GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng) bày tỏ: “Cách trả lời của ông Cục trưởng CSGT
Đường bộ - Đường sắt khi cho rằng CSGT nhận của lái xe, nhận của người
tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm là “tiêu cực” chứ không
phải “tham nhũng” là khá buồn cười. Đây là một phát ngôn sai.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Dù chỉ lấy một đồng của dân thì vẫn là tham nhũng".
“Tôi nghĩ câu nói trên của ông Cục trưởng thể hiện lối nghĩ, lối tư duy lâu nay của ngành CSGT, có lẽ với CSGT thì dăm ba chục, một trăm, thậm chí vài trăm chỉ là chuyện nhỏ, coi như là “tiêu cực”, không coi là “tham nhũng”. Mà “tiêu cực” nếu có phát hiện chắc cũng chỉ nhắc nhở, phê phán qua loa. Đó là cách nghĩ, cách tư duy sai lầm “chết người”. Đồng thời đây cũng là chỗ dựa để cho nạn “tham nhũng” có cơ hội phát triển.Với CSGT có thể dăm chục một trăm không lớn, nhưng với người dân nghèo thì đó là số tiền đủ cho cả một bữa, thậm chí một ngày ăn. Khi xưa, lúc sinh thời, Bác Hồ cũng đã từng dạy bộ đội cũng như cán bộ và lực lượng vũ trang nói chung đại ý rằng dù là cái kim sợi chỉ cũng là tài sản của nhân dân, chúng ta không được phép tơ hào.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt, Bộ Công An cho rằng việc CSGT nhận dăm ba chục, một trăm nghìn đồng của người tham gia giao thông chỉ là những "tiêu cực" chứ không thể nói là "tham nhũng".
Giờ không có lý gì hành vi “hô biến” tiền bạc, tài sản của người dân vào túi mình mà lại cho rằng đó không phải là hành vi tham nhũng, nói thế là sai. Hành vi đó là tham nhũng”, GS. Nguyễn Minh Thuyết phân tích.
Cũng theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, muốn chống tham nhũng thì phải đi từ việc thay đổi cách nghĩ rồi mới đến thay đổi cách làm, hành vi cụ thể được.
“Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, chính tôi chứng kiến một vụ việc xảy ra ở Bệnh viện K Hà Nội. Một phụ nữ quê ở Sơn La là bệnh nhân xuống điều trị, chỉ vay có 200 nghìn đồng rồi sau đó về quê và không trả (có thể do quên) mà bị người cho vay kiện và suýt bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Theo kết quả cuộc điều tra xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20/11 thì CSGT là một trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất.
Tất nhiên, nếu so sánh vụ việc trên với việc CSGT nhận tiền của người tham gia giao thông có vẻ hơi khác, nhưng ý tôi muốn nói đến ở đây không phải là vấn đề giá trị tài sản và tiền là bao nhiêu, mà là khi ai đó đã có hành vi chiếm đoạt số tiền của người khác một cách bất hợp pháp để làm của riêng cho mình thì đó đã là vi phạm pháp luật và cần phải xử theo đúng luật, dù đó chỉ là dăm ba chục nghìn đồng”, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm.
Ngoài ra, GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng kết quả điều tra xã hội vừa qua về các ngành đứng đầu về tham nhũng là đúng nhưng chưa đủ.
“Tôi nghĩ chưa chắc CSGT đã là “quán quân” trong số nhóm ngành đứng đầu về nạn tham nhũng hiện nay đâu. Mà đứng đầu về nạn tham nhũng và gây thiệt hại kinh khủng nhất phải nói đến nhóm “tham nhũng chính sách”.
Có những chữ ký để ban ra một chính sách phục vụ cho một nhóm lợi ích kinh tế nào đấy được trả hàng triệu đô. Đây mới xứng đáng là “quán quân” đứng đầu về nhóm ngành tham nhũng ở nước ta hiện nay”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.