CSGT "kêu oan" vì bị "quy" tham nhũng nhiều nhất

daquynh |

Đa số CSGT đều khẳng định những trường hợp tham nhũng chỉ là "những con sâu làm rầu nồi canh" trong ngành.

Cách đây không lâu, từng có một cuộc thăm dò ý kiến, trong đó 99% số người được khảo sát cho rằng CSGT nhận mãi lộ chiếm tỷ lệ rất cao. Không ít người phàn nàn, họ thường cảm thấy rất khó chịu mỗi khi bị CSGT dừng xe, bởi nếu không vi phạm thì cũng rất mất thì giờ.

Một số chiến sĩ CSGT khoác áo công vụ tỏ ra trịch thượng, hống hách... đưa ra đủ "chiêu trò" để đi đến thoả thuận "chặt đôi" tiền phạt, hoặc chí ít cũng mặc cả "tự xử"... Họ đâu biết rằng, chính những việc làm đó đã ngày càng đánh mất đi hình ảnh đẹp đẽ của ngành mình trong mắt người dân.

Báo cáo lần này của Thanh tra Chính phủ thực tế chỉ để khẳng định một hiện thực đã tồn tại trong suốt thời gian dài mà không có liều thuốc đặc trị. Tuy nhiên, với những chiến sĩ CSGT chân chính đang ngày ngày làm nhiệm vụ trên các cung đường họ cũng cảm thấy đôi chút "chạnh lòng".

Trò chuyện với PV, một cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 5 (địa phận Hải Dương) tâm sự: "Nếu như người tham gia giao thông không vi phạm thì chẳng ai bắt phạt được. Cũng không nên vơ đũa cả nắm.

Thực ra, tiêu cực hay không tiêu cực, ở bất kì cơ quan, lĩnh vực, bất kì ngành nghề nào cũng vậy, luôn có người nọ người kia. Cũng có những người gây bức xúc phiền hà cho nhân dân nhưng không phải là tất cả. Đó chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", chứ không nên đánh đồng tất cả".

CSGT "kêu oan" vì bị "quy" tham nhũng nhiều nhất 1

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt (Bộ Công an).

Khi được hỏi về cảm nhận trước thông tin ngành CSGT bị "quy" tham nhũng nhiều nhất, thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, CATP.Hà Nội), người vừa được vinh danh công dân thủ đô ưu tú 2012 tỏ ra không mấy bất ngờ.

Tuy nhiên, cái đó chỉ là "con cá lá rau", hay nói thẳng ra là những "con sâu" trong ngành, chứ không thể đánh đồng tất cả các chiến sĩ CSGT luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách gương mẫu.

Theo thượng tá Lê Đức Đoàn, xã hội nên nhìn nhận vai trò của đội ngũ CSGT một cách tích cực hơn. Thực tế cả tuyến đường dài, những cung đường, tuyến phố, nơi tập trung đông dân cư, đông phương tiện tham gia lưu thông, nhất là trong giờ cao điểm, không có lực lượng CSGT thì sẽ như thế nào? Đường phố sẽ tắc nghẽn kéo theo nhiều hệ lụy. Thực tế chứng minh, có rất nhiều chiến sĩ CSGT đã không quản hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

"Nhà nước ta luôn chỉ đạo toàn ngành phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, phục vụ nhân dân vô điều kiện.

Ngay CSGT Hà Nội, Giám đốc ngành có ký quy tắc số 11 về ứng xử văn hóa giao thông. Trong đó có 12 điều cấm và 8 điều không được làm.

Hơn nữa, pháp lệnh xử phạt hành chính 12 điều của Bộ trưởng bộ Công an về tinh thần phục vụ nhân dân rất rõ. Mặt khác, khi tham gia vào lực lượng CSGT, các chiến sĩ đã được rèn luyện đạo đức, nâng cao trách nhiệm rồi", Thượng tá Đoàn nói.

Vị CSGT vừa được vinh danh công dân thủ đô ưu tú 2012 cũng cho biết, hiện nay ý thức của người tham gia giao thông rất kém, nhất là văn hóa ứng xử vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt với người thực thi pháp luật là chưa chuẩn.

Không ít trường hợp CSGT xử phạt đúng luật nhưng người vi phạm cố tình đưa chế độ để chạy chọt, khi bị khước từ lại nói này nói nọ, rồi lại nói với người khác CSGT đã nhận tiền. Điều này vô tình làm xấu đi hình ảnh của chiến sĩ CSGT trong mắt người dân.

"Để làm giảm bớt những vấn nạn trong ngành, chiến sĩ CSGT hãy phục vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ làm theo 6 điều dạy, phải có văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, xử lý đúng vi phạm, không vu cáo người dân...", thượng tá Lê Đức Đoàn khẳng định.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng: "Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi.
Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng.
Tham nhũng phải là những người có chức, có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của Nhà nước.
Tôi cho rằng dùng từ tham nhũng phải ở đối tượng đó và hành vi đó. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nói rằng CSGT tiêu cực thì nên ở mức độ đó nó dễ chấp nhận hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại