Từ sự thật “3 không”…
Tuy quảng cáo là không sử dụng chất bảo quản, nhưng ngay trên chính bao bì sản phẩm có thể quan sát thấy sự hiện diện của 2 thành phần muối phosphate (451i, 452i).
451i thường được sử dụng như chất bảo quản trong hải sản, thịt, gia cầm, thức ăn chăn nuôi... Còn 452i được dùng để thay thế hàn the trong sản xuất thực phẩm.
Sản phẩm mì Gấu Yêu.
Điều đáng nói hơn nữa, tuy mì Gấu Yêu công bố là không sử dụng chất điều vị nhưng theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng phân tích mẫu gia vị trong gói mì này thì hàm lượng 2 chất Disodium Inosinate và Disodium Guanylate là 8,38g/1kg và hàm lượng bột ngọt (monosodium glutamate) là 0,49%.
Disodium Guanylate và Disodium Inosinate cùng với bột ngọt sẽ tạo ra một chất có vị ngọt gấp nhiều lần so với bột ngọt thông thường, hay còn gọi là siêu bột ngọt.
Vậy cớ sao mì Gấu Yêu phải lấp liếm về thành phần này trong sản phẩm bằng việc công bố không sử dụng chất điều vị?
... Đến những chiêu bài “vì trẻ em”
Nhằm tăng sức nặng cho thông điệp quảng cáo đến người tiêu dùng, trong những tờ rơi quảng cáo sản phẩm mì Gấu Yêu, công ty ghi rõ “Không sử dụng chất điều vị (tạo ngọt) = bột ngọt = mì chính”, trong khi chất điều vị gồm có rất nhiều chất khác nhau nữa như inosinate, guanylate,...
Kết quả phân tích mì Gấu Yêu.
Nội dung chính của những bài PR là đưa những thông tin tiêu cực về 3 nhóm chất bảo quản, phẩm màu và chất điều vị tới sức khỏe của trẻ nhỏ.Phần quan trọng nhất trong những bài viết này là “lời khuyên”: Những bà mẹ nên chủ động lựa chọn các loại thực phẩm không chứa các chất phụ gia như không phẩm màu, không chất điều vị và không chất bảo quản.
Hẳn Công ty Á Châu không biết rằng những chiêu bài PR như thế này chỉ có thể đánh lừa người tiêu dùng, chứ không thể qua mặt được những chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm. Và sẽ phải trả lời thế nào nếu “trẻ em” biết một số “người lớn” đang lừa dối mình để hưởng lợi?
Theo Sức khỏe& Đời sống