Ngày nào cũng vậy, cứ 5h sáng, cụ Nguyễn Đường lại thức giấc, cầm đòn gánh cùng hai xô nước ra giếng Ba Lễ (TP Hội An, Quảng Nam). Theo "đơn đặt hàng", những gánh nước trong veo của buổi sớm tinh sương lần lượt được gánh đến các nhà hàng, quán ăn bán đặc sản phố Hội như cao lầu, mì Quảng… Được bao nhiêu tiền, cụ lại chắt góp mang về nhà, nơi có người vợ già bị bệnh viêm khớp và người con trai đã ngoài 50 tuổi lúc tỉnh, lúc mơ.
Gia đình cụ Đường với người con bệnh (ngồi giữa). Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhà cụ Đường rộng chừng 25 m2, nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo (phường Minh An), cách giếng Ba Lễ chừng 50 mét. Người dân trong khu phố chẳng còn lạ gì với gia đình cụ bởi trước đây cả nhà đi gánh nước thuê. "Ngày trước vợ chồng cụ đi gánh nước thuê, rồi cậu con trai duy nhất cũng theo cha mẹ mưu sinh nhưng bữa làm, bữa nghỉ vì bệnh tâm thần", người hàng xóm kể.
Ngồi phe phẩy chiếc mũ lưỡi chai cũ mèm bên hai thùng nước đặt trước nhà sau một chuyến gánh xa về, cụ Đường gây ấn tượng bởi cơ bắp dù đã teo lại nhưng vẫn còn nguyên dáng vẻ của một phu nước có thân hình vạm vỡ. Đôi hàm răng đã rụng hết, ông cụ nhoẻn miệng cười kể chuyện hơn 50 năm gánh nước ở giếng cổ Ba Lễ như kể về chính cuộc đời mình.
Cụ Đường người gốc Hội An, kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Mỹ ở cách phố Hội không xa. Cưới nhau, hai vợ chồng trẻ vào Sài Gòn sinh sống và có được cậu con trai đầu lòng Nguyễn Văn Quốc. Những tưởng cuộc sống nơi đất khách sẽ thuận lợi, nhưng khi Quốc lên 3 tuổi, sau trận ốm thập tử nhất sinh, cậu được bác sĩ chuẩn đoán bị thần kinh. Dù gia đình chữa trị ở nhiều nơi nhưng bệnh của Quốc vẫn không thuyên giảm.
Hai vợ chồng đưa con về lại Hội An sinh sống. Ngày ngày, bà Mỹ gánh nước ở giếng cổ Ba Lễ, còn ông Đường bốc vác tại bến thuyền ven sông Hoài để có tiền lo thuốc thang cho con. Hai ông bà quyết định không sinh thêm để có điều kiện lo chạy chữa cho con.
Ngày ngày, cụ Đường ra giếng cổ Ba Lễ gánh nước thuê. Giá tiền mỗi gánh nước tùy thuộc vào quãng đường, nhưng trung bình cụ nhận được 10.000 đồng một chuyến. Ảnh: Nguyễn Đông
Bốc vác được một thời gian, thấy công việc nặng nhọc mà thu nhập lại thất thường nên cụ Đường về gánh nước thuê cùng vợ. Còn anh Quốc cứ lớn lên và ngây ngô như một đứa trẻ. Nhiều khi lên cơn đau đầu, anh lại đập phá hết đồ đạc trong nhà.
"Gia đình tôi sống nhờ giếng Ba Lễ. Nước giếng cổ luôn trong vắt, ngon như nước mưa nên ai ở phố cổ cũng ưa dùng. Hằng ngày mọi người bận làm việc thì thuê vợ chồng tôi gánh nước tới. Tiền công được tính theo đoạn đường xa, hoặc gần", cụ Đường chậm rãi kể và cho hay, giếng Ba Lễ hầu như có nước quanh năm, dùng để nấu ăn sẽ tăng thêm vị ngon lạ thường, bởi vậy ai cũng muốn dùng nước ở giếng này và nghề gánh thuê nước cũng xuất hiện từ đó.
