“Mượn” giấy phép bến bãi để khai thác cát lậu
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Bồ đã khiến môi trường sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân Quảng Thành, Quảng Thọ bị ảnh hưởng nặng nề.
Đặc biệt, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng khi cơ quan chức năng không có biện pháp để ngăn chặn hiệu quả.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã trực tiếp về tại Quảng Điền để ghi nhân sự việc.
Theo ghi nhận của PV, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh từ TP Huế đi Sịa, hai bên đường từ lâu đã xuất hiện 4 – 5 bãi tập kết cát lậu của các chủ đò là những người dân địa phương.
Cát tặc khai thác tràn lan trên sông Bồ.
Những điểm tập kết cát lậu này có diện tích cả hàng trăm mét vuông, được các chủ bãi sử dụng để tập kết cát mỗi lần các đò lậu chở về tập kết.
Ông Huỳnh Quang (64 tuổi, trú làng La Vân Thượng, Quảng Thọ, Quảng Điền) cho biết:
“Sông Bồ chảy qua khu vực xã Quảng Thành song song với con đường lớn liên xã nên các chủ đò đã lợi dụng khai thác triệt để để thuận tiện cho việc phun cát lên bờ.
Trước đây, tình trạng khai thác cát ở khu vực này diễn ra ít nhưng những năm gần đây, do nhu cầu về xây dựng lớn, nguồn tài nguyên nơi khác cạn kiệt nên các chủ đò về khai thác trái phép tại đây”.
Ông Quang cho biết thêm, so với cát sạn ở khu vực thượng nguồn sông Hương thì cát ở sông Bồ có chất lượng sử dụng tốt hơn rất nhiều.
Cũng chính vì đó mà tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra phức tạp.
Hiện nay, tại 2 xã Quảng Thành và Quảng Thọ có trên 10 bãi tập kết cát sỏi của các hộ dân địa phương.
Các chủ bãi đã kiêm luôn cả việc khai thác, đặc biệt là tận dụng nguồn cát sạn tại khu vực cấm khai thác trên sông Bồ.
“Vẫn biết vấn đề khai thác cát trên khu vực sông Bồ là vi phạm nhưng do nhu cầu xây dựng nhiều cùng với nguồn thu nhập khá ổn định nên chúng tôi nhiều lúc phải làm liều.
Dân cũng chửi dữ lắm nhưng giờ không làm không được!”, ông Lê Dương (chủ bãi cát lậu tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ) cho biết.
Bờ sông sạt lở nghiêm trọng
Thời gian qua, dù làm mọi cách để xua đuổi, người dân của các làng La Vân Thượng, La Vân Hạ (xã Quảng Thọ), làng Phú Lương, Thanh Hà (xã Quảng Thành), phường Hương Xuân (Thị xã Hương Thủy)… vẫn bất lực và đành chấp nhận sống chung với cát tặc!
“Chính quyền địa phương, an ninh thôn và người dân đã nhiều lần xua đuổi nhưng vẫn không hiệu quả.
Các chủ đò thường tổ chức hút cát vào lúc sáng sớm, tầm 1 -2h sáng nên việc xử lí vi phạm càng trở nên khó khăn hơn.
Tui dùng ná cao su để bắn, dùng đất đá ném ra đuổi. Không những chúng không chạy mà còn chửi lại nữa”, ông Nguyễn Còn (67 tuổi, trú xóm 8 Thanh Hà, Quảng Thành) bức xúc.
Cũng theo ông Còn và nhiều hộ dân thôn Thanh Hà, người dân nơi đây bao đời nay chủ yếu dựa vào dòng chảy sông Bồ và đất nông nghiệp để lao động sản xuất, đặc biệt là trồng hoa màu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây do tình trạng khai thác cát diễn ra ngang nhiên khiến làm thay đổi dòng chảy của sông Bồ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của bà con.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại các khu vực hai bờ sông Bồ và ghi nhận nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Tại xóm 8 thôn Thành Hà (Quảng Thành), nhiều chỗ bờ sông sạt lở vào bờ đến 2 – 3m.
Nghiêm trọng hơn, do việc khai thác cát lậu diễn ra thường xuyên nên lòng sông Bồ bị khoét sâu, sạt lở bờ sông trực tiếp đe dọa đến hàng trăm mét vuông diện tích hoa màu, mồ mả của người dân địa phương.
Xung quanh các bãi bồi sản xuất hoa màu của phường Hương Xuân (Thị xã Hương Trà), hàng ngày xuất hiện nhiều tàu công suất lớn hút cát khiến những bãi bồi này bị sạt lở nghiêm trọng, diện tích trồng hoa màu của người dân ngày càng bị thu hẹp.
Anh Phan Bình (37 tuổi, trú tổ 8, phường Hương Xuân, Thị xã Hương Trà) cho biết, mỗi ngày có đến 3 – 4 chiếc đò trực tiếp hút cát tại khu vực này, trong khi đó hàng chục đò công suất lớn chở cát cả ngày lẫn đêm khiến đời sống sinh hoạt người dân xung quanh bị ảnh hưởng, xáo trộn.
“Do lòng sông Bồ bị khoét sâu nên dòng sông đã lấn sâu vào đất nhà của người dân.
Nhà tôi ở ngay cạnh bờ sông, các công trình phụ đã bị nghiêng từ 10 – 15 cm ngả ra theo hướng bờ sông khiến chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ nhà đổ, đặc biệt mỗi lần có mưa lớn”, anh Bình cho biết.