Cuộc đời Dương Chí Dũng: Từ anh công nhân đến ông Cục trưởng

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Từ một anh công nhân tới một ông Cục trưởng và hiện tại, ông Dương Chí Dũng đang phải đối mặt với khung hình phạt từ 20 năm tù đến tử hình.

Phiên xét xử vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ diễn ra ngày 12/12 tới. Theo đó, bị can Dương Chí Dũng cùng đồng phạm bị cáo buộc cố ý làm trái trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và việc mua ụ nổi 83M.

Từ một anh công nhân

Thông tin trên Vietnamnet, Dương Chí Dũng (SN 1957) là con trai cả của cựu đại tá Dương Khắc Thụ, nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Dương Chí Dũng không thi đậu đại học nên đi lao động xuất khẩu bên Đức.

Thế nhưng, ông Dũng sang Đức không bao lâu thì bức tường Berlin sụp đổ. “Một làn sóng di cư ồ ạt từ Đông Đức sang Tây Đức, công xưởng, nhà máy phía Đông Đức bị đình trệ, đóng cửa vì không theo kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật của Tây Đức, người lao động từ các nước đến Đông Đức làm thuê bắt đầu rơi vào tình trạng thất nghiệp và bị kỳ thị, buộc phải trở về nước. Ông Dương Chí Dũng cũng nằm trong nhóm những người phải trở về”, Lao Động đưa tin.

Cũng theo nguồn trên, sau khi trở về nước, Dương Chí Dũng xin được vào làm tại văn phòng Công đoàn Cảng Hải phòng. Đầu năm 1994, ông về làm cán bộ tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (lúc đó là Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét), cũng trong năm này ông được đưa về Công ty nạo vét sông 1 làm phó giám đốc.

Sau đó, ông đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Cty nạo vét sông 1 rồi sau đó là Tổng Giám đốc TCty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) năm 2003.

Trở thành Cục trưởng

“Tháng 8/2005, Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines.

Đến tháng 7/2011, ông Dũng tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty này.

Trong 6 năm lèo lái Vinalines, Dương Chí Dũng dính nhiều lùm xùm liên quan tới tham ô, hối lộ. Công việc kinh doanh của Vinalines bị thua lỗ nặng, số tiền nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Đầu tháng 2/2012, sau khi thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vinalines, ông Dũng được điều động sang giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam”, theo tin từ Vietnamnet.

“Chạy trốn”

Khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, năm 2007 ông Dũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, trong đó có hạng mục mua, lắp đặt ụ nổi.

Ụ nổi 83M. (Ảnh: Giao thông vận tải)

Theo Vietnamnet, dự án trên sau đó còn được “điều chỉnh”  lên đến hơn 6.488 tỉ đồng và quyết định mua ụ nổi 83M từ Nga.

Dù biết ụ nổi 43 năm tuổi này bị hư hỏng nhiều, không đủ điều kiện để lưu hành nhưng Dương Chí Dũng vẫn tìm cách móc nối, hợp thức hóa dự án này. Giá mua ụ nổi lên tới 9 triệu USD, trong khi giá gốc chỉ có 2,3 triệu USD.

Sau khi mua về nước, do không thể sử dụng, Dương Chí Dũng chỉ đạo cấp dưới vung tiền ra để sửa chữa. Số tiền chi cho việc sửa chữa ụ nổi ngày càng lớn, cộng với tiền trả lãi ngân hàng, tiền bến bãi đã khiến tổng thiệt hại lên đến gần 370 tỷ đồng và con số này vẫn không ngừng tăng.

Thương vụ trót lọt, Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc (cựu TGĐ Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu phó TGĐ kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M) và Trần Hải Sơn (cựu giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) được "lại quả" 1,66 triệu USD (28 tỷ đồng).

Trong đó, ông Dũng và Phúc chia nhau mỗi người 10 tỷ đồng, Sơn nhận hơn 7,8 tỷ đồng và Chiều 340 triệu đồng.

Kết thúc điều tra vụ án tham ô tài sản tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an xác định các bị can đã cố ý làm trái gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỉ đồng; tham ô 1,66 triệu USD, thông tin trên tờ Tuổi trẻ.

Khi Bộ Công an hoàn tất điều tra vụ tiêu cực ở Vinalines, chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn.

