Chặt ngón tay để dằn mặt mẹ
Phước "tám ngón" tên thật là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1971 quê Dĩ An, Thuận An tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương).
Phước “tám ngón” là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong giới giang hồ miền Nam những năm sau giải phóng với những lý do vô cùng đặc biệt. Thứ nhất, hắn là tên tội phạm đầu tiên và duy nhất cho đến nay đào thoát được khỏi trại giam Chí Hòa. Thứ 2, Phước “tám ngón” là tên tội phạm 2 lần bị tòa tuyên án tử hình trong 2 phiên tòa diễn ra cách nhau gần 2 năm.
Năm 16 tuổi, trong một lần đàn đúm bạn bè, bị mẹ la mắng, Phước đã xách dao, kê bàn tay trái của mình xuống sàn, chặt phăng luôn ngón trỏ và ngón cái. Đó là câu chuyện ly kỳ giải thích cho biệt danh của gã giang hồ này. Ngoài câu chuyện cắt ngón tay để dằn mặt mẹ thì câu chuyện Phước giận cha đã trói ông thả xuống giếng đến bất tỉnh mới chịu kéo lên cũng được lan truyền khắp nơi.
Bỏ nhà đi bụi đời, sống bằng cờ bạc, trộm cắp, cướp bóc nên năm 1988, Tòa án nhân dân quận Gò Vấp tuyên phạt Phước 36 tháng tù giam. Sau đó, Phước lại tiếp tục bị Công an TP.HCM bắt rồi di lý cho Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa đi cưỡng bức lao động.
Không chịu cải tạo, Phước trốn trại rồi mua súng lập băng cướp. Trong thời kỳ lừng lẫy này của Phước, băng cướp có vũ trang của y đã hoành hành ở nhiều địa phương thuộc khu vực Thủ Đức và vùng lân cận TP.HCM. Đây cũng là thời kỳ mà tên tuổi của Phước “tám ngón” nổi lên trong giới giang hồ như một ông trùm máu lạnh, giết người không ghê tay.
Mộ Phước "tám ngón" tại trường bắn Long Bình (quận 9, TP.HCM).
Đầu năm 1991, khu vực Thủ Đức (TP.HCM) và thủy điện Trị An (tỉnh Đồng Nai) là nơi băng cướp của Phước “tám ngón” hoành hành. Băng cướp này đã dùng súng bắn bị thương một người đi đường ở Đồng Nai. Sau đó, trong vòng gần 1 tháng, băng cướp liên tiếp gây ra hai vụ cướp, một vụ trộm và bắn chết một nạn nhân tại Thủ Đức.
Trước tình hình trên, Công an TP.HCM và các tỉnh lân cận đã lên kế hoạch phối hợp triệt phá băng tội phạm nguy hiểm này. Một năm sau, Phước “tám ngón” sa lưới. Ngày 24/6/1994, Phước bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án tử hình về các tội: giết người, cướp tài sản.
Cuộc vượt ngục không tưởng
Sau khi bị Tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.HCM kết án tử hình, cũng giống như các tử tù khác ở tất cả các trại giam, Phước “tám ngón” (tức Nguyễn Hữu Thành) bị đưa vào xà lim dành riêng cho tử tù. Phước “tám ngón” bị đưa vào buồng giam số 15 lầu 1 khu giam AB.
Trong xà lim, Phước bị còng 1 chân bằng cùm sắt phi 10, hình chữ U. Phước làm đơn kháng án và chờ xét xử phúc thẩm. Trại giam Chí Hòa (người Sài Gòn thường gọi là khám Chí Hòa) có 3 tầng lầu. Trại giam được người Pháp xây từ năm 1943, theo thiết kế của một nhóm kiến trúc sư người Nhật. Tổng thể kiến trúc khu trại là một hình bát giác, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch. Mỗi cạnh của trận đồ ấy đều được xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt. Mỗi khu có 4 buồng giam. Bát quái Chí Hòa là một vọng canh gác rất cao. Đứng ở đó, người quan sát có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam.
Toàn cảnh trại giam Chí Hòa
Trong những ngày tháng sống trong buồng biệt giam, lúc nào Phước cũng nung nấu ý định trốn trại. Tuy nhiên, để trốn được trại, việc đầu tiên là phải tháo được chân ra khỏi cùm. Muốn vậy thì phải cần có dụng cụ. Nhưng trong hoàn cảnh của một tên tử tù trong phòng biệt giam thì biết lấy dụng cụ ở đâu và phải làm cách nào. Một ý tưởng bất chợt nảy ra trong đầu Phước, để thực hiện được ý đồ của mình, Phước bắt đầu làm quen với một số phạm nhân tự giác (chuyên được cử làm công tác dọn vệ sinh, đưa cơm… cho tử tù).
