Cuộc trò chuyện với chị Đặng Thị Xuân Diễm (quê Đồng Tháp) được thực hiện ở ngoài hiên trước cửa nhà chị, khi chị vẫn đang gia công hàng nhận về nhà.
Sở dĩ phải tranh thủ làm việc như vậy vì gia đình chị có tới 3 đứa con, con út năm nay 8 tuổi. Chị Diễm đùa rằng cộng thêm anh chồng nông dân là đủ 4 đứa con mà chị phải chăm lo. Nhà chị Diễm rất nghèo, chồng chị làm nông, trồng măng và rau trên núi, thu nhập của chồng chỉ khoảng 20.000 Đài tệ/tháng (khoảng 14 triệu đồng). Bán lại măng cho người thu mua chỉ được 50 Đài tệ/600 gr.
Do sinh con liên tiếp, chị Diễm đành ở nhà nội trợ, phải nhận đủ các loại hàng về gia công tại nhà, thu nhập chừng 15.000 Đài tệ/tháng, rất chật vật để lo kinh tế cho cả gia đình. Thấy vợ tần tảo chịu khó, cũng có khả năng kiếm được tiền, chồng chị đã đẩy phần lớn trách nhiệm chi tiêu trong gia đình cho vợ như tiền học hành của con cái, tiền ăn uống, sinh hoạt cho cả gia đình...
Mọi thu nhập của chồng, chị không được giữ, cũng không được hỏi tới. “Giờ hỏi tài khoản của chồng có bao nhiêu tiền, mình chịu đấy!”, chị Diễm thành thật.
Chị Diễm tâm sự nhờ tằn tiện nên cuộc sống gia đình hiện cũng đủ ăn, như rau phần lớn đều là do nhà tự trồng trên núi. Đồ ăn thì nhiều bữa mấy chị em đồng hương người Việt thương tình san sẻ bớt cho nhau. Nhà nào khá hơn một chút thì bữa nào nấu món gì cũng bớt cho nhà kia một ít.
Vừa lao động kiếm tiền, chị Diễm vừa dạy con học - Ảnh: Nguyễn Lệ Chi
Xung quanh xóm chị Diễm cũng có vài cô dâu Việt khác, làm rất vất vả cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày do ai nấy oằn gánh gia đình. Mấy chị em đồng hương xứ người chỉ biết thương cảm nhau, động viên nhau, nhiều lúc khóc lóc tâm sự với nhau mỗi khi buồn chuyện gia đình. Niềm an ủi giải trí duy nhất của các chị là chuyền tay nhau mấy cuốn sách tiếng Việt hiếm hoi.
Chị Diễm sống ở huyện Đài Bắc đã 11 năm, tuy không phải chịu cảnh mẹ chồng, nàng dâu nhưng gia đình cũng không mấy êm thấm. Chồng chị luôn mang tư tưởng vợ lấy mình vì tiền nên nhiều bữa cũng tiếng nặng, tiếng nhẹ, nhiều bữa không nói chuyện với vợ, làm chị lại giọt ngắn giọt dài.
Cũng may các con đều ngoan ngoãn và chịu khó học tập. Chị Diễm bộc bạch, do trình độ văn hóa của chồng quá thấp, chưa hết tiểu học, nên chị chịu khó đi học lại từ lớp 1 theo chương trình giáo dục tiểu học của Đài Loan, tới nay đã tốt nghiệp cấp 1, trình độ học vấn cao hơn chồng nên chịu trách nhiệm dạy dỗ con cái. Nhìn đám con chị quây quần hỏi bài mẹ sau khi đi học về, khung cảnh gia đình mới thấy ấm áp lên đôi chút.
Thấy tôi giới thiệu là người Việt Nam sang, chồng chị không mấy mặn mà, cũng không chịu cho chụp hình lẫn phỏng vấn. Ông cứ lặng lẽ ra ngồi một góc làm việc. Cô con gái cả của chị ngượng ngùng không chịu cho chụp hình. Cậu con út cũng xấu hổ núp sau lưng mẹ.
Tất cả 3 đứa con chị đều không biết tiếng Việt bởi mẹ nó đâu còn thời gian dạy. Làm việc quần quật để lo kinh tế gia đình, lại phải chạy đua học thêm các buổi tối để đủ kiến thức hướng dẫn bài vở cho con cái, cùng việc đảm đương mọi việc nội trợ gia đình, đã vắt kiệt sức của chị. Nhìn mặt chị lúc nào cũng thấy buồn rười rượi.
Lúc chia tay, giọng chị Diễm chùng xuống: “Khi nào ở Việt Nam có nhiều chính sách đảm bảo cho đời sống người nông dân được đủ ăn đủ mặc, mình và nhiều cô dâu Việt khác cũng ôm con về nước sinh sống thôi”.
Chia sẻ gánh nặng kinh tế
Tất cả các cô dâu Việt mà tôi từng tiếp xúc phần lớn đều sinh sống tại Đài Loan khá lâu năm. Vài năm đầu, họ đều phải ở nhà và sinh con, chấp nhận làm nội trợ và đi học tiếng Hoa.
Qua vài năm chung sống, những cặp vợ chồng nào dần dần hiểu được nhau thì chịu thông cảm tính cách và cùng chia sẻ trách nhiệm kinh tế gia đình. Chị M.Linh, 30 tuổi, sống ở khu vực Đào Viên đã 10 năm qua, cho biết hiện chị đang làm công nhân, lương tháng ổn định khoảng 20.000 Đài tệ.
Chồng chị làm công nhân điện lạnh với mức lương 50.000 Đài tệ/tháng. “Em phải đi làm để phụ giúp kinh tế cùng chồng. Muốn 2 con được học hành tử tế, có học thêm tiếng Anh, được sinh hoạt đầy đủ, cuộc sống gia đình tươm tất một tí thì vợ cũng phải đi làm cùng chồng”, chị nói.
Chị cũng cho biết để đủ nuôi hai con, chi phí sinh hoạt trong gia đình tiêu tốn khoảng 50.000 Đài tệ/tháng. Do làm việc chăm chỉ, gia đình chị mua được xe hơi. Và cứ chủ nhật hằng tuần, chồng lại chịu khó lái xe đưa vợ con tới lớp học dành riêng cho các bà vợ Việt ở tận huyện Đài Bắc để các cô dâu Việt được sinh hoạt, trò chuyện cho khuây khỏa nỗi nhớ nhà và trao đổi kinh nghiệm.
Tuy nhiên, chị Linh cũng cho biết vợ chồng chị chỉ thực sự thông cảm với nhau trong thời gian gần đây. “Phần lớn các ông chồng xứ Đài vẫn không tin tưởng vợ, luôn cho rằng vợ lấy mình vì tiền và sẽ sẵn sàng bỏ mình để lấy người khác khá giả và trẻ trung hơn. Vì vậy không phải cô dâu nào cũng được đi làm ngay, chỉ sau khi đã chung sống với nhau nhiều năm và đã có con chung mới được đi làm. Có người sau cả chục năm vẫn chưa được chồng cho đi làm,” chị Linh tâm sự.
Chị Phạm Thu Trang, 32 tuổi (quê Đồng Tháp), cho biết chị cũng mới đi làm công nhân sản xuất đồ điện tử dù hồi ở Việt Nam từng học hết trung cấp kế toán và làm việc tại kho bạc nhà nước. Do thu nhập lái taxi của chồng chị không đủ cho cả gia đình và hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học, nên chị cương quyết vận động cho mình đi làm.
Không muốn bị lệ thuộc về kinh tế
Nhiều cô dâu khác cho biết, do xác định lấy chồng để gầy dựng một mái ấm, các cô đều mong mỏi được sớm đi làm để phụ giúp chồng chăm lo gia đình, mặt khác cũng tự chủ, không bị lệ thuộc về kinh tế, có thể phụ giúp cho gia đình bố mẹ, anh chị em ở quê. Cũng có không ít họ hàng, người thân ở Việt Nam không biết được các cô dâu Việt sinh sống ở xứ Đài vất vả ra sao, vẫn liên tục xin tiền và nhờ vả, khiến các cô lại phải nai lưng ra làm vừa để phụ lo gia đình riêng, vừa tằn tiện giúp người thân.
Theo Thanh Niên Online