Cụ ông cả đời ngủ lề đường và ân tình người Sài Gòn

Phạm An |

“Tôi tên Có nhưng gần như tay trắng, có chăng là những ân tình của người Sài Gòn mà tôi không thể trả hết được. Tôi không cô đơn, Sài Gòn luôn bên tôi...”

Vợ bỏ đi vì quá nghèo

Sài Gòn khuya, “thành phố không buổi tối” dường như vắng hơn.

Những người “sống nhờ hè phố” cũng đã trở về sau một ngày phơi mình dưới mưa nắng. Chỉ còn mình ông Có vẫn ở đấy, lặng lẽ ở một góc phố.

Ông ở đấy vì đơn giản là ông không có chỗ để về như người khác. Và ông ở đấy vì ông cần kiếm thêm thu nhập những lúc các “đồng nghiệp” đã ngon giấc.

Cái lạnh quyện trong cái nghèo thành một thứ dư vị trong cuộc đời ông, người đàn ông cả đời sống trên hè phố. Ông ví đời ông, chẳng khác gì những cái cây trên phố. Cứ ở đó, chịu đựng và chờ đợi.

Đối với ông, cái lạnh, cái nghèo không đáng sợ bằng lúc ông không được nhìn ngắm đường phố Sài Gòn.

Tên đầy đủ của ông là Lê Văn Có, 79 tuổi, đạp xích lô ở chợ Đa Kao (quận 1, TPHCM). Không chỉ với những người sống ở khu chợ này, mà với cả người đi đường, ông đã trở thành một hình bóng quen thuộc.

Ông nói, ông nghèo từ trong trứng, dù ông là người Sài Gòn. Nghèo đến nỗi, mẹ cha ông mất không có tiền an táng. Mới vài tuổi đầu anh em ông phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để có miếng ăn qua ngày.

Gia đình ông trước đây ở quận 4, Sài Gòn, nơi ông gọi là nhà cũng không chứa nổi anh em của ông, chỉ vài mét vuông. Tối đến, ông và những người anh trai phải ra ngủ dưới hiên nhà hàng xóm.

Cái nghèo, cái khổ cũng chia cắt gia đình ông. Anh chị ông đi làm thêm kiếm sống, rồi đi đến những đâu ông không biết, cứ thế ông lạc mất người thân lúc nào không hay.

Hơn 20 tuổi, ông Có và người vợ đầu tiên gặp nhau, sống với nhau có năm mặt con. Thế nhưng, vợ ông không chịu nổi cái nghèo, nên bỏ chồng, dẫn con đi theo người xây dựng thời kinh tế mới.

Mất vợ, mất con, lại mất luôn cả căn nhà khi người ta thực hiện mở rộng đường đô thị.

Thuở ấy, ông thấy người Sài Gòn đi xích lô nhiều , ông dùng hết tiền đền bù lúc giải tỏa để mua chiếc xích lô, rong ruổi đạp xe, tối đến đâu thì lên xích lô ngủ ở đó.

Thế mà ông và chiếc xích lô gắn bó hơn 42 năm.


Nơi nghỉ ngơi mỗi đêm của ông là chiếc xích lô đã cũ, tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Trần Quang Khải, Q.1

Nơi nghỉ ngơi mỗi đêm của ông là chiếc xích lô đã cũ, tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Trần Quang Khải, Q.1

Vốn không chịu nổi sự tranh giành “địa bàn làm ăn” tại Quận 4, ông di chuyển ra phía ngoài thành phố âm thầm kiếm sống. Thời gian này, ông gặp người vợ thứ hai, và có thêm một đứa con.

Nhưng vợ ông cũng không chịu nổi cái xa hoa, hào nhoáng chốn thị thành, bà đem con về Biên Hòa (Đồng Nai).

Phần ông, quá yêu Sài Gòn, thêm phần nuôi hy vọng tìm lại người thân, ông quyết định ở lại, đạp xe tới đâu ông hỏi tìm người nhà đến đó.

Ông Có chia sẻ: “Mấy năm trước, tôi nghe nói người thân của tôi đang ở Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh, biết họ vẫn còn sống là vui rồi, chứ chưa tới thăm được. Để tôi khá giả một chút, tôi lên thăm họ”.

Nói là nói vậy, nhưng có thể ông biết mình không đến được, và cũng chẳng biết bao giờ ông đến được, gặp được, kể cả phút cuối đời.

“Tôi nằm ở đây, cho bà ấy dễ tìm…”

Mỗi ngày, 6h sáng, ông Có đều đứng trước chợ Đa Kao tìm khách chở thuê, đến khoảng 2h trưa, ông về dưới chân Cầu Bông (ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Trần Quang Khải, Q.1, TPHCM) nghỉ ngơi.

Một ngày, nhiều lắm thì được 60.000 đồng, hôm thưa khách ông kiếm được 30.000 đồng, có hôm ông trở về tay không.

