Xung quanh thông tin về một CSGT Hà Nội làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm 2013 đã dùng xe mô tô chở một thí sinh đến địa điểm thi để kịp thời gian làm thủ tục đăng ký dự thi theo đúng quy định sau khi biết thí sinh này nhầm địa điểm được đăng báo đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Trên một diễn đàn ở facebook, một bạn đọc là T.P viết: “Một là các anh đã bỏ mục tiêu để trống trận địa và làm việc không đúng với chuyên môn. Hai là nếu các anh có lòng tốt muốn làm giúp người khác thì cũng không nên lấy của công cho mục đích riêng chứ”.
Ủng hộ ý kiến này, bạn K.N. Khánh Hòa cho rằng: “Thiết nghĩ trong bối cảnh này, đã phân công ai thì người đó phải làm tốt việc mình đã. Cảnh sát giao thông rất cần để giúp dân những việc gấp gáp hơn”.
Bạn M. C.T bày tỏ quan điểm ủng hộ ý kiến trên: “Việc nào ra việc đấy. Giúp người thì dù làm nghề gì cũng đáng khen nhưng như hình chụp thì có tới 2 xe mô tô đặc dụng và 2 chiến sĩ đang mặc nguyên quân phục và trong ca làm việc (vì chở tới chỗ thi thì thường là đầu giờ sáng) thì có thể đúng như bác T.P nói: Bỏ vị trí, sử dụng sai mục đích phương tiện công cụ của nhà nước giao…
Trong ảnh phải có tới vài chục người đứng nhìn và các anh hoàn toàn có thể dùng uy tín của mình để nhờ một người khác chở đến hoặc trả tiền xe ôm. Ngay cả nếu coi là khẩn cấp để giúp 1 thí sinh kịp thi thì cũng không nên cử xe để chở cả phụ huynh”.
Bạn có nickname M.C.T cũng bày tỏ sự lo lắng: “Chưa kể bài này khi dân đọc xong thì từ giờ về sau các bác nhà quê gặp khó khăn cứ ra bốt CSGT mà xin đi nhờ xe và các anh em sẽ phải vất vả từ chối...”.
Bạn M.C.T viết tiếp: “Chính xác là tuyệt đối không sử dụng của công và các phương tiện công cụ ngoài chức năng và nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những nguồn gốc của lãng phí và tham nhũng. Xe máy công vụ chở được dân thì xe thùng chở được cát xây nhà cho chủ tịch, ô tô con thì đi chùa.
Còn giúp người, từ thiện… thì là cá nhân và phải dùng tiền túi và thời gian riêng chứ không thể của người phúc ta được. Trừ phi có thiên tai hay sự kiện nào đó và vì cộng động lớn như điều xe để chở dân qua chỗ lụt, mở đường cho Nick Vujicic, có quyết định ở cấp có thẩm quyền thì may ra mới được chấp nhận. Tất nhiên quan điểm hẹp hòi này là dựa trên quan điểm chính danh có từ thời Khổng Tử và ngày nay ít người ủng hộ”.
Không đồng ý với những quan điểm trên, bạn T.V.H phân tích: “Đây cũng là một bài về gương người tốt việc tốt thôi. Giúp người trong lúc khốn khó thì là điều đáng khen. Có điều cái tiêu đề bài báo làm người đọc tưởng là "phong trào" mới được phát động trong lực lượng CSGT.
Và giả sử nếu nó mà là phong trào thật thì quả là đáng chê hơn là đáng khen vì đúng như bác T.P nói, đó là việc làm không "chính danh". May mà nội dung bài báo thì cho thấy nó không phải là "phong trào"”.
Có cùng quan điểm với bạn T.V.H, bạn T.R cho rằng người viết ý kiến phê phán trên là hẹp hòi. Nhiều bạn cùng có ý kiến rằng: Đó là hành động vì cộng đồng.
Theo bạn khác tên là H.N, hành động này không có gì là sai cả. Cảnh sát vì dân phục vụ, các anh ấy cũng báo lên cấp trên rồi. Của công cũng là của dân đóng góp chứ có phải trên trời rơi xuống đâu…
Còn bạn nickname N.Q.C có ý kiến tướng đối trung lập viết: “Đã là lao động thì nghề nào cũng có những giá trị riêng của nó, chúng ta đừng nghĩ thiên lệch về 1 nghề nghiệp nào cả. Hai ông Công an này là tốt, nhưng mình nghĩ liệu 1 bà chủ trọ, 1 anh xe ôm,hay 1 bà hàng nước làm tình nguyện thì có được ca ngợi như thế không, thậm chí về mặt chi phí họ tổn thất hơn nhiều”…
Liên quan đến sự việc này, trước đó, Phòng CSGT Hà Nội đã quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sĩ, trong quá trình làm nhiệm vụ, tạo điều kiện tối đa cho người nhà và thí sinh đi lại an toàn, thuận tiện và đúng giờ. Các trường hợp thí sinh và người nhà vô ý vi phạm luật giao thông, chỉ nhắc nhở, không xử lý.
Trường hợp thí sinh và người nhà không biết địa điểm thi, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ sẽ hướng dẫn, chỉ đường hoặc trực tiếp đưa thí sinh và người nhà đến đúng địa điểm thi đảm bảo đúng giờ.