Ngày 18/5/2012, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc, đồng thời phối hợp với tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Dương Chí Dũng.

Sau 4 tháng lẩn trốn, bị can Dương Chí Dũng đã bị bắt ngày 4/9.

Ông Dương Chí Dũng. (Ảnh: Internet)

Mua nhà cho bồ nhí

Từ đây, lộ ra nhiều bi kịch mà ông Dũng đã gây ra cho những người quanh mình.

Quá trình điều tra cho thấy, ông Dương Chí Dũng sử dụng một phần số tiền tham ô để mua tặng cô “bồ nhí” có tên Ph.T.T - người đã có con riêng với Dương Chí Dũng - 2 căn hộ chung cư: Một căn tại tầng 29 tháp B tòa nhà Skycity, Láng Hạ, Hà Nội; một căn tại tòa nhà Pacific, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Thông tin theo tờ Lao Động.

Trước đó, Dương Chí Dũng kết hôn với bà Phạm Thị Mai Phương (SN 1959) và có 3 cô con gái.

Cũng theo Lao Động, việc Dương Chí Dũng phạm tội đã kéo theo sự sụp đổ của gia đình họ Dương vốn khá danh giá ở Hải Phòng. Khi biết anh trai mình phạm tội và chắc chắn sẽ bị bắt giam, em trai Dương Chí Dũng là đại tá Dương Tự Trọng - lúc đó đang là Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC, nguyên Phó GĐ CA TP.Hải Phòng, do không thể làm ngơ trước cảnh anh trai mình bị bắt, nên đã tổ chức các đệ tử - trong đó có cả những người vốn là thuộc hạ dưới quyền - tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.

Vụ việc vỡ lở, ông Dương Tự Trọng và các tay chân thân tín bị bắt giam về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Không dừng ở đó, những việc làm của Dương Chí Dũng cũng làm liên lụy đến đại tá Nguyễn Bình Kiên - Phó GĐ CA TP.Hải Phòng, đồng thời cũng là em rể của Dương Chí Dũng, khiến ông này cũng bị khai trừ Đảng, cách chức và về hưu sớm.

Vợ Dương Chí Dũng đồng ý việc chồng có con với người khác

Trước phiên xét xử Dương Chí Dũng diễn ra ngày 12/12, bà Phạm Thị Mai Phương (vợ ông Dương Chí Dũng) đã có đơn gửi Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội để kêu oan cho chồng.

Tờ Dân Việt đưa tin, trong lá đơn trên, bà Phương khẳng định việc dù biết chồng có con trai với người phụ nữ khác nhưng bà đồng ý việc này. Lý do là bà Phương chỉ có ba con gái mà ông Dương Chí Dũng lại là con trai trưởng.

“Tiền mua nhà cho cô gái đẻ con trai cho chồng tôi hộ tôi là tiền của tôi, số tiền này là để tôi mua đất dự án hộ Sơn.

Hơn 30 năm sống chung với chồng, tôi hiểu chồng tôi không phải là người làm giàu bất chính, không có chuyện anh ấy cầm 10 tỷ đồng tiền hối lộ như nhiều báo đã nêu. Điều này cũng được khẳng định khi cả ba luật sư bào chữa cho chồng tôi đều nói rằng: Chồng tôi không thừa nhận sự việc nhận tiền hối lộ trên. Anh ấy đã nhờ luật sư xác minh gốc gác của mọi vấn đề, kể cả việc nhờ luật sư bay sang nước ngoài để xác minh và minh oan cho anh ấy", bà Phương viết trong đơn.

Đối diện mức án tử hình

Thông tin trên tờ Tiền Phong, có 3 luật sư bào chữa cho ông Dũng, gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và một luật sư khác, cùng ở Đoàn luật sư Hà Nội.

Trong vụ án này, ngoài Dương Chí Dũng, Viện KSNDTC truy tố các bị can  Mai Xuân Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về tội danh “tham ô tài sản” theo Khoản 4, Điều 278 BLHS và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3 Điều 165 BLHS. Như vậy, bị can Dương Chí Dũng cùng 3 bị can trên bị truy tố ở khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình cho hành vi tham ô. Ngoài ra, 4 bị can này còn phải đối mặt với khung hình phạt 10 - 20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái cùng với 6 bị can còn lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại