Đà Lạt xác xơ (*): Đốn nhiều, trồng ít!

Tốc độ đốn hạ cây cao hơn trồng lại, cộng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt của TP ngàn thông đã khiến thông ba lá Đà Lạt ngắc ngoải.

Rừng thông Đà Lạt cứ mất dần từng chút một, cho đến khi người ta giật mình nhận ra thì chúng đã teo tóp thảm thương. Dù chính quyền TP Đà Lạt nỗ lực trồng lại nhưng đất dành cho thông không còn nhiều. Cây thông bây giờ phải sống khép nép trong những mảnh đất nhỏ hẹp, nhường chỗ cho nhà cửa, công trình, dự án mọc lên.

Rừng thông lùi xa trung tâm TP

Trong một báo cáo của HĐND TP Đà Lạt từ năm 1988 đến 2007- 2008, rừng nội ô TP đã bị mất trên 70 ha, trong đó có trên 35 ha rừng tự nhiên, 35 ha rừng tập trung và khoảng 3.380 cây thông phân tán bị chặt hạ.

Theo Quyết định 959/QĐ–UB năm 1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng, diện tích rừng nội ô và hệ thống cây xanh của TP Đà Lạt là 431 ha, trong đó diện tích rừng thông chiếm khoảng 90%, tức khoảng 380 ha. Đến năm 2010, diện tích rừng nội ô chỉ còn khoảng 284 ha.


	Quá trình đô thị hóa đã khiến TP Đà Lạt biến dạng và mất dần thông

Quá trình đô thị hóa đã khiến TP Đà Lạt biến dạng và mất dần thông

Số liệu trên vẽ ra bức tranh vô cùng ảm đạm của rừng thông Đà Lạt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì diện tích rừng thông và lượng cây thông phân tán bị chặt hạ, lấn chiếm trong thời gian qua còn lớn hơn nhiều so với số liệu nêu trên.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy từ năm 2005 đến 2010, có đến 108 ha rừng thông tự nhiên biến mất bởi nhiều lý do. Điều đáng nói là diện tích rừng thông biến mất trong những năm gần đây ngày càng tăng. Trong năm 2006 chỉ có 1,9 ha rừng thông Đà Lạt bị chặt hạ thì đến năm 2010 vọt lên 18,6 ha, nhiều hơn gấp 10 lần!

Nhà nghiên cứu Đà Lạt Lê Phỉ cho biết rừng thông đã lùi xa trung tâm TP Đà Lạt 10 - 14 km. Ở ngoại ô, một số nơi vẫn còn thông nhưng chỉ là cái vỏ, đi vào khoảng 500 m thì rừng đã bị chặt trụi.

Vào đầu năm 2013, Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã tiến hành kiểm kê 8.021 cây thông ba lá ở độ tuổi trưởng thành (đường kính gốc từ 20 cm trở lên) thuộc rừng nội ô TP Đà Lạt để gắn số nhằm phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ. Từ mấy chục ngàn cây thông ban đầu, giờ chỉ còn chưa đầy 10.000 cây trưởng thành trong nội ô TP Đà Lạt!

Nhiệm vụ bất khả thi!

Trước nguy cơ rừng thông nội ô Đà Lạt dần teo tóp, vài năm trở lại đây, chính quyền  tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã ban hành nhiều quyết định, quy chế bảo vệ rừng cảnh quan và trồng mới cho những cây thông bị chặt hạ.

Theo đó, khi chặt hạ một cây thông thì cá nhân, tổ chức phải trồng lại 5 cây từ 1 tuổi rưỡi trở lên, gồm 1 cây trồng tại chỗ cây vừa bị chặt hạ, 4 cây còn lại trồng nơi khác. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân phải đóng 750.000 đồng (đơn giá 1 cây thông là 150.000 đồng) vào quỹ cây xanh để triển khai việc trồng thông theo quy định.

Thế nhưng, từ bao năm qua, những quy định này chỉ được thực hiện “một nửa”, nghĩa là cơ quan chức năng chỉ làm công việc chặt hạ cây, thu tiền cho quỹ cây xanh, còn việc trồng lại thông đến nay vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Thực tế, người dân đã cất công “diệt” thông nhưng không ai chịu trồng mới chúng trong khuôn viên nhà mình bởi đây là loại cây lớn, chiếm nhiều diện tích, mỗi khi ngã đổ thường gây ra hậu quả.


	Thông con được trồng lại ở dọc taluy khách sạn Palace. Ảnh: ÁNH NGUYỆT

Thông con được trồng lại ở dọc taluy khách sạn Palace. Ảnh: ÁNH NGUYỆT

Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt, đơn vị này đã trồng mới 1.500 cây thông ba lá vào năm 2012. Trong năm nay, đơn vị này dự kiến trồng thêm 5.000 cây thông ba lá. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào ngân sách TP. Tỉ lệ sống của cây đạt 70% - 80%, những cây chết sẽ được trồng lại trong năm tiếp theo. Vị trí trồng lại thông ba lá đều nằm ở công viên, bờ taluy các khách sạn lớn, khuôn viên cơ quan, trường học, nghĩa trang, quanh khu vực dinh, lăng, chùa...

Nhìn vào số lượng thông được trồng lại, chúng tôi cho rằng đó là tín hiệu tốt trong việc phục hồi diện tích đã mất đi. Tuy nhiên, một cán bộ phụ trách việc trồng cây của Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho biết đất trồng cây ngày càng ít vì tốc độ đô thị hóa của TP này ngày càng cao. Điều này có nghĩa là đến lúc nào đó, TP Đà Lạt sẽ không còn đất trống để trồng cây.

Vị cán bộ này còn cho biết tốc độ đốn hạ cây hiện nay cao hơn tốc độ trồng lại. Trung bình mỗi năm, Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt đốn hạ khoảng 300 – 400 cây thông già cỗi, có nguy cơ ngã đổ, cây nằm trong khuôn viên dự án. Tuy nhiên, đó chỉ là con số bề nổi vì rất khó biết được “lâm tặc” sẽ triệt hạ bao nhiêu thông trong 1 năm. Đơn cử, chỉ tính trong năm 2010, đã có trên 1.000 cây thông bị chặt hạ tại tiểu khu 156 (sau Dinh 1), chưa kể các vụ “ăn rừng” lẻ tẻ khác!

“Khóc thông”

Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK (tên thật là Nguyễn Văn Phước) rất xót xa khi nói về sự biến mất của rừng thông Đà Lạt. Ông đã từng “khóc thông” bằng cuộc triển lãm ảnh mang tên “Ứa” ghi lại 72 khoảnh khắc “ứa máu” của rừng ngo (thông) vào giữa năm 2011. Ông nói: “Cây ngo là một phần lớn của thiên nhiên Đà Lạt. Chặt ngo là hủy hoại thiên nhiên và văn hóa của Đà Lạt”.

Trước đây, nghệ sĩ MPK thường lên đồi Du Sinh để chụp ảnh toàn cảnh TP Đà Lạt. Bạn nhiếp ảnh than với ông rằng bây giờ lên đó “rất chán” vì chỉ chụp được cảnh nhà cửa lố nhố, không thấy thông và sương đâu nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại