Ngày 22/10, ông Trần Bảy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công viên Mỹ Khê (trụ sở đường 2-9, Đà Nẵng) cho biết vừa trình hồ sơ dự án “Khu dịch vụ - công viên cầu Nguyễn Văn Trỗi” lên UBND TP Đà Nẵng, chờ phê duyệt, triển khai.
Ý tưởng không gian cảnh quan của dự án. Ảnh Đ.H
Theo đó, dự án “Khu dịch vụ - công viên cầu Nguyễn Văn Trỗi” gồm 3 hạng mục chính: cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu Hạnh Phúc; khu đất phía Tây cầu được xây dựng thành Công viên hòa bình, xây dựng Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; khu đất phía Đông cầu xây dựng thành công viên thịnh vượng...
Phía trên mặt cầu Nguyễn Văn Trỗi được bố trí thành 5 không gian riêng với 2 nhịp cầu gia đình ở hai đầu cầu nhằm gắn kết hạnh phúc gia đình, tiếp đó là 2 nhịp cầu bằng hữu để các bạn trẻ giao lưu kết bạn và nhịp giữa là nhịp uyên ương - nơi thể hiện tình yêu của các đôi trai gái...
Phối cảnh minh họa của dự án. Ảnh Đ.H
“Khu Công viên hòa bình ở phía Tây cầu đặt tượng Nguyễn Văn Trỗi cao 9m bằng đá điêu khắc nguyên khối; nhà trưng bày hiện vật, tranh ảnh; khu vui chơi thiếu nhi; bãi để xe 2 tầng và các công trình phụ trợ.
Khu công viên thịnh vượng ở phía Đông cầu gồm công viên các quầy bán hàng lưu niệm, tiện ích và tòa nhà văn phòng cao 7 tầng…với tổng vốn đầu tư toàn dự án hơn 290 tỷ đồng”, ông Bảy nói.
Ông Bảy cho biết thêm, việc muốn “biến” cầu Nguyễn Văn Trỗi thành cầu Hạnh Phúc là dựa trên cơ sở cầu Nguyễn Văn Trỗi đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt chủ trương thành cầu đi bộ đầu tiên tại Đà Nẵng trước đó, nên phía công ty mới nghiên cứu ý tưởng và lập dự án.
Theo hồ sơ dự án thì phía trên mặt cầu Nguyễn Văn Trỗi được bố trí thành 5 không gian riêng với 2 nhịp cầu gia đình ở hai đầu cầu nhằm gắn kết hạnh phúc gia đình, tiếp đó là 2 nhịp cầu bằng hữu để các bạn trẻ giao lưu kết bạn và nhịp giữa là nhịp uyên ương - nơi thể hiện tình yêu của các đôi trai gái...Ảnh Đ.H
“Dự án này không ảnh hưởng đến lòng sông Hàn, mục đích chính phục vụ cộng đồng và khách du lịch nên lợi nhuận không đặt lên hàng đầu.
Việc hình thành một khu vực nhà lưu giữ, trưng bày các hiện vật của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi là một hành động ý nghĩa thiết thực tưởng nhớ đến anh góp phần định hướng cho thế hệ thanh niên sống đẹp, sống có ích, có sự lựa chọn đúng đắn trong lập thân, lập nghiệp cũng như thể hiện vai trò trách nhiệm của thanh niên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Ngoài ra, chúng tôi muốn tạo dấu ấn, một điểm vui chơi giải trí, kết nối tình yêu thương nên mới đặt tên cho dự án là cầu Hạnh Phúc.
Khách du lịch tới Đà Nẵng sẽ tìm tới Hạnh Phúc và làm sao để khi họ rời Đà Nẵng họ sẽ nhớ tới cây cầu này như là một điểm nhấn tham quan du lịch và lần sau họ lại tới với Đà Nẵng”, ông Bảy chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, Kiến trúc sư Đinh Thế Vinh, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị TP Đà Nẵng cho rằng lợi thế Đà Nẵng là thành phố của những cây cầu, nhưng những cây cầu khác (cầu Rồng, cầu Sông Hàn… - PV) phần đi bộ chỉ dành được hai bên lề, còn cầu Nguyễn Văn Trỗi dành cả không gian cho đi bộ, thưởng lãm đúng nghĩa thì rất thuận lợi trong việc khai thác dịch vụ du lịch.
“Mục đích đầu tư cho cộng đồng, vừa đẹp cho thành phố, vừa đưa lại nguồn lợi cho doanh nghiệp, hoặc thành phố có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì họ sẽ an tâm hơn đầu tư vào dự án mang ý nghĩa văn hóa xã hội này”, ông Vinh cho biết.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay. Ảnh Đ.H
Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cầu dã chiến được quân đội Mỹ xây dựng vào năm 1965 nối liền bờ Tây và bờ Đông của Đà Nẵng và là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn.
Cầu do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam, mục đích phục vụ cho chiến tranh. Nhiều năm nay, cầu được cải tạo phục vụ cho giao thông thành phố.
Hiện trạng sử dụng đất đang bỏ trống tại hai khu vực đầu cầu sẽ không có vấn đề bồi thường, giải tỏa trong công tác bàn giao mặt bằng, triển khai dự án. Tuy nhiên, cảnh quan tại khu vực chưa đồng nhất và mỹ quan.
Được biết, ngày 19/10, UBND TP Đà Nẵng có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp (ngày 7/10) báo cáo một số đồ án kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Trong đó, đồng ý chủ trương kêu gọi đầu tư khai thác cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi. Đây là cây cầu đi bộ đúng nghĩa đầu tiên nơi thành phố của những cây cầu nên rất được sự quan tâm của dư luận, nhân dân, du khách…