Điều vô lí nhất là: Đây là một điểm du lịch lí tưởng, có đủ mọi ưu thế để làm đẹp, làm giàu cho đất nước lại bị biến thành bãi rác do bên nào cũng có cái “lý” của... tiểu nông!
Con đèo độc nhất vô nhị
Đèo Hải Vân và Hải Vân Quan có một vị trí đặc biệt trong lịch sử Nam Tiến của dân tộc Việt Nam.
Năm 1301, sau khi đã nhường ngôi cho vua con, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã có chuyến Nam Du nhằm xiển dương Phập Pháp.
Chắc chắn vị thế hiểm yếu, hùng vĩ của Hải Vân đã là động lực mạnh mẽ nhất để Trần Nhân Tông xúc tiến nhanh việc gả con gái cho vua Champa Chế Mân để nhận sính lễ là dải đất từ sông Gianh đến sông Thu Bồn.
Vậy là, từ năm 1306, Hải Vân chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Đại Việt. Có thể nói, Trần Nhân Tông từ đỉnh Hải Vân, đã “nhìn thấy mũi Cà Mau xanh vời vợi” – coi Hải Vân như là sự khởi đầu cho cuộc hành trình Nam tiến kéo dài đến năm 1757 (450 năm!).
Giá trị lịch sử độc đáo ấy sẽ được nhân lên gấp bội khi ta biết rõ Hải Vân, với độ cao 490m so với mực nước biển, đường đèo quanh co trong mây trắng và sóng bạc, đủ sức thu hút bất kì du khách khó tính nào.
Thử hình dung việc nếu xây được một cơ sở hạ tầng chất lượng, sẽ có không ít khách du lịch đến nghỉ dưỡng ở đây – nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng và bãi biển Lăng Cô (Làng Cò) tuyệt đẹp...
Trên khắp cả nước ta, nếu đi từ Hà Nội đến Cà Mau, không thể tìm thấy con đèo nào hùng vĩ hơn thế, đẹp hơn thế và chẳng có địa danh nào có thể hội đủ được các giá trị tự nhiên - lịch sử - văn hóa đặc biệt như thế.
Vậy tại sao lại hoang phí một thắng cảnh vô giá cho mưa gió dập vùi?
Câu trả lời nằm ở cách nhìn, tầm nhìn xưa cũ.
Trước hết, phải nói rằng con người thời nay nhìn, hiểu chưa đúng cái vị thế của Hùng Quan.
Về nguyên tắc, dải đất mà vua Chiêm Chế Mân cắt dâng làm sính lễ kéo đến sông Thu Bồn (huyện Đại Lộc bây giờ) nhưng vị trí phòng thủ quan trọng nhất của lãnh thổ Đại Việt lại là đèo Hải Vân.
Nói cách khác, Hải Vân như là biên giới chính thức trên thực tế giữa hai quốc gia cổ xưa. Đệ Nhất Hùng Quan vừa là cụm từ nói về sự hùng vĩ của cảnh trí tự nhiên, đồng thời phản ánh vị trí cực kì quan trọng của nó.
Thế rồi, sau khi phân định địa giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng ngày nay), các cơ quan hành chính thời Nguyễn cũng như thời Pháp mặc nhiên một cách thờ ơ, coi vị trí cao nhất đó của con đèo là ranh giới giữa hai tỉnh và, nó chẳng là của ai cả.
Cái mê và cái hại của vấn đề nằm ở chỗ vì không là của ai nên đến khi nhìn thấy lợi ích đắc địa thì bên nào cũng muốn giành lấy, đặt nhà nước vào tình thế khó xử. Vì khó xử nên mới xảy ra nông nỗi như bây giờ.
Cả hai tỉnh, thành Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đều bị thiệt nhưng, đất nước thiệt hại nhiều hơn.
Thiệt hại đầu tiên là ở chỗ, Hải Vân trở thành nguồn khởi, phát sinh mâu thuẫn không đáng có giữa hai địa phương, nếu không giải quyết thì ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thiệt hại tiếp theo (như đã nói ở trên) là một vị trí giá trị như thế mà “bỏ quên”, để phí thì thật là thậm vô lí.
Với độ cao gần nửa cây số ấy, khu nghỉ mát ở đỉnh đèo giá trị không thua kém nhiều so với Đà Lạt, trong khi hơn hẳn Đà Lạt về môi trường biển, cảnh quan hai bên đèo.
Giải pháp ở đâu?
Tranh chấp giữa hai địa phương là “bài toán” cực khó – nếu không khó thì chẳng thể đau đầu như bây giờ. Nhưng, dẫu khó mấy cũng phải giải quyết.
Giải quyết để khai thông những bất đồng, giải quyết để mở ra một hướng mới cho phát triển du lịch và tất nhiên, để hoang phí một di tích - thắng cảnh như thế là có tội.
Xin hỏi cả hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng rằng, trên thế giới có rất nhiều thắng cảnh chung của hai quốc giầm người ta vẫn có thể giải quyết ổn thỏa, tại sao hai địa phương trong một nước lại không thể?
Ví dụ có nhiều lắm, mà điển hình nhất là thác Niagra chung giữa Mỹ và Canada.
Đối với hai địa phương cấp tỉnh, lẽ ra việc dung hòa – hợp tác về quyền lợi sẽ giản dị rất nhiều nhưng có lẽ cái khó nằm ở chỗ chẳng bên nào muốn hợp tác với bên nào.
Cách tốt nhất và khả dĩ nhất là sự can thiệp của Nhà nước.
Chính phủ có thể thành lập một cơ quan chuyên trách, trưng cầu ý kiến “giám định” của các chuyên gia về chứng cứ địa – lịch sử để sau đó đưa ra Quốc hội phán quyết.
Nếu cách làm này vẫn không thể tháo gỡ vướng mắc thì nên thành lập một công ty trực thuộc Bộ VH, TT – DL, và công ty đó có quyền trưng dụng đất đai của cả hai địa phương để khai thác hiệu quả nhất các lợi thế.
Dĩ nhiên, lợi nhuận sẽ được tính toán hợp lí cho cả nhà nước và địa phương.
Ở đây, xin nhấn mạnh là đỉnh đèo Hải Vân chỉ là một phần (quan trọng nhất) của dự án vì ai cũng biết đã từng có một công ty nước ngoài định khai thác Cửa Khẻm (cũng là vùng tranh chấp và quan yếu đến an ninh quốc gia) với vốn đầu tư rất lớn.
Tại sao “người ta” dám đầu tư (tính toán có lợi) mà ta lại không?
Đất nước còn nghèo. Sự “cách biệt” do tranh chấp giữa các địa phương còn làm cho đất nước nghèo hơn.
Nếu giải quyết được “bài toán Hải Vân Quan” thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích; trong đó, Hải Vân sẽ đóng vai trò là cầu nối thực sự giữa các Di sản thế giới – nối liền để gột sạch mọi vướng mắc, xóa mờ nếp cũ, tồn đọng xưa của vùng kinh tế - du lịch Hội An – Đà Nẵng – Huế...