Sau gần 50 năm bặt tin, cả cô giáo và học trò đều nghẹn ngào khi bất ngờ hội ngộ.
Năm 1956 sau khi học xong sư phạm liên khu 3, cô về xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) dạy học. Gia đình thuộc thành phần tiểu tư sản nên cô phải thoát ly, sống và lao động cùng dân. Ngày ấy, ngoài giờ dạy, cô Phúc giúp dân phơi thóc, phơi rơm, băm bèo cho lợn. Có lúc tay ngứa lắm nhưng cô không dám kêu. Tối đến, cô lại dạy lớp bình dân cho cán bộ xã, có khi phải đi theo đội cải cách. Buồn và nhớ nhà nên mỗi khi tan học cô lại níu học sinh lại dạy hát.
Lớp 4 cô dạy, số lượng học sinh của xã Mai Lâm ít quá nên phải kết hợp với xã Đông Hội để đủ một lớp. Mai Lâm 33, Đông Hội 15 em với nhiều độ tuổi khác nhau cùng tụ tập về mái đình thôn Mai Hiên học tập. Học trò lớn nhất lớp tên Duy, là lớp trưởng và bằng tuổi cô giáo. Còn học trò nhỏ nhất, ở xã Đông Hội là Nguyễn Phú Trọng .
Lớp học đặt ở tả mạc, không có cửa nên rất lộng gió, bàn ghế thì cọc cạch, chân thấp chân cao. Sân đình được dùng để phơi lúa nên những ngày nắng, lớp học nóng hầm hập vì hơi lúa bốc lên, ngày mưa học trò phải dồn lại một bên để tránh ướt.
"Cực nhất là những ngày mùa đông, cứ mỗi cơn gió thổi, cô trò lại co ro, môi thâm tím, run cầm cập", cô Phúc kể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cô giáo cũ.
Là lớp ghép của hai xã, khi học được một thời gian, Đông Hội lại mở lớp 4 nhưng 15 học sinh Đông Hội ở lớp cô vẫn không chịu rời cái lớp học nơi đình làng. Cô Phúc vô cùng hạnh phúc vì được học sinh lưu luyến, tin yêu.
Bé nhất lớp nên cô muốn đưa Trọng lên bàn đầu ngồi. Nhưng cậu không chịu rời bàn thứ tư, cạnh lớp trưởng Duy. Cô giáo đoán chắc Trọng đi học nhờ trường bạn, lại bé nhất lớp nên không dám rời lớp trưởng.
Giữa đám học trò lam lũ đủ mọi lứa tuổi, học trò Trọng có ấn tượng sâu sắc nhất với cô bởi nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp. Trò Trọng ngày ấy tóc để mái chéo, không đen hẳn mà hơi hoe vàng, nước da trắng xanh. Trong lớp, cậu rất thông minh, giơ tay phát biểu rất hăng say, chữ viết tròn và đẹp.
Trò Trọng đi học từ nhà ở thôn Đông Trù phải qua thôn Lê Xá, vượt qua một cánh đồng mới đến được lớp. Quãng đường dài gần 3km toàn đường đất, rất khó đi, nhất là vào những ngày trời mưa dầm, cậu học trò nhỏ phải cố bấm ngón chân xuống đường cho khỏi ngã.
"Suốt thời gian học lớp 4 cậu chỉ mặc mỗi bộ quần áo nâu, không kể đông hay hè. Đó là chiếc áo bà ba xẻ tà, quần màu nâu, đi chân đất" - cô Phúc kể.
Cuối năm học, vì trò Trọng là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, đứng vị trí thứ nhất nên được báo cáo điển hình trước toàn trường. Khi biết tin vui đó, cậu lại rất ngại, khuôn mặt ngây thơ cứ ngẩn ra vì không biết phải nói gì trước đông đảo thầy cô và bạn bè. Cô Phúc phải hướng dẫn cho học trò cách viết báo cáo, kể lại phương pháp học tập để các bạn noi theo.
"Trọng nói, ở lớp em chỉ chăm chú nghe giảng thôi, em thấy phân số khó nên những bài cô chữa trên bảng em ghi hết, về viết lại rồi học. Còn môn văn, khi cô chữa ở bên lề, em về nhà chép lại, bỏ những chữ cô gạch và thêm những từ cô cho vào, đọc lại để rút kinh nghiệm lần sau. Lúc trò Trọng lên báo cáo, nhân dân Đông Hội rất phấn khởi còn tôi thì ứa nước mắt vì cậu trò nhỏ ngây thơ vẫn mặc bộ quần áo nâu, chân đất như mọi ngày", cô Phúc ngậm ngùi.
Khác với bây giờ, học sinh hồi ấy khi học xong lớp 4 phải thi lên cấp hai. Cô Phúc nhớ, khi trò Trọng lên học trường cấp 2 Nguyễn Gia Thiều, trò vẫn thường cùng anh lớp trưởng Duy đến thăm cô. Sau đó, cô chuyển nhà đi nơi khác nên hai cô trò mất liên lạc.
Sau hai năm dạy lớp 4, cô Phúc đi học và ra dạy cấp 2, môn Toán. Cô nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Năm 2001, sau khi dự buổi họp mặt với học sinh lớp 4 năm ấy, có em báo tin "Cô ơi, học trò Phú Trọng bây giờ làm to lắm".
Khi về nhà, nhớ về cậu trò nhỏ học giỏi nhất lớp năm xưa, cô nghĩ học sinh của mình nhiều, em nào trưởng thành thì càng phấn khởi vì đó là món quà quý nhất cho nghề giáo. Vài hôm sau cô viết xong bài thơ với tựa đề "Người trò nhỏ năm xưa" (tặng N.P.T).
Thế nhưng mãi đến năm 2005, cô mới có dịp đọc bài thơ này ở hội thơ nhà giáo. với đề là tặng N.P.T. Cô không ngờ, chính bài thơ đó đã giúp "Người trò nhỏ năm xưa" tìm lại cô giáo mình.
Hôm đó, đang làm việc nhà thì cô nhận được điện thoại. Vừa bắt máy, đầu dây bên kia đã hồ hởi: "Gần 50 năm rồi em mới được nghe tiếng nói của cô, em vẫn còn giữ cuốn học bạ có chữ ký của cô đấy ạ, em sẽ đến thăm cô". Cô Phúc sững sờ khi biết đó là vị lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng, nhưng cô vội gạt đi: "Anh đã làm việc lớn, phục vụ nhân dân là quý lắm rồi, anh bận nên không phải đến thăm cô đâu".
Đã gần 80 tuổi, cô Phúc tham gia các câu lạc bộ thơ và giúp cháu học bài. Ảnh: Hoàng Thùy.
Vài hôm sau, ông đến thăm cô. “Trò Trọng đến khi tôi đang chuẩn bị cơm chiều, kể cũng tài, lúc đó nhà tôi đang xây nên phải đi ở thuê, đường quanh co mà em vẫn tìm được", bà xúc động nói.
Lúc bước vào nhà, ông Nguyễn Phú Trọng trách "mấy chục năm rồi mới được gặp, thế mà cô còn không cho em đến ". Cô trò cứ nhìn nhau xúc động không nói nên lời. Ông ân cần hỏi han cuộc sống của thầy cô và vui mừng khi biết thầy cô đã ổn định, an nhàn với ba con đều thành đạt.
"Đã thấy trên ti vi nên khi trò Trọng bước vào tôi nhận ra ngay. Vẫn đôi mắt ấy, vẫn khuôn mặt ấy, ngày xưa em nhỏ bé thì giờ cũng chẳng cao lớn. Thế nhưng, tôi xót xa bởi tóc trò giờ đã bạc trắng", cô giáo già xúc động.
Ngồi trò chuyện suốt một giờ, ông Nguyễn Phú Trọng kể những chuyện ngày xưa, khi ấy nhà không có đồng hồ, cứ sáng dậy cậu lại múc gáo nước giụi mắt, xong chạy ù sang nhà anh Duy xem anh đã đi học chưa. Rồi khi lên cấp 2 không có ai đi cùng, nhà vẫn chưa có đồng hồ, có hôm nửa đêm thức dậy sợ muộn học, Nguyễn Phú Trọng vội cắp sách chạy ra đường đê ngồi co ro chờ đò.
"Trò Trọng nói, có hôm chờ mãi chẳng thấy đò đâu, vừa đói vừa rét, may mà không biết sợ ma. Sáng ra có người nói mới biết, có thể lúc ra bến mới khoảng 12h đêm", bà Phúc kể và cho hay, đoạn đường đi học của trò Trọng thời cấp 2, 3 chừng 6-7 km và phải đi đò qua sông.
Cô Phúc tặng quyển thơ cho ông Nguyễn Phú Trọng, ông nói phải mang về cho "bọn trẻ ở nhà" xem. Ông muốn chúng đọc thơ cô giáo để hiểu, chứ ông kể chúng không hình dung ra được cuộc sống ngày xưa vất vả thế nào.
"Một tuần sau thì anh thư ký mang ảnh cô trò chụp chung đến tặng tôi. Nhiều lần khác anh Trọng cử người mang sách về Đảng đến nhà tặng. Ngày lễ, tết đều gọi điện chúc mừng", bà Phúc nói. Tết nguyên đán vừa qua, ngay khi vừa được bầu làm Tổng bí thư, mùng 3 Tết - ngày Tết thầy, ông gọi điện chúc tết cô giáo, lúc đó là 10h đêm sau chuyến đi công tác trở về.
Gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học, nhưng cô giáo Phúc coi quãng thời gian hai năm dạy tiểu học, đặc biệt là lớp học đầu tiên của cuộc đời thật quý giá. Dìu dắt bao lớp học trò, nhưng cái lớp học nhỏ ở đình làng, ba bề lộng gió, có người học trò quanh năm chân đất, áo bà ba nay đã trưởng thành, thì bà chẳng bao giờ quên.
Theo VnExpress