, vợ chồng Lệ Quyên nhận thức rất đúng và rất hợp tác khi bị phạt.

- Ông có lời nhắn nhủ nào đối với hành khách để tránh trường hợp bị phạt tương tự như vợ chồng Lệ Quyên?

Ông Nguyễn Trọng Thắng: Đối với hành khách, tôi chỉ muốn nhắn nhủ thế này: Khi đã chọn đi lại bằng phương tiện tàu bay, khi mua vé cần tìm hiểu các quy định về điều lệ vận chuyển của các hãng hàng không.

Việc này bao giờ cũng được lưu ý trong tờ vé điện tử của hành khách.

Thứ hai, khi lên sân bay, từ khi lên sân bay cho tới khi làm thủ tục check in, soi chiếu an ninh, phòng chờ, lên tàu bay phải chú ý tuân theo các bảng chỉ dẫn, đèn hiệu chỉ dẫn, bảng chỉ dẫn mà ngành hàng không đã thiết lập.

Đặc biệt hơn nữa phải chú ý lắng nghe hướng dẫn của nhân viên hàng không và trên tàu bay là hướng dẫn của tiếp viên.

Hành khách Việt có thói quen không nghiên cứu kỹ, đi là cứ đi thôi. Nhiều khách mang theo lọ cà, khi nhân viên không cho đem lên thì ném choảng ở giữa sảnh…

Cho nên những quy định bắt buộc đó, hành khách phải chú ý tuân thủ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khoản 4, điều 24, Nghị định 147 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi sau đây:

a) Gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;

b) Vào khu vực hạn chế, lên tàu bay mà không qua kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không;

c) Người chỉ huy tàu bay không khóa chốt cửa buồng lái tàu bay theo quy định trong thời gian tàu bay đang bay;

d) Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay;

đ) Tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học mà chưa gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng;

e) Đưa người, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư và các đồ vật khác chưa qua kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại