Cúng Rằm tháng Giêng như thế nào?

Theo Giadinh.net |

Theo ông Trịnh Yên, Giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa dòng họ và gia đình Việt Nam, ngày Rằm tháng Giêng (còn gọi là lễ Thượng Nguyên, Tết Nguyên tiêu), là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Vì vậy, người dân các nước châu Á coi việc cúng Rằm này là rất quan trọng.

Chủ yếu là cầu an, giải hạn

Trong dân gian, Rằm tháng Giêng hiểu một cách đơn giản là ngày Rằm lớn. Ngày này có 3 lễ cúng: Một là lễ cúng khởi năm đón lộc cầu may.

Hai là Tết ăn lại (Tết bù) cho nhà nào dịp Tết Nguyên đán có người đau yếu, tang ma không kịp ăn Tết, nay khỏe mạnh trở lại, mọi người thư thả thì ăn bù, đi chúc Tết lại nhau một cách cởi mở, không phải kiêng khem gì.

Trước đây Rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn, để những nhà khá giả tiếp tục ăn Tết, thưởng mai - đào nở muộn. Lễ thứ 3 là cúng sao giải hạn.

Bánh trôi được nhiều gia đình dâng cúng Rằm tháng Giêng để mong mọi việc trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.

Ở một số nước châu Á, Rằm tháng Giêng là ngày đức Phật giáng lâm tại các chùa. Với một số nhà tâm linh, ngày này còn là ngày vía thiên quan nên các đền chùa làm lễ cầu an, dâng sao giải trừ tai ách cho năm mới.

Do đó, từ sau Tết Nguyên đán, ngày 14, hoặc chính Rằm người dân đã tấp nập đến chùa lễ Phật, cầu bình an, khoẻ mạnh, hạnh phúc… cho cả năm.

Nhưng theo Phật giáo thì Rằm tháng Giêng không phải là lễ quan trọng so với Rằm tháng Tư (Phật đản) và Rằm tháng Bảy (Vu lan), nhưng là ngày rằm đầu tiên của năm mới thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm nên đông đảo người dân đi lễ.

Cúng chay hay cúng mặn?

Theo Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Rằm tháng Giêng các gia đình sắm 2 lễ: Lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên.

Lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến. Lễ cúng gia tiên có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.

Theo ông Trịnh Yên, tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có nhà lễ bái chư Phật, có nhà cúng thổ công, thần tài… nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, tạ ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.

Rằm tháng Giêng nhà nào theo đạo Phật cúng chay và ăn chay. Lễ vật dâng cúng thường dùng rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào... chay, tránh chế biến thức ăn chay hình dạng tôm kho, thịt nướng… vì cho rằng thế là cái tâm vẫn còn hướng về mặn.

Nhà không theo đạo Phật thì Rằm tháng Giêng cúng chè xôi và cúng mặn (không thịnh soạn như Tết Nguyên đán).

Ngày nay nhiều người dân cúng Rằm tháng Giêng có món bánh trôi nước, với ý nghĩa cầu mong mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy...

Nếu là phật tử khi cúng lễ sẽ ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không phải là phật tử có thể dâng hương và đọc bài ca tụng công đức của Đức Phật.

Phần lớn đàn ông trong nhà làm chủ lễ. Nhưng nhiều ông chủ trẻ bây giờ không thuộc bài cúng, đã tìm trên mạng lấy các bài khấn lễ và cầm điện thoại, Ipad đọc với ý nghĩ không phải tìm mua sách, sớ khấn, hay học thuộc lòng nữa.

Có người còn đọc và dùng điện thoại ghi âm trước, đến lúc làm lễ thì chỉ bật đoạn ghi âm lên rồi chắp tay vái.

Theo ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, các bài khấn trên mạng giúp mọi người dễ tiếp cận, nhưng không nên nặng về bài khấn quá.

Cái tâm của mình thế nào thì thờ cúng như thế, việc tìm và cầm điện thoại đọc bài khấn khi cúng bái là không cần thiết. Phật ở trong tâm, thờ cúng tổ tiên cần thành tâm là chính. Bài văn khấn chỉ là hình thức, cái tâm mới quan trọng.

Lễ cúng Rằm tháng Giêng nhằm tinh thần lễ Phật, sám hối và phát nguyện vì không có “quả” nào là không do từ cái “nhân” mình gieo hôm nay. Tinh thần “nhân - quả” được khẳng định trong tinh thần của đạo Phật chứ không phải do cúng, cầu mà đạt được.

Làm bánh trôi cúng Rằm

Chuẩn bị: Bột nếp, đường đỏ viên, vừng rang.

Cách làm: Nhào bột (tỉ lệ là 2 bột 1 nước) tới khi bột mềm, không dính tay là được. Xong để bột nghỉ 15 phút.

Đun nồi nước sôi (nên dùng nồi cơm điện rất tiện). Chuẩn bị 1 bát nước nguội để nhúng bánh chín.

Vo viên bột nhỏ, đập dẹt, cho viên đường vào giữa và nặn tròn lại, thả ngay vào nồi nước sôi luộc.

Khi chín bánh có màu trong đục. Vớt bánh vào bát nước nguội một lúc, cho vào đĩa, rắc vừng lên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại