Hồ sơ phẫu thuật y khoa của Phạm Văn Hiệp - người chuyển giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam - Thái Lan ghi nhận là chuyển đổi giới tính. Các chuyên gia cho rằng, thực tế có thể cô là người liên giới tính mới được chính quyền công nhận từ nam trở thành nữ.
Sau khi phẫu thuật chuyển đổi, Phạm Văn Hiệp trở thành con gái và được chính quyền cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính từ nam sang nữ với tên mới là Phạm Lê Quỳnh Trâm.
Giấy tờ phẫu thuật y khoa tại Thái Lan ghi nhận trường hợp của Quỳnh Trâm là "sex change" (tức là chuyển đổi giới tính). Bản thân Trâm cũng luôn nghĩ mình là người chuyển giới. Song theo nhận định của các bác sĩ và nhà nghiên cứu tâm lý xã hội ở Việt Nam, rất có thể Trâm là người liên giới tính, tức có bộ phận sinh dục không rõ ràng. Trường hợp này được pháp luật hiện hành cho phép xác định lại giới tính.
Cô giáo Quỳnh Trâm, người phẫu thuật xác định lại giới tính, là trường hợp đầu tiên được công nhận tại Việt Nam. Ảnh: QT.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) khẳng định, pháp luật hiện nay ở Việt Nam mới chỉ cho phép người liên giới tính (intersex) phẫu thuật và thay đổi giới tính, chưa cho phép người chuyển giới (transgender) phẫu thuật và thay đổi giới tính.
Giải thích rõ hơn về khái niệm người liên giới tính và người chuyển giới, ông Bình cho biết, theo Hiệp hội tâm lý học Mỹ, người liên giới tính khi sinh ra có sự phát triển không điển hình của các đặc điểm giới tính và sinh lý trên cơ thể. Ví dụ như có hai bộ phận sinh dục hoặc bộ phận sinh dục không rõ ràng là nam hay nữ.
Trên thế giới, tỷ lệ trung bình của người chuyển giới khoảng 0,1% đến 0,5% dân số.
Trở lại trường hợp của Phạm Lê Quỳnh Trâm, theo ông Bình, rất có thể cô là người liên giới tính. Bởi theo ghi nhận, năm 2006, xét nghiệm y khoa cho thấy lượng hormone cũng như đặc điểm bộ phận sinh dục của chàng trai Phạm Văn Hiệp thiên về giới tính nữ nhiều hơn nên các bác sĩ ở một bệnh viện tại TP HCM đã tư vấn sang Thái Lan để làm phẫu thuật.
Như vậy, có thể khi còn nhỏ, do bộ phận sinh dục của Trâm không rõ ràng nên bị xác định giới tính là nam và đặt tên con trai Phạm Văn Hiệp. Theo lời kể của Trâm “khi bước vào tuổi dậy thì, tôi thấy cơ thể bắt đầu có những thay đổi như một người phụ nữ, ngực cứ từ từ lớn dần” và cô biết mình là phụ nữ. Điều này chứng tỏ khả năng Trâm là người liên giới tính.
Theo luật pháp Việt Nam hiện hành, Trâm đủ điều kiện phẫu thuật để xác định lại giới tính của mình do trước đây bị xác định nhầm là nam nhưng thực tế là nữ. Việc chính quyền địa phương làm lại giấy tờ tùy thân cho chị Trâm theo giới tính mới là hoàn toàn hợp pháp và đảm bảo quyền của cô gái.
Ông Bình khẳng định, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa cho phép người chuyển giới phẫu thuật và thay đổi giới tính vì họ có bộ phận sinh dục hoàn chỉnh. Song theo nghiên cứu của Viện iSEE thì nhu cầu thay đổi giới tính của người chuyển giới là "thực tế và chính đáng".
Liên quan đến thực trạng trên, Viện iSEE đã làm một nghiên cứu dài hơi về người chuyển giới. Kết quả cho thấy việc cấm người chuyển giới thay đổi giới tính đã dẫn đến rất nhiều khó khăn, bất công cho họ.
Ví dụ, người chuyển giới từ nam sang nữ luôn thể hiện mình là nữ (mặc váy, trang điểm, độn ngực...) nhưng chứng minh thư ghi là nam nên họ không thể làm thủ tục xuất nhập cảnh hoặc đi lại (đường hàng không) được, không mua được tài sản đứng tên mình. Hơn nữa, họ vẫn bị coi là nam giả gái nên hứng chịu những kỳ thị ngay trong gia đình, trường học và xã hội.
Nghiên cứu cũng ghi nhận nhiều trường hợp người chuyển giới phải bỏ học, bỏ nhà, không công ăn việc làm, bị chấn động tâm lý, trầm cảm và tự tử. Như vậy, việc không cho phép thay đổi giới tính của người chuyển giới là một trong những nguyên nhân mang lại bất công và đói nghèo cho họ.
"Việt Nam đang sửa đổi Luật dân sự trong đó có xem xét nội dung quyền nhân thân và khả năng cho người chuyển giới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính." ông Bình cho biết.
Ông cũng cho rằng việc cho phép chuyển đổi giới tính ở Việt Nam sẽ giảm chi phí vì chi phí làm ở nước ngoài cao gấp nhiều lần ở Việt Nam dẫn đến gánh nặng tài chính và chảy máu ngoại tệ.
Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Quỳnh Trâm cho biết "sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ" những ai đồng cảnh ngộ.
Quỳnh Trâm phẫu thuật xác định lại giới tính từ nam sang nữ, là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam đã được các cơ quan chức năng công nhận thay đổi thông tin giới tính trong giấy tờ tùy thân.
Trước và sau phẫu thuật chuyển giới, Quỳnh Trâm dạy học, cho đến 6 tháng trước đã tạm nghỉ để tập trung vào một kế hoạch ca hát.