Những hình ảnh các thầy cô giáo ở bản Sam Lang xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chui vào bao nilông, các thanh niên trai bản biết bơi túm gọn miệng bao “đựng” và kéo bơi qua suối trong mùa lũ để đến trường đã khiến cộng đồng bàng hoàng, xót xa.
Rất nhiều các ý kiến của bạn đọc đã được gửi về tòa soạn. Một trong số đó là ý kiến của độc giả Phạm Giang (Hà Nội) bày tỏ, tại sao lại không tổ chức làm thuyền, bè để đưa các thầy cô giáo qua sông tránh nguy hiểm.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến này. Mời độc giả cùng theo dõi:
Thực sự xem xong đoạn video ghi lại hình những các cô giáo phải chui vào những bao tải nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trìm kín qua đầu để các thanh niên trai bản biết bơi kéo các cô bơi vượt qua suối trong mùa lũ đã khiến tôi rơi nước mắt. Chặng đường mang con chữ đến với các em học sinh của các thầy cô ở Sam Lang, xã Nà Hỳ, Nậm Phồ, Điện Biên thực sự quá gian truân, vất vả và có phần nguy hiểm đến cả tính mạng.
"Tất cả vì học sinh thân yêu" đó không chỉ còn là câu khẩu hiệu đơn thuần, chung chung, được treo ở các lớp học, trường học mà nó đã biến thành những hành động cụ thể, dũng cảm, kiên cường của các thầy, các cô ở nơi đây. Nó đã vượt ra khỏi những giá trị tầm thường để vươn lên thành tinh thần cao cả, ý chí, lòng yêu nghề của các thầy, các cô.
Trước nhất, cho phép cá nhân tôi xin được thay mặt mọi người, gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các thầy, các cô, những người đang cắm bản, đang từng giờ, từng ngày mang con chữ đến với các em học sinh ở bản xa xôi, nơi biên cương của Tổ quốc.
Tiếp sau, tôi xin phép được đưa ra thêm một vài ý kiến khác từ phía cá nhân của mình khi xem xong đoạn video này. Cảm phục và trân trọng tấm lòng, ý chí của các thầy cô nhưng thực tôi đã "sốc" sau khi theo dõi, những hình ảnh, hành động này. Tôi thấy thực sự vô cùng hiểm nguy, mất an toàn, chưa nói đến là còn ảnh hưởng đến tính mạng của các thầy, các cô.
Và nói không ngoa rằng, có lẽ đây là phương pháp vượt suối trong mùa lũ lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới.
Là một người đã có những chuyến đi đến các vùng sâu, vùng xa, có địa hình tương tự như trong đoạn video này tôi hiểu rõ, vào mùa lũ thì mức độ kinh hoàng của các con suối ở vùng cao như thế nào. Có thể hôm nay, lòng suối buổi sáng chỉ như một rãnh nước bình thường nhưng chỉ một vài tiếng sau, nước từ thượng nguồn đổ về làm cả con suối mênh mông. Khi nước đổ về nhanh như vậy thì sức mạnh của nước là rất lớn, nó có thể cuốn trôi đi tất cả.
Nhìn trong hình ảnh của đoạn video có thể thấy rõ, nước suối mênh mông và đục ngàu màu bùn đất. Chính vì lẽ đó, việc đảm bảo an toàn khi qua con suối này là rất quan trọng. Tuy nhiên, với cách qua suối bằng việc ngồi vào túi nilông rỗi nhờ người biết bơi kéo qua thì thực sự quá nguy hiểm.
Sức người thì có hạn trong khi sức nước thì rất mạnh, chỉ một phút sơ xảy hoặc người kéo bị chuột rút hay ảnh hưởng gì đó là có thể cả hai người sẽ bị nước cuốn đi ngay. Sự nguy hiểm ở đây có thể thấy tăng lên rất cao.
Trước đây, chúng ta đã bàng hoàng khi nhiều người dân ở một số địa phương đã phải vượt lũ bằng cách đu dây thì nay với "phương pháp" chui vào túi nilông như thế này thì càng nguy hiểm, đáng sợ hơn gấp nhiều lần.
Một thực tế cũng cần phải nhấn mạnh đến, đó là ở các vùng miền núi như bản Sam Lang này, các vật liệu để làm thuyền, bè như gỗ, tre, nứa... chắc chắn là không phải quá khó khăn, hiếm như ở dưới xuôi này. Và thực tế, độ rộng của dòng suối này cũng không phải là quá lớn. Vậy, tại sao, người dân cũng như chính quyền địa phương không tổ chức làm thuyền, bè để có thể giúp các thầy, các cô qua con suối này dễ dàng hơn và tránh được những nguy hiểm có thể gặp phải trong mùa lũ (?)
Có thể, mọi người cho rằng, tốn kém, mất công, mất thời gian nhưng so với tính mạng con người thì đó là nhỏ. Chúng ta cũng có thể kết các thanh tre, gỗ làm bè, thuyền và sau khi nước rút thì có thể bỏ ra dùng vào việc khác. Cá nhân tôi thấy rằng, việc làm thuyền, bè này, thực sự không đến nỗi quá khó khăn, trắc trở.
Và vẫn biết rằng, "tất cả vì học sinh thân yêu" nhưng muốn làm tốt được điều này thì phải đảm bảo được an toàn, sức khỏe, tính mạng cho mình. Còn việc chui túi nilông như thế này thực sự là quá nguy hiểm và chẳng may, khi xảy ra sự cố, tai nạn thì quả là đau lòng.
Qua đây, cá nhân tôi cũng mong muốn đề nghị tới các cấp chính quyền, người dân địa phương, trong thời gian tới, nếu chưa làm được cầu ngay thì hãy cố gắng làm thuyền, bè để đưa các thầy cô qua suối vào mùa lũ, tránh những cảnh tương tự như vậy.
An toàn cho các thầy, các cô cũng chính là đảm bảo an toàn, chắc chắn cho con chữ đến với các em ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa như Sam Lang này...
*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả