Khô nhái là một loại khô được chế biến từ con nhái cơm. Đây là loài sinh vật thường sống thành đàn và xuất hiện quanh năm trên đồng ruộng hoặc dưới chân núi, nhiều nhất là mùa mưa.
Khi trời vừa nhá nhem, chúng cất lên bản hợp xướng nên tha hồ soi rồi chụp bắt.
Sau khi lột da nhái xong, cần phải đem đi rửa nước sạch. Ảnh: Zing
Nhái cơm con nhỏ, sau khi lột da, phơi khô chỉ còn bằng ngón tay. Do thơm ngonvà có hình thù "quyến rũ" nên dân nhậu đã tặng cho loài khô này những cái tên mỹ miều như “cô gái chân dài”, “vũ nữ chân dài”, “kiều nữ đại gia”.
Ngoài ra, do sống trong môi trường hoang dã, không nuôi được kiểu công nghiệp như ếch nên thịt của nhái được xem là rất dai ngon và không độc.
Soi nhái lúc nửa đêm. Ảnh: Angiangonline
Giống như nhiều món đồ khô miền Tây khác, nơi sản xuất khô nhái nổi tiếng cũng là vùng đất biên giới giáp ranh Campuchia, huyện Tịnh Biên, vùng Bảy Núi, An Giang.
Anh Lê Thanh Dũng, một người chuyên săn nhái cho biết trên báo An Giang, món khô nhái xuất phát đầu tiên từ nước bạn Campuchia đưa sang.
Nhờ khéo tay chế biến tinh tế nên không bao lâu khô nhái đã trở thành món ngon nổi tiếng của người miền Tây.
Hiện nay, tại ấp Vĩnh Hạ, xã Vịnh Trung, huyện Tịnh Biên có khoảng 50 người sống bằng nghề soi nhái. Nghề săn bắt nhái cũng như nghề làm khô nhái đều cho người dân trong vùng thu nhập ổn định.
Bình quân cứ 4 kg nhái tươi sẽ cho một kg khô với giá khoảng 540.000 đồng/kg, còn vào dịp Tết khô nhái lên 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.
Khi nhái còn tươi thường được bằm vò viên nấu canh chua, kho tiêu, rang với sả nghệ hoặc nấu món cà ri...
Còn khi thành món khô nhái, người ta sẽ chế biến ra nhiều món ăn khá thú vị như nướng hoặc chiên giòn chấm nước mắm me.
Khô nhái ngon nhất là chiên, người ăn có thể nhai cả xương và thịt, vừa thơm ngon, ngọt dịu, vừa cay cay, mằn mặn, béo, giòn, mùi vị rất đặc trưng.
Tổng hợp