"Cò" lấy chồng Trung Quốc lộng hành ở miền Tây

Không chỉ đưa hàng kém chất lượng về nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, thu mua thủy sản giá cao rồi giựt nợ, khuyến khích nông dân làm ăn gian dối, đánh bắt kiểu tận diệt (trộn gạo thường với gạo thơm, thu mua mực nhỏ từ 3-6cm), "khách du lịch" Trung Quốc giờ đây còn vươn vòi về tận những vùng nông thôn hẻo lánh ở đồng bằng sông Cửu Long để lôi kéo phụ nữ, dưới hình thức “kết hôn”.

	Lê Gi. (Sóc Trăng) và người chồng Trung Quốc.

Lê Gi. (Sóc Trăng) và người chồng Trung Quốc.

Một ngày đầu tháng 6/2013, chúng tôi nhận được điện thoại của bạn đọc: “Chị xuống P.Thốt Nốt, Q.Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) mà xem, người Trung Quốc cứ hai ba bữa lại tập trung một lần, công khai coi mắt, bắt gái”.

Theo chỉ dẫn của bạn đọc này, chúng tôi đến khu vực Long Thạnh A, P.Thốt Nốt, thấy nhóm đàn ông ngồi xì xầm bằng tiếng Trung Quốc trong một tiệm tạp hóa rồi sau đó được một phụ nữ dẫn đi.

Một người dân ở khu vực này cho biết, tiệm tạp hóa là gia đình của một cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc, sau đó ly hôn rồi trở về địa phương sinh sống. Vài tháng qua, căn nhà đó trở thành điểm hẹn của nhiều người đàn ông Trung Quốc “đến chơi”.

Bà Lý Như Thảo, trưởng KV Long Thạnh A, cho biết, chỉ trong vòng hai tháng gần đây, trong khu vực đã có bốn phụ nữ xin xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo bà Thảo, hiện đang xuất hiện một chiêu thức mới của bọn cò mồi.

Trước đây, họ gom các cô lại cho người nước ngoài xem mặt chọn vợ thì nay tổ chức đường dây đưa hẳn người Trung Quốc sang Việt Nam theo dạng du lịch, sau đó đưa đến tận nhà các ứng viên, nếu hai bên thuận tình, “cô dâu” sẽ đi xin giấy chứng nhận độc thân, “chú rể” chi ít tiền cho gia đình rồi đưa cô dâu đi ngay, sau đó mới quay lại hợp thức hóa giấy tờ.

Tương tự ở Thốt Nốt, bà Nguyễn Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ kể, trong một lần cán bộ Hội PN huyện đi công tác đến nhà dân, đã bắt gặp nhà bên cạnh có đến năm-sáu người Trung Quốc đang “xem mắt” mấy cô gái. Bức xúc, bà báo cho công an. Sau đó người của Hội nhận được nhiều tin nhắn hăm dọa từ những người mai mối.

Ông Triệu Tha, Trưởng ban nhân dân khóm 9, P.3, TP. Sóc Trăng đưa chúng tôi đến thăm gia đình của ông Sơn Sa Mây và bà Thạch Thị Kim Lan, gia đình đã có hai người con gái kết hôn cùng hai người Trung Quốc. Ông Sa Mây cho biết: “Hai đứa con gái đám cưới cùng một ngày và đã theo chồng qua Trung Quốc”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, cán bộ tư pháp P.3, TP. Sóc Trăng: “Trung bình một năm phường có khoảng 50 người đi lấy chồng nước ngoài, gần đây thì rộ lên phong trào lấy chồng Trung Quốc”.

	Nh. đã phải chạy trốn người chồng Trung Quốc ngay trong đêm tân hôn

Nh. đã phải chạy trốn người chồng Trung Quốc ngay trong đêm tân hôn

Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng Công an Q.Thốt Nốt cho biết, tại địa phương hiện đang xuất hiện khá nhiều người Trung Quốc. Từ tháng 2 đến tháng 4/2013, đã có hai đoàn khách Trung Quốc, mỗi đoàn khoảng 10 người đàn ông đến đăng ký nghỉ đêm tại khách sạn Tô Châu (P.Thốt Nốt, Q.Thốt Nốt). Nhóm người này đi theo dạng du lịch, có hướng dẫn viên và giấy tờ đầy đủ.

Theo nguồn tin của bạn đọc, các hoạt động xem mắt, mai mối cho người Trung Quốc diễn ra rất công khai nhưng không hề thấy cơ quan chức năng can thiệp.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thới Đông khẳng định, hoạt động mai mối ở địa phương chị nắm khá rõ nhưng không có chức năng can thiệp. Người dân bức xúc báo công an xã, nhưng công an xã trả lời là để công an huyện làm việc. Cho đến nay, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường.

Thượng tá Trần Minh Khải, Phó trưởng Công an huyện Cờ Đỏ cho biết, khi phát hiện khách du lịch cư trú bất hợp pháp, công an chỉ có thể đẩy đuổi, trục xuất những người này ra khỏi địa bàn. Còn việc người ta đến làm quen, giao lưu với người dân địa phương thì không thể ngăn cản.

Cơ quan chức năng tuy nắm khá rõ những người có hoạt động mai mối nhưng rất khó xử lý, vì nếu việc mai mối có thu lợi nhuận mới xử lý được. Hơn nữa, cho đến nay chưa có ai tố cáo việc này.

Sau khi tìm hiểu nhiều chị em, bà Nguyễn Thúy Hằng nhận thấy, gần như các cô dâu Việt và gia đình không đòi hỏi gì cả, cũng không cần biết tường tận về chú rể, về nơi mình sẽ gửi gắm thân phận cả đời, bất chấp cảnh xa xứ mà chỉ mơ về một tương lai rực rỡ, được đi xa và có tiền phụ giúp gia đình.

Việc người Trung Quốc đến tận nhà tìm cô dâu cũng là một kiểu khiến họ yên tâm. Để ngăn chặn những hậu quả khó lường từ việc này, các cấp Hội chỉ có mỗi thứ “vũ khí” là tuyên truyền, vận động, nhưng nói suông cũng ít ai nghe!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại