Bẩn, bụi, tăng giá mà vẫn đắt hàng
Do đặc thù sản phẩm mà món hàng này thường được bán từ 16h đến 19h hàng ngày là chính. Vào thời điểm này, tại bất kỳ một chợ dân sinh nào cũng đều có bán mặt hàng ăn sẵn tiện lợi. Nếu là những chợ lớn như chợ Hàng Bè, chợ Khâm Thiên... (Hà Nội) thì có cả dãy bán lòng lợn luộc chín.
Còn với những chợ cóc, chợ tạm trong các khu dân cư nhỏ lẻ, tập thể thì kiểu gì cũng sẽ xuất hiện một bàn bán mặt hàng này. Như vậy đủ thấy, lòng lợn chín trở thành thứ thực phẩm không thể thiếu và quen thuộc như rau, tôm, cá hàng ngày với nhiều gia đình.
Anh Phí Ngọc Hiền (khu Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) xuề xòa: “Cái món này tiện trăm đường mà lại dễ ăn nữa nên cánh đàn ông chúng tôi rất thích. Cứ có đĩa lòng luộc với mấy chai bia thì coi như là cuộc nhậu xôm rồi”. Theo anh Hiền thì đàn ông rất đơn giản trong việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Miễn sao nóng sốt, ăn ngay là được chấp nhận, lại đỡ làm phiền đến bà xã ở nhà.
Bàn bán lòng được bày ra giữa ngã ba đường, không tủ, không túi ni - lông che phủ. Tất cả “lộ thiên” 100% trên bàn với đủ loại: lòng non, lòng già, tràng, dạ dày, dồi tiết, gan… Bà bán hàng tên H cũng để đôi tay “lộ thiên” mà không có lấy một cái găng tay ni - lông chiếu lệ.
Món lòng được bày lên đĩa bắt mắt, đơn giản, nóng sốt là món khoái khẩu của nhiều quý ông
- Ăn gì em? Dạ dày: 30 (30.000đ/lạng - PV), tràng lợn 35 (35.000đ/lạng), dồi 20 (20.000đ/lạng)… Ăn gì chị lấy cho - Bà chủ hàng lòng thoăn thoắt nhấc từng loại đặt lên trước mặt khách hàng mỗi khi đọc đến tên.
Khi PV chê giá đắt thì bà chủ “xa xả” luôn một hồi: “Ối giời, em không đi chợ bao giờ à? Báo đài nói ầm ầm là thịt lợn tăng giá chóng mặt. Lòng phải tăng theo là đương nhiên thôi. Giờ dịch bệnh đầy ra đấy, mua được lòng mà bán là may lắm rồi đấy em ạ”. Rồi như để chứng minh cho cái sự khan hàng của mình, bà chủ nhanh nhảu cho biết luôn là buổi sáng, bà phải chạy đến 3 - 4 chợ buôn ở các cửa vào thành phố mới mua đủ số lòng để bán cho buổi chiều. Giá mua lòng sống cũng đã tăng đến 20% so với trước.
Các chủ hàng chuyên cung cấp giờ cũng thiếu hàng nên không còn giao tận nơi như trước nữa. Những người bán lẻ như bà H phải trực tiếp đi “săn” hàng thì mới có hàng để bán. “Vậy mà nhiều hôm, đi muộn vẫn phải về tay không và nghỉ chợ ngày hôm đó” - bà H than thở.
Trong vòng 15 phút đứng tại quầy bán hàng của bà H, PV đã chứng kiến chục người ghé vào mua hàng. Tay thoăn thoắt cắt, rồi nhúng vào nồi nước sôi, lại thoăn thoắt vớt ra đổ vào túi ni - lông, thêm vài nhúm rau sống, miếng chanh cắt nửa quả… bà H gói hàng, cân hàng cho khách nhanh như máy.
Hỏi sao bà không dùng cái gì để che bụi bẩn cho đám lòng bày phơi ra bán ngoài đường thì bà chậc lưỡi: “Lo gì, có cái nồi nước sôi ở đây, nhúng vào là vi khuẩn vi trùng chết hết rồi mà”. Nói đoạn bà lườm: “Sợ bẩn thì mua lòng sống về mà làm em ạ, đứng tránh sang 1 bên cho chị bán hàng”.
