Trời Hà Nội lạnh thấu xương khi đêm về nhưng nhiều góc phố, tuyến đường, không khí náo nhiệt không kém ban ngày. Đem tết về phố, nhiều người phải chịu cảnh co ro trong giá rét để trông đào, quất, mai… với hi vọng năm nay được mùa cả ở vườn lẫn ngoài chợ.
Những ngày này, đủ loại sản vật khắp mọi miền đất nước đang kéo về hội tụ ở Thủ đô. Trên các tuyến đường Lạc Long Quân, Hồ Tùng Mậu, Âu Cơ, Giải Phóng… bạt ngàn đào, quất, mai, lan rực rỡ khoe sắc, mời mọc người chơi hoa.
Ngồi co ro trông đào, quất tết.
Gần 2h sáng, sương muối đặc quánh táp vào mặt người càng làm cho cái lạnh của Hà Nội thêm tê tái. Trên đường Hồ Tùng Mậu, từng tốp xe tải nhỏ đeo biển các tỉnh vẫn nườm nượp chở tết về phố. Chạy đến đoạn gần nghĩa trang Mai Dịch, một lái xe giọng khàn khàn của người bị viêm họng do nhiễm lạnh cố quát to để mấy người ngồi trong lều dứt câu chuyện ra dỡ đào quất xuống, kịp về Hưng Yên chở thêm một chuyến nữa trước giờ cấm xe vào thành phố.
“Nhọc nhằn quanh năm suốt tháng chăm bẵm cho từng gốc cây, nhành hoa… đến ngày hái quả càng làm chúng tôi thấp thỏm. Không biết thành quả lao động cả năm có bù lại công sức, tiền bạc, thời gian bỏ ra hay lại lỗ như năm ngoái. Nghề trồng hoa như chúng tôi chẳng khác nào đánh bạc với thời tiết. Được mùa cả năm nhưng khi đem đào, mai ra Thủ đô chỉ cần nắng to vài hôm hoa bung ra hết là lỗ chổng vó”, anh Phái, người trồng hoa ở Như Quỳnh (Hưng Yên), tâm sự.
Màn trời, chiếu đất người bán hoa tết phải ở ngoài Hà Nội gần nửa tháng
Anh Phái cho biết, hai hôm nay anhđã bỏ ra hơn chục triệu đồng tiền thuê xe, đóng phí vỉa hè, tiền ăn ở nhưng chưa bán được cây nào. Kinh tế khó khăn, anh Phái dự đoán người chơi hoa chắc chắn sẽ tiết kiệm. Nhưng mấy sào đào, quất chăm bẵm cả năm nên anh đành phải đem lên Hà Nội bán gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó.
Hàng ngàn mét vuông trên vỉa hè Hồ Tùng Mậu đã được xếp kín hoa tết. Trong ánh đèn cao áp mập mờ, chúng tôi vẫn thấy mùa hoa năm nay đẹp đến thế nào. Hàng trăm túp lều tạm bợ được dựng lên trông hoa tết. Để xua đi cái rét cắt da, cắt thịt giữa đêm đông, những bếp lửa được nhóm lên.“Màn trời, chiếu đất thế này có đắp cả vài lượt chăn, mặc vài lượt áo cũng không đủ ấm. Đêm nào chúng tôi cũng phải đốt lửa nhâm nhi vài chén trà hoặc nấu nướng thứ gì đó ăn cho hết đêm”, anh Hùng, quê Hưng Yên nói.
Rời túp lều của anh Hùng chúng tôi gặp ông Văn. Năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn cùng con trai ra Hà Nội bán hoa tết. Tay lăm lăm cái điếu cày ôngNăm đảo một vòng quanh “vườn” đào, quất được “trồng” từ chiều. Thỉnh thoảng ông lại cầm bình nước bơm vào mấy gốc cây đất bị khô.“Anh em chúng tôi bảo ông ở nhà nhưng vì muốn tận mắt thấy công sức lao động của gia đình được trả giá thế nào nên gần chục năm nay, năm nào ông cũng ra đây cùng con cháu”, anh Dũng (con trai ông Văn) cho biết.
Hàng chục túp lều tạm bợ được dựng tạm trên đường Hồ Tùng Mậu.
Theo anh Dũng, bán hoa trên đường Hồ Tùng Mậu phần lớn là người Hưng Yên và Hải Dương. Trong gần chục năm gia đình anh chở tết về phố, cũng có năm được năm thua. Anh Dũng cho biết, tự tay sản xuất và đem bán như gia đình anh nếu không bán được thì chở về vườn trồng lại để sang năm bán tiếp. Còn nhiều người đi buôn nếu không bán được thì thiệt hại rất lớn.“Tôi chứng kiến nhiều người bỏ cả trăm triệu ra lấy hàng, nhưng bán được chỉ vài chục triệu thế là mất toi cả năm tích góp”, anh Dũng nói thêm.
Hơn 3h, đi trên đường Lạc Long Quân, chúng tôi như lạc giữa rừng hoa đào. Anh Bình, một người buôn đào rừng lâu năm, cho biết, đào cành, đào cổ thụ hội tụ về đây khoảng 3 ngày nay. Giá đào rừng cũng rất đa dạng từ vài trăm đến vài chục triệu cũng có. Đào rừng trồng thì chẳng mấy nhưng khai thác ngày càng nhiều nên giá ngày càng đắt đỏ hơn. Đặc biệt là giống đào Mộc Châu có thương hiệu, cành đốt ngắn, nụ và chồi mọc chi chít từ gốc tới ngọn, còn hoa đào phớt hồng, vỏ đào thì xù xì, mốc meo có màu đen hoặc màu cẩm thạch đang ngày càng hiếm dần.
Để có được cành đào đẹp đem về Hà Nội bán, anh Bình cho biết, phải vào rừng đặt cả tháng nay. “Đào rừng ngày càng khó săn nhưng nhờ có mối làm ăn lâu năm nên dân chơi loại nào chúng tôi cũng có nhưng chỉ e giá ngày càng đắt đỏ”, anh Bình nói.
Trời gần sáng, những chuyến xe chở tết về phố càng tấp nập hơn. Những người bán đào lại bắt đầu hi vọng một ngày bán hàng bội thu để kiếm được cái tết ấm no cho gia đình.
Theo Quang Phong
Dantri.com.vn