Trong số các phạm nhân tự giác này, hắn quan tâm đặc biệt tới Nguyễn Văn Minh. Trong một lần Minh vào đưa cơm, Phước nói nhỏ: “mày kiếm giùm tao một lưỡi dao lam”. Minh nghe Phước nói liền trợn mắt hỏi lại: “Mày biết thứ đó là đồ cấm không, mà trong này thì mày cần gì tới thứ đó”. Phước ra vẻ điệu bộ khẩn thiết: “Tao cần để cạo râu thôi, trong này nóng nực, râu ria tùm lum, khó chịu lắm. Mà có “đi” thì cũng phải sạch sẽ chút chứ…”. Nghe Phước nói, Minh cũng mủi lòng và hứa sẽ tìm cho Phước thứ mà y cần.
May mắn đã đến với Phước "tám ngón", chỉ 2 ngày sau Minh đã tìm được và đưa cho Phước chiếc dao lam không quên kèm theo lời dặn nhớ giấu cẩn thận đừng để cán bộ phát hiện ra. Thấy Minh dễ dãi, Phước lại tiếp tục nằn nỉ để Minh kiếm thêm cho mình một chiếc bật lửa ga. Dù chẳng biết Phước sử dụng vào mục đích gì, nhưng Minh vẫn vui vẻ nhận lời và kiếm cho Phước.
Sau khi có được lưỡi dao lam và chiếc bật lửa ga, Phước “tám ngón” khôn khéo tìm cách giấu vào lỗ hổng trong vách tường rồi dán giấy báo đè lên. Cuộc đào thoát của Phước “tám ngón” sẽ không thể thành công nếu như y không gặp được một may mắn khác. Trong một lần lợi dụng sự mất cảnh giác của cán bộ canh gác, Phước đã tháo được chiếc vòng sắt ở trên khung cửa nhà vệ sinh. Sau đó Phước cho vào cùm sắt uốn cho thẳng lại rồi tỉ mẩn ngày đêm mài nhọn một đầu. Lúc này, khi đã có đầy đủ các dụng cụ, kế hoạch vượt ngục của Phước được khởi động.
Đêm 26/3/1995, sau 5 ngày miệt mài cưa cùm, cuối cùng chỉ bằng chiếc dao lam. Khoảng 21h, Phước bắt đầu tháo cùm chui vào nhà vệ sinh. Tại đây, hắn dùng chiếc dùi sắt tự chế tạo được từ một khoen sắt tròn trong nhà vệ sinh, để khoét vách tường, chỗ mà Phước nhìn thấy bị mục từ trước thành một lỗ hổng vừa đủ lọt người qua. Số xi măng và cát vụn khoét từ tường ra, Phước trút vào lỗ cầu vệ sinh rồi đổ nước cho trôi đi.
Còn số gạch thì Phước bê vào trong chỗ ngủ, sắp xếp thành một hình trông giống như hình người đang nằm. Sau đó, hắn lấy mền phủ kín lên trên hình nộm đó để ngụy trang, đề phòng trường hợp quản giáo bất ngờ đi kiểm tra đêm, nhìn thấy thế vẫn tưởng là phạm nhân đang nằm ngủ.
Khoét tường xong, Phước bắt đầu khom người luồn qua lỗ hổng để chui ra phía cầu thang lầu bên ngoài buồng giam số 15 rồi leo xuống cầu thang tường thì giật thót mình khi nghe thấy tiếng bước chân tuần tra đêm của cán bộ quản giáo. Hoảng hốt, sợ bị phát hiện, Phước bèn vội vã leo ngược trở lên rồi cứ thế đi trên nóc nhà để sang khu khác.
Tại đây, Phước dùng quần áo và khăn nối lại thành một sợi dây rồi cột một đầu vào kèo nhà còn đầu kia thả để theo dây mà đu xuống. Nhưng, đang đu thì dây đứt nên Phước bị té sấp xuống mặt đất, bất tỉnh. Chừng hơn một tiếng sau hắn mới tỉnh lại, biết mình vẫn còn đang ở trong khu giam, Phước cố nén đau vùng dậy vội vàng lết đến cây cột điện ở gần đó.
Sau khi thoát khỏi trại, việc đầu tiên Phước nghĩ đến là bán ngay chiếc xe đạp để lấy tiền rồi sau đó về nhà gặp vợ xin tiền bỏ trốn, tập hợp đồng bọn tiếp tục đi cướp. Mỗi địa điểm đi qua, băng cướp của Phước đều dùng súng AK gây ra các vụ cướp nguy hiểm, đặc biệt là nhắm vào các tiệm vàng.
Đêm 15/8/1995, hắn đã bắn chết 1 người và bắn bị thương 1 người để cướp chiếc xe máy Angel.
Đêm 1/10/1995, vì hết tiền tiêu, y đơn thương độc mã mò vào gia đình ở Buôn Ma Thuột để trộm đồ thì bị gia chủ phát hiện.
Bị tuyên án tử hình lần thứ 2, Phước "tám ngón" không còn cơ hội để trốn thoát.
Gần 2 năm sau ngày nhận án tử lần thứ 2, hắn bị thi hành án tử hình ở pháp trường Long Bình (quận 9, TP HCM), kết thúc cuộc đời của một tên tướng cướp khét tiếng.
TH theo Bưu điện Việt Nam/ Người đưa tin