Nghề bấp bênh và nhiều rủi ro
Sau cái chết của ông hoàng nhạc Pop Micheal Jackson, trào lưu bắt chước ca sĩ này lại càng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết, càng ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố những người tự cho là “truyền nhân của Mai-cồ”.
Nhân vật được cho là người khởi xướng trào lưu đường phố này là Mai-cồ Điền. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Điền bỏ học lên thành phố để mưu sinh khi mới 15 tuổi.
Cơ duyên đã đưa đẩy Điền đến gặp “bầu” Hải là chủ một "xe kẹo kéo". Từ đó Điền đi hát ngày hát đêm và được chia một phần số tiền.
“Búa rìu” dư luận
Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều “show” của các cậu bé “tiểu Mai-cồ” trên những con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, dư luận đã dấy lên rất nhiều những luồng ý kiến trái chiều.
Ở nước ta, các "tiểu Mai-cồ" hát rong trên đường phố giờ cũng không hiếm, nhưng không có quy định cụ thể nào mang tính hợp thức hóa nghề này.
Khách quan mà nhìn nhận thì những ý kiến chỉ trích các “tiểu Mai-Cồ” cũng không phải là hoàn toàn vô lí. Thế nhưng với nghệ thuật lại khác, dù phải hành xử theo cái lý thì cũng không thể thiếu cái tình.
Nếu theo lý, rõ ràng việc nhảy nhót giữa đường phố là “đùa giỡn với tử thần”. Thế nhưng nếu nhìn xa xa ở bên kia góc đường có một gã nào đó đang ngồi hí hửng chờ thu lợi đến 80% sản phẩm mà cậu bé “tiểu Mai-cồ” làm ra thì mọi người nên thương hơn là ghét.
Nên có quy định để hợp thức hóa
Ở Việt Nam, hát dạo chưa bao giờ được xem là một nghề nghiệp chính thống. Những người “biểu diễn rong” cũng chưa bao giờ được coi trọng cả và cũng thường bị đánh đồng với cả … ăn xin. Thế nhưng ở các nước phát triển thì “biểu diễn rong” đã được hợp thức hóa một cách quy củ.
Tại Đức, đã có những điều luật riêng cho những người hành nghề biểu diễn tại nơi công cộng. Tháng 6/1996, thành phố Freiburg của Đức – nơi được mệnh danh là “thánh địa Mecca” của âm nhạc đường phố đã ban hành những điều luật cụ thể đối với người “biểu diễn rong” với các quy định như: Người nghệ sĩ biểu diễn đường phố phải được cấp phép giấy tờ từ Sở Cảnh Sát; Các ngày làm việc (từ thứ 2 đến thứ 6) chỉ được biểu diễn từ 11h – 12h30 và 16h30 – 21h. Ngày nghỉ được (bao gồm thứ 7 chủ nhật và các ngày lễ) thì được biểu diễn từ 11h đến 20h;
Chỉ được biểu diễn ở trên vỉa hè nơi ngã tư đường; Không được biểu diễn tại một nơi quá nửa tiếng đồng hồ. Phải chuyển địa điểm biểu diễn đến một nơi khác và không được quay lại địa điểm cũ trong ngày; Cấm sử dụng các loại loa phóng thanh và tránh để tụ tập đám đông làm tắc nghẽn vỉa hè…
Việt Nam có nên hợp thức hóa “biểu diễn rong” là một nghề thông qua các điều luật không?
Trên thực tế, nếu hợp thức hóa “biểu diễn rong” thì việc kiểm soát các “nhạc công thành Bremen” là dễ dàng hơn rất nhiều, và biết đâu được trong tương lai một Hà Nội hay một Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn bởi những thứ âm nhạc đường phố ấy?