Khổ nỗi, nhúng nước sôi xong thì tay bà H lại trực tiếp bốc lòng, gói lòng cho khách. Mà bàn tay ấy thì cả buổi chẳng rửa lần nào.
Kết quả điều tra mới đây của Cục ATVSTPcho thấy có tới 70-90% thức ăn đường phố Hà Nội có tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli, trong đó có nguy cơ cao nhất là những món: nộm thập cẩm, nem chua, giò… Cũng theo điều tra này, bàn tay người làm dịch vụ này rất bẩn. Tại địa bàn TP Hà Nội, tỷ lệ bàn tay người làm thực phẩm thức ăn đường phốnhiễm E.coli tới hơn 40%.
Hãi hùng công nghệ chế biến lòng
Tại các chợ đầu mối, lòng lợn được vứt la liệt như thế này
Trong vai người học việc để kiếm sống bằng nghề bán lòng lợn chín, PV được theo chân một chủ hàng khác len lỏi vào “thế giới lòng” ở chợ NT (Gia Lâm - Hà Nội) - nơi được coi là đầu mối của các loại lòng sống. Từng cuộn lòng được gói trong những chiếc túi ni - lông bày ngổn ngang trên nền đất. Khi có khách hỏi mua, chủ hàng đổ túi lòng ra sàn đất được lót tạm bằng mấy miếng vải dứa cáu bẩn. Mọi người nhanh chóng ngồi xuống và bới tìm những khúc lòng ưng ý.
Ngay sau đó, số lòng này được mang về chế biến để kịp bán cho phiên chợ buổi chiều. Chủ hàng cho PV đi theo nhiệt tình hướng dẫn các công đoạn làm lòng. Lòng già sẽ được đổ giấm vào và tuốt qua loa một lần, sục nước tráng đến lần thứ 2 đã được cho là sạch và đựng vào một cái rổ cáu bẩn những tiết lợn đen bám từ nhiều ngày trước.
Bà chủ giải thích, lòng chỉ cần tuốt sơ như thế thì khi luộc lên những chất nhầy còn lại sẽ thành bột trắng. Trong số lòng làm để bán vào buổi chiều, bà chủ để riêng ra một ít, làm sạch sẽ để dành cho chồng ăn. Bà cho rằng, cái chất nhầy ở trong lòng mà không được làm sạch thì rất dễ bị giun sán còn sót lại.
Lòng được sơ chế xong thì được cho vào nồi nước sôi trần, vớt ra để ráo nước. Toàn bộ số tiết sống, mỡ bạc nhạc, rau sống, một ít lạc được giã ra cho vào trộn lẫn và làm lên món dồi tiết. Sau khi được luộc, số dồi này được vớt ra chiếc rổ đã đựng lòng sống khi trước và chờ ráo nước để nhét vào những chiếc túi ni - lông hoặc xô nhựa để mang ra chợ.
Tràng và dạ dày lợn cũng được bóp muối, cạo lớp nhầy nhanh và khoắng vào chậu nước qua loa. Một số “công nghệbí mật”, bà chủ khéo léo đi vào trong bếp để nhào lặn số tràng, dạ dày. Sau đó, bà trở ra và cho chậu tràng, dạ dày vào nồi nước đặt lên bếp đun và canh chừng đến nước sôi là bỏ ra. Một lớp váng đục ngầu nổi lên nhưng bà chủ cũng không buồn hớt đi mà vớt luôn tràng, dạ dày ra rổ. Rau sống, chanh, ớt đã sẵn sàng và số lòng đã được luộc chín thì dồn vào xô nhựa, túi ni - lông, rồi theo bà chủ ra chợ.Trước khi đi, bà chủ còn dặn PV: “Làm nghề này phải nhanh tay, nhanh mồm mới được. Tay cắt, mồm mời, khoe hàng ngon vào thì khách mới thích. Cứ xởi lởi thêm tí dồi, tí tiết là khách thích, toàn đàn ông mua là chính. Không lỗ được đâu mà sợ”.
Theo VTC.vn