Kí ức kinh hoàng
Vụ án đau lòng xảy ra vào ngày 6/11/2009, bắt đầu từ việc chị N.T.T (xã Cúc Đường, Võ Nhai, Thái Nguyên) quen một người đàn ông đã có vợ và hai con là anh Lê Mạnh H. Anh H. thầu công trình ở xã Cúc Đường rồi nảy sinh tình cảm với chị T. Kết quả của cuộc tình "vụng trộm" này là một bé trai kháu khỉnh, tên N.N.M. Nhưng khi dự án kết thúc, anh H. vẫn phải trở về bên vợ con ở quê nhà. Đã có lúc vì nghĩ đến hệ lụy sau này khi giữ đứa bé lại, chị T. nhiều lần tới bệnh viện để bỏ đi cốt nhục của mình.
“Nhưng lương tâm người mẹ rồi thêm những lời khuyên của cô bạn thân đừng nên bỏ, sau này, cháu sinh ra còn có chị, có em, tôi có người để nương náu tuổi già, tôi mới đủ bản lĩnh để giữ lại…”, chị T. tâm sự.
Khi phát hiện chồng ngoại tình, chị Đỗ Thị Kim D. là vợ anh H. đã lên Thái Nguyên tìm gặp chị T. Hôm xảy ra sự việc đau lòng, chị T. còn đưa bé N.M cho chị D. bế mà không chút mảy may nghi ngờ. Thậm chí chị còn đi chợ để nấu cơm đãi chị D. Chị T. không ngờ quyết định đó lại suýt giết đi đứa con trai mình mang nặng đẻ đau. Chị D. dùng chiếc kim khâu dài gần 10cm ở trên bệ bếp đâm thẳng vào đầu bé N.M lúc đó mới được 40 ngày tuổi.
Biết tin con thơ bị nạn, chị T. hốt hoảng, luống cuống không biết đưa con đi đâu. Việc bế con vào viện lúc đó phải nhờ đến bố mẹ và người thân. 20 ngày trong viện là 20 ngày chị không thể chợp mắt, cơm không nuốt nổi. Mỗi lần nghe tiếng khóc của con là lòng chị lại quặn thắt, đau nhói. Sau khi nghe bác sĩ kết luận, kim đâm vào phần mềm, nhưng do cháu còn quá bé nên cần phải theo dõi thêm, chị cũng trút được một phần gánh nặng.
Đỗ Thị Kim D. đã bị TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên mức án 12 năm tù về tội “Giết người”.
Đã 4 năm trôi qua, mỗi người trong câu chuyện “người phụ nữ đánh ghen đâm kim khâu lốp vào đầu đứa bé trai 40 ngày tuổi” đều đã có cuộc sống riêng. Bé N.M cũng đã đi học và được nhiều người khen là thông minh, nhanh nhẹn. Nhưng kí ức kinh hoàng của người mẹ có đứa con bị kim đâm ấy đã trở thành nỗi ám ảnh. Và thường trực trong họ là nỗi lo những di chứng mà vết thương trên đầu cháu bé để lại.
Hỏi thăm đường tới nhà chị N.T.T, mỗi người dân ở xã Cúc Đường tuy chỉ bảo tận tình nhưng vẫn dành cho chúng tôi những ánh mắt dò xét. Bởi lẽ, người phụ nữ của 4 năm về trước cũng từ những câu chuyện hỏi thăm nhà đã gây ra sự phẫn nộ trong mỗi người dân nơi đây, khi đang tâm dùng kim khâu lốp đâm vào đầu đứa bé mới 40 ngày tuổi.
Căn nhà hai tầng vừa được sửa sang và quét vôi xong của chị T., nằm ngay mặt đường lớn ở xã Cúc Đường để tiện cho công việc bán đồ ăn mà từ nhiều năm nay chị T. vẫn duy trì. Ngôi nhà là “thành quả” của bao nhiêu năm chị một mình bươn trải, tích góp. Chị T. tiếp chúng tôi sau giấc ngủ trưa vội. Còn bé Nhật Minh đang chơi bên nhà hàng xóm.
