Trường Sa lớn, trái tim của huyện đảo Trường Sa, nằm cáchCam Ranhkhoảng 450 km, cáchVũng Tàuhơn 500 km đường biển, đây là nơi đặt trụ sở UBND huyện đảoTrường Sa (Khánh Hòa).
Trên đảo có nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch lưu giữ những hình ảnh lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vị lãnh tụ.
Chùa ở Trường Sa Lớn được xây dựng theo phong cách cổ truyền thống, có mái cong với những đầu đao, bằng các loại gỗ quý xưa cha ông ta dùng đóng thuyền vượt biển. Những pho tượng trong chùa được chế tác công phu bằng ngọc quý. Đặc biệt, chính diện của chùa hướng về Hà Nội.
Ngoài những giờ tập luyện, công tác, cây đàn ghi ta trở thành bầu bạn với những chiến sĩ trên đảo. Trong ảnh là cây văn nghệ của trạm ra đa trên đảo Trường Sa Lớn.
Những công dân trên đảo Trường Sa Lớn ngày một sinh sôi. Với ngôi nhà khang trang, vườn tược nhiều cây trái, họ vui vẻ với cuộc sống hiện tại: chồng chài lưới, đánh bắt, vợ phục vụ hậu cần cho bộ đội. Tình yêu Hải quân không chỉ dồi dào trong huyết quản của những ông bố, bà mẹ mà còn ở những đứa trẻ với quyết tâm "sau này cháu sẽ làm lính Hải quân để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc".
Y tế trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được trang bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về khám, chữa bệnh cho bộ đội và ngư dân. Bác sĩ quân y Hoàng Minh Tiến làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Đông đang sơ cứu cho một người dân bị thương nhẹ.
Đảo Trường Sa Đông bao trùm màu xanh của cây bàng vuông, bàng ta, phong ba, tra biển...tạo không khí trong lành, mát mẻ. Bộ đội, chiến sĩ ở đây ngoài việc canh giữ, tuần tra, tập luyện đã khắc phục được những khó khăn, cải thiện độ mặn của đất để trồng rau, bảo đảm được khoảng 70% nhu cầu rau xanh trên đảo.
Trên đảo chìm Thuyền Chài, bộ đội còn tận dụng nguồn hải sản vô tận ở biển để cải thiện bữa ăn. Ngoài món ăn truyền thống chỉ bí xanh và đồ hộp, bữa cơm của họ còn có thêm đĩa cá tươi. Anh Lưu Xuân Quyền, một cán bộ trên đảo còn cho biết Thuyền Chài dù là đảo chìm nhưng các anh vẫn trồng được cây bàng vuông.
Ở đảo Đá Đông C, cán bộ, chiến sĩ Hải Quân cũng tự trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn. Với mỗi hộp đất nhỏ, các anh trồng một loại rau để thêm màu xanh cho bữa cơm. Dù là đảo chìm với nước ngọt khan hiếm, các anh vẫn tận dụng để tưới cho rau tươi tốt.
Sóng điện thoại cũng đã phủ khắp các đảo ở Trường Sa, trở thành sợi dây gắn kết giữa bộ đội, chiến sĩ với người thân, người yêu ở đất liền.
Nhà dàn Phúc Nguyên, DK1/15 mới được xây dựng bên cạnh nhà dàn cũ. Đây là nhà giàn thế hệ thứ ba có kết cấu vững chắc, liên hoàn vởi diện tích khoảng 250m2. Sự vượt trội của nhà dàn mới so với nhà giàn xây dựng trước đó là hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời nhiều gấp 3 lần. Mùa mưa bão không có ánh mặt trời, hoặc sương mù, các chiến sĩ vẫn có điện dùng để chiếu sáng, nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem ti vi trong một tháng, trong đó các nhà giàn khác chỉ khoảng 10 ngày.
Trên nhà giàn DK1/15 được trang bị điện thoại, máy tính nối mạng. Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, chỉ huy trưởng trạm DK1/15 cho biết với những điều kiện này anh em gọi đùa đây là "nhà giàn phố giữa biển khơi".
Theo Vnexpress.net