Trong vai một người có nhu cầu mua sừng tê giác để làm đầu mối làm ăn lâu dài ở Hà Nội, PV Dòng Đời đã gọi điện cho một người quen ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh (nơi được coi là địa điểm trung chuyển sừng tê giác cho các vùng khác) để tìm hàng.
Việt - đầu mối bán lẻ sừng tê giác, nanh, móng hổ, ngà voi có tiếng ở Hương Sơn cho biết, hiện tại trong nhà Việt không có nhưng đi lấy thì lúc nào cũng có. Qua điện thoại Việt hỏi lấy bao nhiêu, chỗ người quen cứ yên tâm. Cần thì chụp ảnh gửi xem trước. Việt cũng cho biết hiện sừng tê giác ở Hương Sơn bán khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng/kg. Nếu mang ra Hà Nội bán phải được trên 1,2 tỷ đồng/kg.
Tôi đề nghị Việt đến “tổng đại lý” chụp cho ít mẫu gửi ra cho mối ngoài này xem. Họ đồng ý thì tôi sẽ về xem và có thể lấy mang ra Hà Nội luôn. Chưa đầy 30 phút sau, Việt đã gửi gần chục ảnh chụp sừng tê giác, đủ loại to nhỏ.
Sau mấy ngày hẹn, chúng tôi về Hương Sơn. Gặp Việt, chúng tôi gần như không nhận ra người quen nữa. Việt đánh con “Mẹc” đời mới sáng loáng, ăn mặc bảnh bao như đại gia. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, Việt giải thích luôn: “Làm về sừng tê lúc nào cũng phải ăn mặc như thế này mới tạo niềm tin với đối tác”.
Trên đường đến “tổng đại lý”, Việt tâm sự, làm nghề này siêu lợi nhận. Trong vòng một năm, Việt đã mua được nhà, tậu được xe, còn gửi ngân hàng 1,5 tỷ đồng. “Trước đây làm giáo viên hợp đồng, lương bèo. Có người nhà bên vợ buôn bán hàng quý hiếm mình mới mon men xin đi theo. May được anh em đi trước truyền nghề lại nên cũng thấm dần” – Việt chia sẻ.
Đi khoảng 20km, Việt đỗ xe trước một ngôi nhà khang trang, nhà bà chủ đại lý – một đại gia có tiếng ở vùng. Việt căn dặn chúng tôi là phải nói bạn thân của Việt từ Hà Nội về bắt mối sừng tê để bán cho dân chơi.
Nữ đại gia H sau màn chào hỏi xã giao, còn tỏ vẻ ngần ngại vì khách lạ. Nhờ tài thuyết phúc của Việt nên bà H dần thân thiện hơn. Bà bảo: “Chỗ quen biết của cậu Việt, hàng lúc nào cần cũng có. Hiện tại trong kho còn không nhiều lắm. Hàng xịn từ châu Phi về nên các em khỏi lo. Nếu phát hiện hàng dởm chị sẽ trả lại tiền và chịu phạt gấp đôi”.
Để tạo niềm tin, bà H dẫn chúng tôi sang kho nằm ngay cạnh nhà. Chúng tôi không khỏi sững sờ khi thấy rất nhiều ngà voi chất ở góc kho, được phủ bởi một chiếc bạt (theo Việt ước tính trị giá hàng chục tỷ đồng). Bà H vào lấy ra một túi đựng khoảng chục chiếc sừng tê giác đã được cắt làm đôi. Theo bà H, sừng tê giác này được chuyển từ châu Phi về qua sân bay ở Bangkok (Thái Lan) rồi chuyển theo đường bộ về Việt Nam.
Trong khi chúng tôi tham khảo thông tin thì Việt lựa 4 cái sừng tê, tổng cộng hơn 5,8kg. Cậu lấy cả 4 cái nhưng không phải thanh toán luôn. “Chỗ chị em làm ăn lâu rồi, lấy hàng bán xong thì trả cho chị ấy cũng được, chứ tiền đâu ra mà trả luôn”, Việt bảo.
Trên đường về, Việt còn chỉ cho chúng tôi, nếu bán lẻ sừng tê giác thì lãi hơn nhưng lại phải cắt nhỏ ra bán theo lạng và lắt nhắt. Tốt nhất là bán cả cái, thu tiền về nhanh hơn...