Đã nhiều lần tàu Trung Quốc (TQ) cản trở các tàu cứu hộ của Việt Nam (VN) cứu nạn ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa, mà gần đây nhất (trưa 22-10) là trường hợp tàu SAR 412 bị ngăn cản khi cứu nạn tàu cá KH 96977 TS cùng 11 ngư dân bị hỏng máy đang neo tại đảo Bom bay (quần đảo Hoàng Sa).
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (MRCC), nêu ý kiến: “Phải khẳng định Hoàng Sa là vùng biển của VN nên khi tàu thuyền ngư dân của chúng ta gặp nạn ở khu vực trên thì chúng ta tổ chức cứu nạn bình thường”.
. Phóng viên: Các hành động cản trở của tàu TQ có diễn ra thường xuyên không, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Anh Vũ: Tôi khẳng định đây không phải lần đầu tàu TQ cản trở tàu VN cứu nạn ngư dân mình bị nạn. Trước đó ở vùng biển Hoàng Sa, MRCC nhiều lần gặp sự cản trở của TQ.
Cuối tháng 5 vừa qua tàu cứu nạn của VN đang đưa ngư dân vào bờ cấp cứu khi qua vùng biển Hoàng Sa cũng bị tàu hải giám của TQ cản trở.
. Các hình thức, mức độ cản trở của TQ như thế nào?
+ TQ dùng các phương tiện như hải giám, máy bay trực thăng, tàu cảnh sát biển... nhằm mục đích không cho tàu cứu hộ của VN tiếp cận tàu cá gặp nạn trên biển.
Mức độ cản trở căng thẳng nhất là phía TQ dùng thuyền của mình để chèn ép không cho tàu cứu nạn của chúng ta vào sâu các khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN.
. Khi đó, chúng ta đã ứng xử như thế nào trước hành động của TQ, thưa ông?
+ Đầu tiên, khi gặp sự cản trở của TQ, lực lượng chức năng VN sẽ sử dụng các phương tiện trên tàu như loa trao đổi trực tiếp với tàu TQ với ba thứ tiếng (VN, TQ và tiếng Anh) về nội dung chúng ta phát đi:
“Chúng tôi là tàu cứu nạn VN đang thực hiện hoạt động cứu hộ ngư dân trên vùng biển của mình và yêu cầu phía TQ không cản trở tàu cứu nạn của VN”.
Đồng thời, lực lượng chức năng tiếp cận tàu bị nạn và phối hợp với các lực lượng khác để trao đổi với phía TQ, như thông qua hoạt động đường dây nóng giữa hai nước đã thiết lập.
Tiếp đó thông qua đường ngoại giao hoặc các kênh mà MRCC đang duy trì.
Ví dụ như các kênh trao đổi giữa cứu nạn VN và TQ, Cục Kiểm ngư... với những nội dung trao đổi tương tự.
Sau khi được giải thích rõ Trung Quốc mới để cho tàu cứu hộ cứu nạn cứu ngư dân. Ảnh: MRCC
. Vậy khi lực lượng chức năng VN phát đi thông tin trên, phía tàu TQ phản hồi thế nào?
+ Thường thì phía tàu TQ không trả lời và tiếp tục phát đi thông tin yêu cầu tàu của VN rời khỏi khu vực trên.
Tuy nhiên, đây là vùng biển VN nên chúng tôi không thể rời đi mà kiên trì bám trụ, bằng mọi cách cứu được các ngư dân của mình và khẳng định chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa.
. Tàu TQ cản trở việc cứu nạn của lực lượng chức năng VN có được xem là hành động gây nguy hiểm, khi mà ngư dân đang rất cần sự trợ giúp?
+ Tôi khẳng định hành động tàu TQ cản trở tàu cứu nạn của VN là điều không nên, trước tiên tàu cứu nạn của VN đang thực hiện hoạt động nhân đạo.
Thứ hai đó là vùng biển của VN, các hoạt động của tàu thuyền của chúng ta là hoạt động cứu người bị nạn trên biển.
Bằng chứng là tất cả ngư dân gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa chúng tôi đều triển khai cứu nạn thành công và không bao giờ vì sự cản trở của TQ mà chúng tôi lùi bước.
. Xin cám ơn ông.
Cản trở khi đưa ngư dân vào bờ cấp cứu
Trước đó, ngày 30-5, nhận được thông tin tàu cá QNa 90927 TS do ông Trần Tấn Sinh làm chủ đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa nhưng trên tàu có một thuyền viên tên Phạm Thanh Ngọc bị khó thở, sức khỏe yếu.
Đến ngày 31-5, ngư dân này bị choáng, chân sưng, bụng to nguy hiểm đến tính mạng nên lực lượng MRCC đã lên đường đi cứu nạn và đưa nạn nhân vào bờ nhưng lúc vào bờ thì bị tàu hải giám TQ ngăn cản.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng vượt qua và đưa ngư dân vào bờ an toàn.