Tranh chấp bộ ghế giá… 100.000 đồng
Theo bà Trần Thị Thì, SN 1924, ngụ ấp Bình Hòa (xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhờ ba chồng cho 100 công đất (gần 13ha) còn hoang vu ở Mỹ Khánh, vợ chồng bà đã đến đây khai hoang lập nghiệp từ thời Pháp thuộc.
Vì bộ bàn ghế cũ không bao nhiêu tiền mà tỉnh cảm mẹ con bị sứt mẻ
Bà Thì sinh 12 người con (2 người đã mất). Trong đó, ông Thái Văn Quới (SN 1950) được coi là con trai lớn bởi người con đầu lòng là nữ. Sau khi cưới bà Trần Thị Nhành, vợ chồng ông Quới được ưu tiên cho phần đất rộng rãi gần nhà cha mẹ ruột.
Bà Thì cho biết, năm 1974, ông Lê Văn Hoành ở Chợ Mới vì muốn kết thông gia với vợ chồng bà nên đã đồng ý bán rẻ bộ ghế salon bằng gỗ cẩm lai với giá 100.000 đồng coi như làm quà. Bộ ghế do ông Huỳnh Phước Nữa, em rể ông Hoành (hiện ngụ xã Hòa Bình, Chợ Mới), chở đến giao.
Do kẹt tiền nên bà Thì trả trước 50.000 đồng, sau một thời gian mới đưa hết số tiền còn lại. Sau khi chồng bà Thì mất, bà giữ bộ ghế trong nhà như một kỷ vật. Năm 1994, con gái bà là Thái Thị Giúp, do mới cất nhà nên sang mượn bộ ghế về trang trí, đến năm 2006 thì trả lại.
Năm 2007, ông Thái Văn Quới gả con gái út nên sang mượn bà bộ ghế để tiếp đón thông gia. Tuy nhiên, sau đó ông Quới không chịu trả lại mà cho rằng bộ ghế do ông bán heo mua với giá 45.000 đồng vào năm 1974.
Ông Quới thậm chí còn dùng nhiều lời lẽ khó nghe mắng mẹ của mình, đòi “chặt đầu bà như… chặt chuối”. Từ đó, câu chuyện tranh chấp bộ ghế đã làm xôn xao dư luận tại xã Mỹ Khánh, trở thành để tài bàn tán sôi nổi ở chợ, quán cà phê, bến đò…
Có còn tình mẹ con?
Sau 2 lần Ban ấp Bình Hòa tổ chức hòa giải không thành nên đã chuyển ra vụ việc ra Ban hòa giải xã Mỹ Khánh. Ngày 30/5/2012, ông Phạm Quang Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, đã chủ trì buổi hòa giải giữa bà Thì và ông Quới.
Do cả 2 đều bảo vệ ý kiến bộ ghế là của mình nên Ban hòa giải đã yêu cầu bà Thì mời nhân chứng là ông Huỳnh Phước Nữa đến giải quyết.
Ngày 11/6, ông Phạm Quang Đệ tiếp tục chủ trì hòa giải với sự có mặt của ông Huỳnh Phước Nữa. “Năm 1974, tôi có chở bộ ghế do anh vợ tôi là Lê Văn Hoành bán cho bà Trần Thị Thì với giá 100.000 đồng và bà Thì đã trả tiền 2 lần, mỗi lần là 50.000 đồng”, ông Nữa xác nhận tại Ban hòa giải xã Mỹ Khánh.
Tuy nhiên, ông Quới lại cho rằng bộ ghế mà ông Nữa chở qua không phải giá 100.000 đồng mà chỉ có giá 45.000 đồng và ông đã trả số tiền này cho người bán là ông Lê Văn Hoành.
Ý kiến này khác với biên bản làm việc ngày 30/5 khi ông Quới nói rằng: “Vào năm 1974, tôi có bán con heo, mẹ tôi mua bộ ghế không có tiền trả nên kêu tôi trả 45.000 đồng” (đưa tiền trực tiếp cho ông Nữa).
Theo ông Phạm Quang Đệ, trong lúc hòa giải, Ban hòa giải đã nhiều lần nhắc đến “tình mẹ con” để 2 bên thỏa thuận mà thống nhất lại.
Tuy nhiên, vợ chồng ông Thái Văn Quới vẫn không đồng ý trả lại bộ ghế mà yêu cầu chuyển hồ sơ lên TAND TP.Long Xuyên. Bà Trần Thị Thì vì muốn giữ lại kỷ vật của chồng nên cũng đã nộp đơn khởi kiện giành quyền sở hữu bộ ghế ra tòa và đã được thụ lý hồ sơ chờ xét xử.
Trong 10 người con còn sống của bà Thì, có 9 người xác nhận bộ ghế là do cha mẹ mình mua để trong nhà, chỉ có ông Thái Văn Quới là khăng khăng rằng do ông bỏ tiền ra mua về.
Bà Thái Thị Tiếm, người con gái đang sống chung với bà Thì, cho biết trong lúc vụ việc còn đang hòa giải, để hàng xóm khỏi cười chê, bà cùng các anh chị đã sang nhà ông Quới thỏa thuận mua lại bộ ghế với giá 1 triệu đồng mang về cho mẹ vui.
Tuy nhiên, ông Quới tuyên bố thẳng thừng: “10 triệu tao cũng không bán nói gì 1 triệu”. Thậm chí, khi hòa giải ngoài tòa, dựa vào chứng cứ, TAND TP.Long Xuyên đã khuyên vợ chồng ông Quới nên trả lại bộ ghế cho mẹ mình bởi nếu đưa ra xét xử, khả năng bà Thì thắng kiện là rất lớn.
Tuy nhiên, nàng dâu Trần Thị Nhành lập luận rằng, bà đồng ý trả lại bộ ghế cho mẹ chồng nhưng yêu cầu tòa phải ghi là… bộ ghế do vợ chồng bà cho bà Thì chứ không phải trả lại. Trước sự cố chấp của đôi vợ chồng đã ngoài 60 tuổi, TAND TP.Long Xuyên cũng “bó tay”, buộc đưa sự việc ra xét xử.
Bà Tiếm bức xúc: “Mọi người nể ông Quới là anh trai trưởng trong nhà nên việc gì cũng nhường nhịn. Ba mẹ cho vợ chồng ông đất đai, vườn tược nhiều hơn mấy anh em khác, nhưng ông cứ lấn ranh, giành đất hoài.
Do không muốn hàng xóm chê cười nên chúng tôi nhường nhịn. Nay đến bộ ghế kỷ niệm của gia đình, là niềm động viên cho mẹ già, vợ chồng ổng cũng giành. Thật không chịu nổi. Đâu phải ông nghèo khó gì đâu. Nhà dư ăn dư để mà cái gì cũng muốn chiếm đoạt”.