Ngồi đối diện với chúng tôi là người phụ nữ đã ngoài 40 tuổi và trải qua nhiều nỗi đau trong cuộc sống. Nhưng dường như, những thăng trầm không in hằn lại trên gương mặt thanh tú của người phụ nữ ấy. Mọi sự liên lạc với gia đình "bố" bé N.M chị cũng cắt đứt từ lâu. Bởi chị muốn một cuộc sống bình lặng đến với gia đình mình.
Cuộc sống hiện tại và những ước mơ dung dị
Từ sau hôm N.M xuất viện, chị T. không dám rời con nửa bước. Bởi chị sợ quá khứ lặp lại, chị sợ khi xa con sẽ lại có ai đó làm hại con mình. Sau 3 tháng, chị đưa con đi khám lại, 12 tháng sau khám lần nữa. Bé Minh không có dấu hiệu bất thường nhưng vẫn phải theo dõi thường xuyên. Chị T. mừng lắm.
Nhưng mỗi lần N.M đau đầu, khóc hay giật mình, chị lai hốt hoảng lo lắng. Bản thân N.M khi sờ lên đầu cũng hồn nhiên nói rằng: “Thỉnh thoảng cháu cũng đau đầu”, mà không hề biết những việc đã xảy đến với mình. Nhìn bé vô tư nói cười, kể chuyện, giọng “ngọng líu, ngọng lo”, tôi thấy cổ họng nghẹn ứ bởi tương lai bé còn là cả chặng đường dài.
Bốn năm sống trong sự thấp thỏm là bốn năm người mẹ ấy mang tâm trạng lo lắng về sức khỏe của con. Mặc dù: “N.M nhanh nhẹn, hiểu biết và nói như người lớn lại rất thân thiết, hòa đồng. Thậm chí chỉ cần nói gì một lần là cháu nhớ được ngay. Những chuyện siêu nhân, các bài hát rồi nhân vật trong phim cháu có thể kể vanh vách và đối thoại được cả với người lớn”, chị Nguyễn Thị Chắt, một người hàng xóm của chị T. kể chuyện.
Chị T. và cuộc sống hiện tại là bán đồ ăn để mưu sinh và nuôi các con
N.M được mẹ cho đi học mẫu giáo từ năm 2 tuổi. Vì mẹ bận công việc bán hàng, chị gái đi học xa, ông bà cũng đã lớn tuổi nên ngay từ nhỏ N.M đã biết tự vệ sinh cá nhân và tự đi ngủ.
Khi câu chuyện của 4 năm trước đang được chị T. dốc bầu tâm sự thì có tiếng gọi mẹ từ nhà hàng xóm. Chị T. chạy sang đón con. Vì từ lâu, N.M cũng ý thức được việc không tự đi chơi nếu không xin phép mẹ, hay có ai đó đi cùng.
“Đôi khi, tôi quên đi việc cháu đã phải trải qua, nhưng bất giác nhớ lại, nỗi sợ lại giày vò. Có lần, cháu sờ lên chỗ vết thương cũ rồi kêu đau đầu, tôi sợ quá, vội hỏi han rồi đưa con đi khám, may mà không có vấn đề gì”, chị T. thở dài.
Không ít lần, Chị T. phải đối mặt với những câu hỏi của con như: “Mẹ ơi, bố con đâu?” hay “Con thích có bố”. Chính niềm khát khao của con trẻ khiến chị đôi lúc chạnh lòng. Bé N.M cũng hay gọi “bố Long”, “bố Sỹ”… là những người hàng xóm yêu quý bé. Một niềm mơ ước rất dung dị nhưng chị lại không mang về được cho con. Điều ấy khiến chị buồn.
“Sau này lớn lên, tôi sẽ nói cho cháu biết. Còn bây giờ, tôi vẫn muốn con tôi được hồn nhiên như thế”, chị T. rưng rưng.
Khi được hỏi về việc tìm cho mình một hạnh phúc mới, chị T. cười: “Đó là duyên số, không ai có thể cưỡng lại được. Đã có nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn và cũng muốn đi tìm cho mình một điểm tựa”.
Và phía cuối nhà, bé N.M vẫn đang lần giở những phiếu bé ngoan để mang ra khoe với mọi người.