Theo nguồn tư liệu thực địa của ông Đặng Dùng, cư dân bản địa chuyên nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương, làng Nam Ô có đến 6 cái giếng cổ hình vuông được tiền nhân tạo lập, phân bố đều khắp theo hướng Đông - Tây - Nam - Bắc với khoảng cách từ 200 đến 300 mét. Trong đó, có 4 cái vẫn còn nguyên vẹn, chất lượng không thay đổi, là giếng Đình, giếng Thành Cung, giếng Trò và giếng Lăng.
Giếng Lăng tại làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng)
Qua quan sát đo đạc, cả 4 giếng trên có hình vuông, được ghép bằng những tấm đá xanh có bề dày 0,10 mét, ngang 1 mét và cao 0,6 mét. Cứ 4 tấm đá như thế ghép thành một ô vuông mỗi cạnh 1 mét ăn trong khớp rãnh được tạo sẵn. Từ đáy giếng - từng ô vuông đặt chồng lên nhau trong khe âm dương lên tới thành giếng. Mỗi giếng có từ 12 đến 14 lớp như thế (tùy theo thế đất cao thấp và mạch nước nơi giếng tọa lạc).
Bốn lớp trên cùng khép vào khe của 4 trụ đá vuông 0,20 mét x 0,20 mét gọi là trụ giếng. Trên mỗi đầu trụ giếng khắc sâu chạy viền thành cổ trụ. Trên thành giếng là 4 thanh đá khác, dài 1 mét vuông đặt nằm ngang - 2 đầu thanh đá ăn vào mộng (đuôi cá) đục sẵn trên vai trụ giếng. Đáy thành giếng có khe áp vào đầu tấm đá dưới nền thành giếng có kết cấu chắc chắn, vững chãi.
Ông Dùng cho biết thêm, các cụ xưa kể rằng để làm kiểu giếng đá vuông này, người xưa phải lấy đá xanh từ xa, nghe đâu là Trường Định (nằm giữa nguồn sông Cu Đê - nay là xã Hòa Bắc, cách làng Nam Ô 6 đến 7 km về phía Tây) đem về chế tác theo quy cách: Khắc chữ lưu năm đời vua vào trụ đá là năm tạo lập. Để giếng có mạch nước tốt, không bị khô cạn vào ngày đại hạn, người xưa đã mời các bậc thâm nho trong vùng, các thầy địa lý để tìm và chọn nơi tụ thủy. Sau đó đào, tạo một khoảng đất rộng xung quanh chỗ đánh dấu, đào xuống khi nào gặp mạch nước, múc một chén, nếm bằng lưỡi, ngửi bằng mũi và để qua đêm nhìn bằng mắt xem có phèn đọng hay không. Xấu thì tìm chỗ khác, tốt thì tiến hành xếp từng phiến đá thành ô vuông, sắp dần lên cho đến khi đặt trụ giếng, khép đá thành tang iếng.
Sau khi giếng được công nhận là gặp mạch nước tốt, mọi người reo hò hoan hỷ bày tỏ niềm vui. Giếng chính thức đưa vào cho dân làng sử dụng. Các giếng cổ hình vuông trên là của cư dân Champa trên đất Nam Ô hay là sản phẩm của người Việt đến nay vẫn bỏ ngỏ, bởi chưa có một cuộc khảo cứu nào của các nhà chuyên môn để trả lời vấn đề này.
Tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng, các giếng cổ hàng trăm năm tuổi trên lo rằng sẽ nhanh chóng bị nhà cửa, đường sá đè lấp. Bởi đây không chỉ kết tinh tài năng kỹ thuật của cha ông mà còn ẩn chứa những giá trị văn hóa lịch sử quý giá.
Theo Viết Hảo
Dantri.com.vn