Cụm di tích đình chùa Diên Phúc thuộc xã Văn Khê, huyện Mê Linh (Hà Nội) có tuổi đời khoảng 300 năm, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Điều đáng nói là tình trạng xuống cấp, dột nát đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa được tiến hành trùng tu tôn tạo.
Đây là ngôi đình cả Khê Ngoại, được xây dựng trên một khu đất rộng thuộc địa phận xóm Chùa.
Tục truyền rằng, đình Cả được làm trên lưng con Phượng Hoàng, phía trước có hồ nước trong. Theo tài liệu còn ghi lại tại cuốn Niên biểu Việt Nam và căn cứ vào tấm bia có niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) còn lưu trong đình và các chi tiết điêu khắc dân gian đầy nghệ thuật của ngôi đình cho thấy đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII. Ngôi đình được Bộ Văn Hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997.Tuy nhiên, trải qua bao năm tháng thăng trầm mưa nắng, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay.
Theo cụ Đinh Văn Thực, năm nay đã ở cái tuổi bát tuần, cụ có thâm niên trông coi, săn sóc ngôi đình đã được 22 năm cho hay, hễ hôm nào trời mưa là trong đình cũng không khác gì ngoài sân, nước dột tứ tung. Đã nhiều năm nay, các cụ cao niên trong làng đã cùng chính quyền địa phương tổ chức chằng chống, che các chỗ dột...Ngôi đình đã nhiều lần buộc phải thay thế những đoạn cột kèo do bị mục ruỗng, hư hỏng. Hiện tại, bên trong ngôi đình có cả trăm chiếc cột bằng cây bạch đàn được dựng lên xung quanh các thân cột trụ của ngôi đình nhằm chống đỡ cho đình khỏi bị sập. Thỉnh thoảng, những cây cột bằng gỗ bạch đàn này cũng lại bị mối mọt và phải thay liên tục. Chi phí cho việc chằng chống lên tới hàng chục triệu đồng.
Một cây cột trụ có điểm dột được các cụ đánh dấu.
Đứng bên trong ngôi đình nhưng có cảm giác như đang ở ngoài trời vì những điểm dột nát trên mái tạo lỗ cho ánh sáng rót vào bên trong.
Nhiều điểm, mái bị dột nát, tay dui mục ruỗng dù đã được đảo ngói nhưng chẳng được mấy chốc lại dột lại. Các cụ cao niên đã nghĩ ra cách là dùng những miếng tôn thay vào chỗ bị dột nát, ngói sô. Còn việc trèo lên để đảo ngói thì chẳng ai dám bởi chỉ sợ mái sập bất cứ lúc nào.Đây là ngôi đình có nhiều bức chạm trổ đẹp trên các bức cốn nách, kẻ, bất, dép hoành, đầu dư... đặc biệt là bốn bức cốn nách gian giữa tòa Đại đình.
"Bốn bức cốn này được trang trí chủ yếu là hình rồng với thân nhỏ, gấp khúc,...Đầu rồng không mấy giữ tợn, bờm tóc ngắn, miệng há rộng, mũi to, mắt lồi, râu vểnh. Riêng hai bức cốn phía trong bên cạnh hình rồng càm chữ "thọ" là các họa tiết trang trí hình trám lồng với các loại họa tiết vân xoắn, đao mác đã tạo nên một bức chạm khá sinh động, mạnh mẽ, song không kém phần uyển chuyển." Tuy nhiên, những giá trị nghệ thuật chạm khắc dân gian này đang đứng trước nguy cơ bị biến mất bởi ngôi đình có thể sập bất cứ lúc nào.
Nằm ngay cạnh ngồi đình cả Khê Ngoại là ngôi chùa Diên Phúc.
Theo những ghi chép cho thấy, chùa được xây dựng tà rất lâu đời, tới thời Nguyễn, vào năm Gia Long thứ 15 (1816), quy mô kiến trúc ngôi chùa được mở rộng, tôn tạo khang trang. Chùa thờ Phật theo dòng Đại Thừa, được xây dựng theo hướng đông nam, kiến trúc kiểu chữ "công" gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Cũng chung số phận như ngôi đình cả Ngoại Khê, chùa Diên Phúc cũng đang phải sử dụng cả trăm cây cột để chằng chống, giữ mái của chùa khỏi bị sập đổ. Bước vào bên trong ngôi chùa, cảm giác như lạc vào công trường đang thi công xây dựng nhà ở sắp đổ bê-tông.
Để chống, giữ được mái chùa, người ta phải sử dụng cả chục cây cột được sửa dụng dây thép giằng lấy nhau chống thay cho cây cột trụ đã mục ruỗng hoàn toàn.
Điểm cột trụ nối với câu đầu đã bị mục ruỗng hoàn toàn, khiến mái chùa bị sụt một phần.
Một cây cột trụ giờ chỉ còn là những vỏ gỗ, chỉ cần dùng tay bóp nhẹ là vụn rời nhưng chính quyền địa phương và người dân nơi đây vẫn đang phải hàng ngày, hàng giờ chằng chống, giữ nguyên trạng ngôi chùa, đợi ngày hạ giải, trùng tu tôn tạo.
Để đảm bảo an toàn cho các cụ cao niên và nhân dân tới lễ chùa, người ta đã phải dựng lên mái chùa tạm trên diện tích khuôn viên trước của chùa.
Theo ông Phạm Văn Luật - Trường phòng Văn hóa thông tin huyện Mê Linh, đây là cụm di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền địa phương cũng đang tiến hành thực hiện bằng mọ biện pháp nhằm giữ gìn ở mức tốt nhất các giá trị mà ngôi đình cả Khê Ngoại và ngôi chùa Diên Phúc này vốn có.
Hiện nay, các thủ tục, văn bản về việc trùng tu cụm di tích này đã được huyện Mê Linh hoàn tất. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận, chấp thuận kế hoạch, đề án quy hoạch cụm di tích này.
Hiện nay, các thủ tục, văn bản về việc trùng tu cụm di tích này đã được huyện Mê Linh hoàn tất. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận, chấp thuận kế hoạch, đề án quy hoạch cụm di tích này.
Được biết, mới đây các sở ban ngành liên quan đã về thẩm định, đánh giá thực tại của cụm di tích. Các bên đã thống nhất quan điểm cần đưa cụm di tích này vào danh sách phải đầu tư khẩn cấp để tham mưu với UBND thành phố Hà Nội.
Cũng theo ông Luật, hiện vẫn chưa thể tiến hành bắt tay vào việc hạ giải, trùng tu tôn tạo cụm di tích bởi vẫn chưa xong kế hoạch chi tiết về việc tính giá cả thi công chi tiết. Nếu nhanh nhất cũng phải cuối năm mới có thể tiến hành khởi công trùng tu tôn tạo được.
Tuy nhiên, điều này là khó khả thi bởi chỉ còn chưa đầy 2 tháng là hết năm 2012 và cũng đồng nghĩa người dân nơi đây lại tiếp tục phải nơm nớp lo sợ mỗi khi tới lễ chùa, lễ đình bởi cụm di tích này có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Nỗi mong mỏi lớn nhất của người dân cũng như chính quyền địa phương nơi đây rằng làm sao nhanh chóng hoàn tất các bước để có thể tiến hành trùng tu, tôn tạo, giữ gìn những giá trị nghệ thuật mà cụm di tích này có được trước khi quá muộn.