Trước đó, tháng 11/2012, đoàn khảo sát di tích lịch sử khảo cổ do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành khảo sát tại một số điểm khảo sát như Tràng Định, Hữu Lũng, Lộc Bình (Lạng Sơn).
Trong số hàng trăm hóa thạch răng và xương được đoàn khảo sát tìm thấy trong đợt khảo sát còn có một hóa thạch xương động vật khá bí ẩn có hình dáng lạ và trên đó còn để lại dấu vết như vết ghè.
Theo quan sát, mẫu xương hóa thạch nói trên có chiều dài khoảng 4,5 – 5 cm, chiều rộng khoảng 1 – 2 cm, nhọn 2 đầu (trong đó có một đầu còn để lại dấu vết khá rõ).
Sau một thời gian tập trung nghiên cứu và phân tích, các nhà khoa học đã tìm được lời giải cho mẫu xương hóa thạch bí ẩn nói trên. Đó chính là công cụ làm bằng xương của người thuộc thời đá cũ ở Tràng Định (Lạng Sơn), có niên đại cách ngày nay khoảng 18 vạn năm.
Tiến sĩ khảo cổ Vũ Thế Long – một trong những người trực tiếp phân tích mẫu xương nói trên cho biết: “Đây là một phát hiện rất quan trọng đối với ngành khảo cổ. Trước kia ở khu vực Tràng Định, các nhà khảo cổ thường chỉ phát hiện những hóa thạch là xương của người thời đại đá cũ, còn công cụ lao động thì rất hiếm gặp. Tuy nhiên, trong đợt khảo sát lần này các nhà khảo cổ đã phát hiện ra công cụ lao động của họ. Đây là tư liệu vô cùng quý giá”.
Cũng theo TS Vũ Thế Long, công tác khảo sát, khai quật và nghiên cứu sẽ được tiếp tục tiến hành trong thời gian tới, nhằm tìm ra thêm những chứng cứ khoa học về sự tồn tại cuộc sống và sự biến đổi khí hậu, môi trường của con người tại Việt Nam ta từ hàng chục vạn năm về trước.