Gia đình cụ Đường có đồng ra đồng vào nhờ việc gánh nước thuê, cuộc sống của ba người cứ chậm rãi như nhịp sống nơi phố cổ. Duy chỉ có anh Quốc là chẳng mảy may đến chuyện lấy vợ. "Nó bị bệnh thế rồi, lấy vợ rồi lại làm khổ con nhà người ta. Cứ để nó sống vậy với vợ chồng tôi", cụ Đường giải thích.
Thấy dễ kiếm tiền từ nghề gánh nước thuê, nhiều người trong vùng cũng sắm đồ nghề ra giếng lấy nước đi bán. Cụ Đường không buồn bởi giếng nước là của trời cho, ai có sức lao động thì được hưởng công. Tuy nhiên tiền công và mối khách của gia đình cụ cũng ít dần.
Nhiều khi khách chưa nhận nước, cụ lại gánh về nhà, cẩn thận đổ vào thùng cất giữ, không phí phạm một giọt nước nào. Ảnh: Nguyễn Đông.
Có sức khỏe nên anh Quốc cũng phụ bố mẹ đi gánh nước kiếm thêm thu nhập nhưng khổ nỗi nhiều khi gánh nước cho khách, anh lại quên thu tiền nên cụ Đường luôn đi theo con để tiện tính công, nghe khách dặn ngày nào mang nước tới.
Theo những người dân trong vùng, điều giúp gia đình cụ Đường có thu nhập ổn định là nhờ cách làm ăn thật thà. Khi khách đặt nước thì dù mệt nhọc đến đâu hay trời mưa như trút cụ vẫn ra giếng múc cho đầy, và chỉ lấy nước ở giếng để đi bán chứ tuyệt đối không lấy nước máy gánh đi như cách một số người vẫn làm. Ông cụ cũng thề sống chết chỉ gánh nước ở giếng Ba Lễ mang đi bán
"Ngày trẻ, tôi gánh từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Về ngả lưng một chút lại tiếp tục ra giếng múc nước, làm nhiều có tiền nhiều", cụ khoe rồi cho hay, thời gian ngày càng khiến sức khỏe yếu dần, lượng nước gánh cũng không còn nhiều như trước.
Mùa hè nắng hạn cũng là lúc giếng Ba Lễ cạn nước. Cụ Đường một mặt trông trời, mặt khác lại mày mò xuống tận đáy giếng sâu hàng chục mét để nạo vét cặn bẩn, mang muối xuống trát vào mạch nước. Nhờ đó, một tuần sau, giếng có nước trở lại, người dân phố cổ lại thấy dáng ông cụ với đôi thùng nước rảo quanh khắp khu chùa Cầu, sang đường Bạch Đằng, chợ Hội An...
"Điều tôi tự hào nhất đến bây giờ là dù sức khỏe không còn như trước nhưng vẫn tự kiếm được đồng tiền từ sức lao động của mình để giúp vợ và con", cụ Đường nói. Sợ chồng sức yếu, đi làm sớm dễ bị trúng gió, bà khuyên nghỉ nghề nhưng cụ nhất quyết còn sức khỏe ngày nào sẽ tiếp tục đi gánh nước mang bán.
Phút nghỉ ngơi của ông cụ gần trọn đời gắn mình với nghề phu nước. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Minh An cho biết, gia đình cụ Đường thuộc diện cận nghèo. Những năm gần đây, cụ bà thường xuyên đau ốm, không thể tiếp tục gánh nước như trước nên cụ Đường là lao động chính trong nhà.
"Cụ Đường bây giờ được coi như là biểu tượng ở Hội An và là người gắn bó lâu nhất với nghề gánh nước thuê. Thi thoảng có khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh cụ gánh nước và cho tiền nhưng chủ yếu thu nhập của cụ bây giờ vẫn từ nghề gánh nước thuê", ông Hội nói.