Người dân ở ven sông Đà thuộc huyện Phù Yên (Sơn La) có thể liệt kê ra hàng chục cặp vợ chồng hoặc người yêu nhau cùng chết cách nhau vài ngày vì họ đã làm bùa thề.
Câu chuyện về bùa thề cứ huyễn hoặc, nửa thật, nửa ma quái chẳng biết đường nào mà lần, nhưng với người dân ở đây thì nó mang một ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc.
Khi đã làm bùa thề thì cái chết cũng không chia rẽ được họ.
Chuyện bùa thề đã đi vào huyền thoại, vào Mo Mường mà tất cả các già làng đều thuộc. Họ thường kể cho con cháu của bản nghe mỗi đêm bên bếp lửa bập bùng, bên bình rượu đắm say…
Theo địa chỉ mà đồng bào trong vùng cung cấp, tôi tìm vào bản Mùng, nơi có thầy mo Pướn, là người chuyên làm bùa thề, được đồng bào Mường tín nhiệm nhất.
Từ trung tâm xã Nam Phong vào đến nhà thầy Pướn phải trèo núi mất buổi sáng. Nhà thầy nằm cheo leo trên mỏm đá, làm toàn bằng gỗ pơ-mu, thứ gỗ có sẵn trong những cánh rừng sau nhà thầy.
Gia cảnh thầy cũng khá nghèo khó. Thầy độ 50 tuổi, dáng người lam lũ, nhưng đôi mắt tinh anh, hiền từ.
Sông Đà.
Thầy Pướn kể cho tôi hàng trăm câu chuyện kỳ bí và hiệu nghiệm về bùa thề. Thầy khẳng định rằng chỉ làm vì đức chứ không phải vì tiền, bởi nếu thầy bùa trục lợi thì sẽ mất thiêng. Bên bếp lửa bập bùng giữa cái rét cắt da thịt vùng sơn cước, thầy Pướn kể cho tôi nghe truyền thuyết về bùa thề.
Ngày xửa ngày xưa, hồi bản Mường mới hình thành, còn là nô lệ của bọn thổ ti, trai gái sinh ra đã là trâu, là ngựa của chúng. Một cô gái con nhà nông, sinh ra và lớn lên ở chuồng trâu, chuồng ngựa nhà thổ ti, mặt mũi đen nhẻm, lúc nào phân trâu phân ngựa cũng bám đầy người, đầy mặt. Thấy cô bẩn thỉu, hôi thối nên bọn nhà tổ ti không để ý đến.
Hình vẽ bùa yêu.
Một ngày, cô gái xua đàn ngựa lên sườn núi rồi xuống suối tắm. Bất chợt, một chàng trai ở bản cạnh dắt dê đi qua nhìn thấy. Cô gái mới lớn đẹp như tiên giáng trần. Chàng trai si tình ngỏ lời và họ yêu nhau.
Khi về nhà, cô gái lại lấy phân trâu, phân ngựa bôi lên quần áo, mặt mũi. Thế nhưng, một ngày hai người đang ngồi tình tự bên bờ suối, tên thổ ti đi săn ngang qua thấy được, hắn ngỡ ngàng trước sắc đẹp của cô và bắt cô về.
Chàng trai buồn thương ngồi bên suối khóc khô cả hai con mắt. Cảm động trước mối tình đó mà một bà lão có mái tóc bạc phơ xuất hiện. Bà đã làm bùa thề cho hai người. Làm bùa thề xong, dù hai người không ở bên nhau song tâm hồn đã hòa làm một.
Hai cụ già người Thái ở Sơn La này đã làm bùa thề và họ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Từ khi làm bùa, cô gái héo hon rồi chết bên bờ suối, chàng trai cũng nằm bên cô gái và tắt thở. Họ chết biến thành hai dãy núi nằm dọc sông Đà, nhìn từ xa ẩn hiện trong mây mờ như đôi tình nhân đang quấn quýt lấy nhau.
Từ đó, hễ cô gái nào đã làm bùa thề thì bọn nhà thổ ti không để ý nữa. Bùa thề chính là lời tuyên chiến đối với những thế lực có ý định ép duyên.
Truyền thuyết này là xuất xứ của cái gọi là bùa thề. Bùa thề không phải ai cũng làm được. Thông thường chỉ có một thầy mo hoặc thầy cúng trong bản là truyền nhân của những người làm bùa thề từ đời trước làm được thôi.
Thầy bùa Hoàng Văn Nhẻo ở Tân Sơn có tới 20 vợ, nhưng cuối đời lại cô đơn một mình.
Rất nhiều cặp vợ chồng ở xã Nam Phong, Huy Phong, Tân Lập, Tường Tiến thuộc huyện Phù Yên đã làm bùa thề để mong yêu thương nhau suốt đời.
Hầu hết các cặp vợ chồng hoặc đôi uyên ương đều giấu nhẹm chuyện làm bùa thề. Họ coi đó là bí mật, kể ra sẽ mất thiêng.
Thế nhưng, vợ chồng anh Hà Tiến và chị Lò Thị Em ở Tường Tiến lại không giấu giếm chuyện làm bùa thề.
Chị Em kể, làm bùa thề rất phức tạp. Thầy bùa phải chủ trì buổi cúng bái dài tới 12 ngày.
Bước đầu tiên là làm hai hình nhân, yểm thần chú trong suốt quá trình cúng bái 12 ngày. Khi kết thúc lễ cúng, hai hình nhân được thầy mo chôn cùng một chỗ.
Bước thứ hai là lấy máu của hai người hòa làm một. Thầy mo yểm bùa vào bát máu pha rượu rồi hòa với nước sắc từ loại lá cây đặc biệt mà thầy mo tận tay lấy từ đỉnh núi cao nhất cho hai người cùng uống.
Làm hình nhân và uống rượu máu để hài hòa thân xác, biến hai người thành một, cùng hưởng niềm vui, cùng chung hoạn nạn.
Bước kéo dài và phức tạp nhất là hài hòa tâm hồn hai người làm một. Thầy mo phải cúng liên tục trong cả chục ngày.
Anh Tiến và chị Em đã làm bùa thề.
Chàng trai và cô gái như thể bị yểm bùa, không còn điều khiển được tâm trí, cứ thế kể hết tội lỗi, điểm tốt, tính xấu, không giấu điều gì.
Lễ cúng xong thì tâm hồn và thể xác hai người đã hòa hợp, họ hiểu nhau đến mức như hiểu bản thân mình.
Bùa thề hiệu nghiệm, hai người không thể rời nhau được nữa, họ phải trọn đời, trọn kiếp bên nhau đến khi chết. Ngoài ra, mỗi người còn được thầy mo làm cho một tấm gỗ mỏng đã yểm bùa để cầm theo mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Có thể nói, bùa thề đã là một nét tâm linh quan trọng trong đời sống của đồng bào Mường nơi đây. Với các cặp tình nhân và các đôi vợ chồng thì bùa thề như niềm tin để có được một tình yêu vĩnh hằng. Bùa thề là chất men để rượu tình thêm say nồng.
Tuy nhiên, cũng không phải không có mặt trái. Vì lợi ích kinh tế mà một số thầy mo, thầy cúng đã biến nét văn hóa đặc sắc này thành trò kiếm chác, lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin.
Thạc sĩ thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân kể một câu chuyện có thật mà anh đã tham gia điều trị. Câu chuyện này có nét tương đồng với bùa thề:
Chuyện rằng, có một nhà khoa học trong nước sang Tây Tạng nghiên cứu. Một pháp sư gặp ông và bảo: Đúng 101 ngày sau ông sẽ chết! Thượng đế chỉ cho ông làm việc 100 ngày nữa thôi, nên ông cố gắng hoàn thành mọi việc đi.
Không hiểu lời nói của vị pháp sư kia ghê gớm như thế nào, mà nhà khoa học này mất hết cả lý trí. Ông đã hoàn thành nốt vài công việc, rồi dặn dò con cháu chuyện hậu sự.
Đến ngày thứ 90 thì ông không ăn uống, không làm được việc gì nữa. Con cháu đưa đi tất cả các bệnh viện, gặp các bác sĩ đầu ngành, song không tìm ra bệnh gì. Đến ngày thứ 99 thì cơ thể không tiếp nhận dịch truyền nữa.
Bệnh viện đã bó tay, đề nghị gia đình chuẩn bị hậu sự. Đúng lúc đó, một người con đã nhờ vả anh Quân. Theo lời kể của gia đình, thì ông đã bị một pháp sư Tây Tạng yểm bùa, nên chỉ sống được 101 ngày. Như vậy, chỉ còn 2 ngày nữa, ông sẽ rời cõi trần.
Bác sĩ thì không tin có chuyện yểm bùa, nhưng lại không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Nhưng với những chuyên gia thôi miên, thì hiện tượng này gọi là hiệu ứng NOCEBO.
Anh Quân đã dùng phương pháp thôi miên sâu và duy trì giấc ngủ sâu của nhà khoa học này suốt 3 ngày, từ ngày thứ 99 đến ngày 102.
Khi ra khỏi trạng thái thôi miên, câu đầu tiên mà nhà khoa học hỏi là ngày thứ bao nhiêu? Khi biết đã sống đến ngày 102, ông liền bật dậy đi lại và bảo: “Thế là ta không chết được rồi!”. Mấy năm nay, ông vẫn sống khỏe mạnh và không bao giờ tin vào những câu nói đầy sự ám ảnh như thế nữa.
Câu chuyện của Thạc sĩ thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân đầy vẻ huyền hoặc, nhưng nó là hiện tượng có thật, thậm chí là phổ biến. Chuyện người dân đổ xô gặp lang băm chữa bệnh kiểu quái gở, dị đoan, kéo nhau đến khu vườn ngồi chữa bệnh, rồi chuyện đi cầu thai khiến cái bụng bỗng to tướng là điều có thật. Đó là sự ám thị quá nặng nề.
Câu chuyện của Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân phần nào lý giải hiện tượng các cặp vợ chồng, các đôi yêu nhau cùng chết, mà nguyên nhân là sự ám thị, chứ không phải do một loại bùa chú bí ẩn nào đó.
Theo Quân Lê
VTC