TS. Đặng Tất Thế, chuyên gia giám định động vật hoang dã của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết sản phẩm của nhiều loại động vật quý hiếm đều bị làm giả một cách tinh vi. Chỉ có thể phát hiện được qua xét nghiệm gene.
Cái gì cũng giả được
Sừng tê giác giả từ tóc người
Theo TS Thế, mật gấu giả có thể được làm từ mật trâu bò, hay dùng bọng đái của lợn để bơm mật của loài khác vào cho trông giống mật gấu.
Sừng tê giác có thể được làm từ nhựa tổng hợp, sừng trâu, bò và cả từ… tóc người vì sừng tê giác có nguồn gốc từ da và lông. Những kẻ làm giả cắt lấy phần trên của sừng trâu bò rồi trạm trổ cho lồi lõm để chúng trông khác thường. Xương ống trâu bò được ghép, cắt khúc, gọt giũa rồi chắp lại thành ngà voi. Nanh hổ thường có giá trị cao được làm giả từ nhựa, hoặc dùng răng nanh gấu để lừa những người cả tin.
Trước đây, khi các sản phẩm từ hổ bị làm giả nhiều quá thì bọn buôn lậu chuyển sang buôn hổ đông lạnh. Thế nhưng nhiều con hổ đông lạnh nay cũng đã bị làm giả bằng cách chắp nối bộ phận của nhiều con khác nhau. Cách làm giả là dùng loài beo lửa, báo rồi tẩy hoa văn trên lông. Sau đó, dùng thuốc nhuộm tóc nhuộm màu, vẽ các đường vằn vện lên cho giống lông hổ. Có những con rắn hổ chúa rất to được ngâm trong bình rượu, thực ra, chúng khâu từ hai con thành một để cho to lên và bán được giá.
Nếu không nhìn tinh hoặc không mổ ra thì không phát hiện được. “Rùa, rắn, kỳ đà, gấu, ngà voi, đồi mồi, san hô đen, san hô đỏ, phong lan, vạn tuế... đều làm giả được”, TS. Thế nói.
Trong số những vụ bị cơ quan chức năng bắt giữ, tỉ lệ hổ và các sản phẩm từ hổ bị làm giả chiếm khoảng 20%, ngà voi 5%, sừng tê giác 70%, còn mật gấu thì hầu hết là giả.
Người thường không thể biết
Hổ giả từ beo lửa
Ngoại trừ động vật quý hiếm, hoặc sản phẩm của chúng được buôn bán theo đường dây, buôn lậu chuyên nghiệp, còn thì phần lớn đều là hàng giả.
Tuy nhiên, ít người biết rõ thực hư và phát sinh những lời đồn thổi về cách thử hàng thật, giả. Nhiều người cho rằng để phân biệt mật gấu thật và giả, như cho mật gấu vào nước để quan sát giọt mật chìm xuống đáy. Thực ra, cách này không có cơ sở khoa học và không đáng tin cậy. Cơ quan giám định động vật hoang dã thường dùng phương pháp xét nghiệm ADN thì mới cho kết quả chính xác.
“Các chuyên gia bằng mắt thường cũng có thể phân biệt sản phẩm giả và thật, nhưng người thường thì khó nhận ra”, TS. Thế nói.
Ví dụ, thớ sừng tê giác to hơn với sợi thô hơn sợi trên sừng trâu, bò.
Nếu tinh mắt có thể nhận thấy sừng trâu bò có nguồn gốc từ sọ nên khi để
khô thường có vết nứt đồng tâm giống như vòng tròn tăng trưởng phía
trong, còn sừng tê giác không có dấu hiệu này.
Tuy nhiên, để che mắt người mua, những kẻ làm giả thường bôi dầu, sáp lên sừng trâu, bò để chống nứt. Gốc sừng tê giác có lông cứng như lông bàn chải, nên những kẻ làm giả lấy lông thú của loài khác rồi dính vào.
Theo Baodatviet.vn