Ông tâm sự: “Lúc trước người ta thuê xích lô nhiều lắm, nhưng giờ họ có xe máy, xe buýt, việc đi lại cũng dễ dàng nên tôi chỉ chở được khách quen, họ thương tình nên đi xích lô của tôi, khi họ cho thêm tiền, khi họ cho đồ ăn, tôi thấy mình nợ rất nhiều người”.

Khi người đi xích lô thưa dần, ông nhận thêm việc chở hàng. Tuy nhiên, hàng hóa nặng, cồng kềnh, nhiều khi cả ông và xe đều ngã nhào.

Hàng nhận chở bị hư hỏng nặng, người thuê nhìn ông ái ngại, họ không bắt ông bồi thường, nhưng cũng không kêu ông chở hàng nữa.

Người vợ của ông ở Biên Hòa, thực ra vẫn giữ liên lạc. Cái tình thương giữa những người nghèo trong chia cắt, nghe mà thấy cay cay khóe mắt. Nhưng, đó cũng là một giá trị của đời ông, để ông vẫn còn đây.

Bà thường kêu tôi về Biên Hòa để tiện chăm sóc tôi, nhưng đã lỡ yêu nơi này quá tôi không về.

Bà ấy không bỏ tôi, thường 2 tháng 1 lần, bà ấy vẫn lên đây thăm. Vì thế tôi không di chuyển như lúc trước nữa, mà nằm cố định ở đây, cho bà ấy dễ tìm”, ông Có rưng rưng.


Ông khoe chiếc banh bao ông được “người thân” tặng: “Tôi xem tất cả người xung quanh là anh, chị, em của mình. Khi buồn tôi đạp xích lô qua các con hẻm thăm mọi người

Ông khoe chiếc banh bao ông được “người thân” tặng: “Tôi xem tất cả người xung quanh là anh, chị, em của mình. Khi buồn tôi đạp xích lô qua các con hẻm thăm mọi người"

Thương lắm, hộp cơm và cái bánh mì của người lạ

Ông yêu Sài Gòn bởi theo ông Sài Gòn nhiều lần thử thách ông, nhưng Sài Gòn cũng mang đến cho ông nhiều nghĩa tình trong cuộc sống.

“Ai nói ở Sài Gòn khó sống, chứ tôi thấy Sài Gòn nuôi sống bất kỳ ai. Ở đây có rất nhiều người tốt. Tôi nằm đây hằng đêm, cứ đến khoảng 10h tối, có người ghé qua cho khi thì ổ bánh mì, khi thì hộp cơm, cái bánh bao…

Họ chỉ gặp tôi, trò chuyện đôi lời cũng đã vui rồi. Tôi tên Có nhưng gần như tay trắng, có chăng là những ân tình của người Sài Gòn mà tôi không thể trả hết được.

Tôi không cô đơn, Sài Gòn luôn bên tôi, chiều chiều nhìn ra dòng xe chạy, tôi thấy vui và bình yên lắm.

Chính vì 2 tháng 1 lần vợ ông ghé thăm, nên ông chăm chỉ hơn, khuya bất kỳ giờ nào, bất kể xa gần hễ có người thuê xích lô là ông đi.

Ông để dành tiền khi vợ lên thăm lại gửi về một ít nuôi con, nuôi cháu, để trái gió trở trời vợ ông có tiền mua thuốc.

Chị Nguyễn Thị Minh (ngụ Q.1) cho biết: “Tôi không biết ông Có từ đâu đến, ông ở đây đã lâu, sáng đạp xích lô ở chợ, tối ông về ở tại góc đường này lâu rồi, hiền lành ai cũng quý, nên mọi người thường giúp đỡ, ai cũng khuyên ông về ở với vợ con nhưng ông đều lắc đầu cười”.

Mỗi lần được người hảo tâm cho đồ ăn, cho đồ mặc ấm, ông lại chia cho những đứa trẻ mồ côi, những đứa ăn xin, những người cơ nhỡ,… khi đạp xích lô ngang qua họ.

Ông bảo: “Tôi cũng như họ thôi, “anh em trong nhà” nên san sẻ cho nhau. Tôi no mà người khác cũng no, như vậy cuộc sống vui hơn nhiều. Ở Sài Gòn, mọi người đều là người thân của tôi”.

Ông bật chiếc máy cassette cũ, nó là người bạn duy nhất gắn bó với ông mọi lúc, mọi nơi, ông khoe nó chạy rất bền, rất khỏe, ông nghe hoài những tuồng cải lương trong các cuộn băng mà không biết chán, rồi nghêu ngao hát theo mấy câu vọng cổ.

Người trên phố thưa dần, nơi vỉa hè khuya vắng, ông tạm nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi, gác lại sự vất vả, ông tranh thủ thiếp đi một lúc, dù đã là một ngày mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại