Cơ chế giá xăng thiệt thòi cho người tiêu dùng

camnhung |

Thực tế các lần điều chỉnh giá bán lẻ thời gian qua, người tiêu dùng thường chịu thiệt thòi trước Nhà nước, doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý luôn tuyên bố cơ chế giá xăng dầu phải hài hòa lợi ích 3 bên, nhưng thực tế các lần điều chỉnh giá bán lẻ thời gian qua, người tiêu dùng thường chịu thiệt thòi trước Nhà nước, doanh nghiệp.

Người tiêu dùng đang phải trả cho mỗi lít xăng A92 là 21.300 đồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Cuối tuần qua, thị trường xăng dầu trong nước lại một phen xáo trộn. Nguyên nhân xuất phát từ việc giá thế giới giảm mạnh trong khi cơ quan quản lý tiếp tục tuyên bố chưa đủ điều kiện để hạ giá bán lẻ trong nước.

Gần 3 tuần liên tiếp, giá dầu thô giảm mạnh và có lúc chỉ còn 79 USD một thùng. Tại thị trường Singapore, xăng dầu thành phẩm được lấy làm căn cứ tính giá bán lẻ trong nước, sau một thời gian giữ ở mức cao, có thời điểm tới gần 130 USD một thùng đã dần hạ nhiệt và có lúc chỉ còn 114 USD một thùng. Tín hiệu lạc quan của thị trường thế giới khiến người tiêu dùng hy vọng về một phán quyết của nhà quản lý rằng: Giá bán lẻ trong nước sẽ điều chỉnh theo.

Thế nhưng, trái với hy vọng của nhiều người, các nhà nhập khẩu phát đi thông tin khẳng định việc giá thế giới giảm chẳng giải quyết được cái khó cho doanh nghiệp. Do suốt một thời gian dài nhập khẩu với giá cao, doanh nghiệp vẫn lỗ đầm đìa. Và tính trung bình trong 30 ngày (tính tới 12/8) theo Nghị định 84, mỗi lít bán lẻ xăng, doanh nghiệp lỗ cỡ khoảng 500 đồng, các mặt hàng dầu cũng lỗ ở mức tương đương.Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đồng ý với cái khó của doanh nghiệp và ít ngày sau tuyên bố không giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước được đưa ra trong sự ngỡ ngàng của người tiêu dùng.

Từng bị ám ảnh vì tuyên bố của vị phó tổng Petrolimex - hãng cung ứng xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất rằng: "Lẽ ra, giá bán lẻ xăng đã giảm trong tháng 6", nhiều người bày tỏ sự thất vọng khi quyền lợi chính đáng của họ bị phớt lờ. Cơ quan quản lý luôn tuyên bố nguyên tắc điều hành giá bán lẻ phải đảm bảo hài hòa 3 lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi giá thế giới vận hành trong 30 ngày ở mức 118,71 USD một thùng, ngày 29/3, giá xăng bị điều chỉnh lên mức kỷ lục 21.300 đồng một lít. Vậy mà trong suốt tháng 6, giá thế giới giảm mạnh, doanh nghiệp tuyên bố bắt đầu có lãi nhưng thay vì giảm giá cho người tiêu dùng, Nhà nước quyết định tăng thuế và trích quỹ bình ổn. Tại thời điểm này, dư luận bắt đầu đặt câu hỏi về sự thực ẩn sau con số lỗ - lãi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bởi tính bình quân 30 ngày của đợt tăng giá trong tháng 3 (118,71 USD một thùng), doanh nghiệp kêu lỗ khoảng 2.500 đồng một lít, trong khi bình quân 30 ngày của tháng 6, giá thế xăng thành phẩm ở mức 117,76 USD một thùng, doanh nghiệp lại báo lãi. Hàng trăm ý kiến của độc giả gửi về VnExpress bày tỏ sự không đồng tình với quyết định của Liên bộ Công Thương - Tài chính cuối tuần qua. Họ cho rằng cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu đã không sòng phẳng với người tiêu dùng. Khi giá thế giới tăng, doanh nghiệp bằng mọi cách đề nghị tăng giá cho thật nhanh, thật mạnh. Còn khi giảm, với đủ mọi lý do như lỗ, chưa đủ điều kiện 30 ngày lưu thông... họ lại đề nghị nhà chức trách tuyên bố không giảm giá bán.

Từ chỗ cảm thấy không sòng phẳng, thiếu minh bạch, dư luận bắt đầu đòi quyền được biết công thức tính giá bán lẻ, giá cơ sở trong 30 ngày.Để rộng đường dư luận, lần đầu tiên kể từ khi Nghị định 84 có hiệu lực (tháng 12/2009), Bộ Tài chính công khai toàn bộ công thức tính giá bán lẻ xăng dầu, các khoản thuế phí, giá nhập khẩu từ thị trường Singapore... trên các phương tiện thông tin đại chúng.Thế nhưng, nhìn vào bảng giá này, những người hằng ngày phải bỏ tiền ra mua xăng vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Họ cho rằng đã là thị trường, thì cách thức điều hành giá bán phải đảm bảo được tiêu chí cơ bản nhất là "có lên - có xuống". Nghĩa là khi giá thế giới lên, giá trong nước được điều chỉnh tăng thì khi giá thế giới hạ, giá bán lẻ trong nước cũng cần được giảm theo. Và khi nhà điều hành tuyên bố cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp - Nhà nước và người tiêu dùng thì các lần tăng, giảm và điều chỉnh thuế cần phải nhịp nhàng một cách sòng phẳng nhất.

Một thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tỏ ra thông cảm với cách điều hành giá xăng dầu. Theo ông, nhìn nhận thực tế thị trường nhiên liệu thế giới thì giá chỉ có tăng chứ thời gian giảm mạnh là rất ít. Nếu Nhà nước không can thiệp bằng thuế hoặc trích quỹ bình ổn thì mỗi khi thị trường thế giới biến động, các lần điều chỉnh giá sẽ luôn ở mức tăng rất sốc. Còn nếu giảm một vài trăm đồng theo kiểu an ủi người tiêu dùng để rồi sau đó, khi giá thế giới biến động, mức tăng lên cao thì việc điều hành giá cả, ổn định vĩ mô sẽ cực kỳ khó. "Trong điều hành xăng dầu, Nhà nước có cái khó riêng khi phải cân đối lợi ích và điều tiết sự té nước của nhiều nhóm mặt hàng khác nữa. Điều này thì không phải ai cũng hiểu mà không phải lúc nào nhà chức trách cũng có thể nói ra", ông nói.

Theo ông, công thức tính giá xăng dầu của Việt Nam đang tiếp cận sát với phương pháp chung của thế giới. Còn thời gian qua, sở dĩ Nhà nước phải can thiệp vào thị trường bằng thuế, bằng phí, hay quỹ bình ổn nên coi là giai đoạn đầu thực hiện Nghị định 84 cần thiết phải như vậy để tránh gây sốc cho thị trường. Ngoài ra, một số vấn đề khó nói mà bản thân những người điều hành không thể công khai trước công luận đó là việc họ phải vừa đảm bảo ngân sách, vừa ổn định thị trường, vừa phải đảm bảo an sinh xã hội bằng chính sách trợ cấp bằng tiền (tương đương 5 lít dầu hỏa mỗi năm) cho những đối tượng tiêu dùng khác như nông dân, ngư dân, bà con ở các vùng biên giới, hải đảo... Chưa kể, có thời điểm giá xăng dầu trong nước được giữ ổn định trong một thời gian khá dài, bất chấp sự lên xuống của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, ông cho rằng những tranh cãi liên quan đến giá xăng dầu hiện nay sẽ khó chấm dứt khi mấu chốt vấn đề nằm ở tính minh bạch thông tin chưa được giải quyết. Việc dân không hiểu hoặc cho rằng mập mờ trong cách tính giá xăng là lỗi ở nhà chức trách khi không giải thích vấn đề cho cặn kẽ. Tổng thư ký Hội kiểm toán viên Hành nghề Việt Nam - Bùi Văn Mai cũng cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: Các thông tin mà cơ quan quản lý đưa ra chưa đảm bảo được tính minh bạch. "Cái người tiêu dùng muốn biết là giá bán lẻ trong nước đã thực sự thị trường hay chưa? Cách điều hành như vậy đã đảm bảo hài hòa 3 lợi ích doanh nghiệp - Nhà nước và người tiêu dùng? Nếu sòng phẳng ra thì khi giá thế giới tăng, giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh mức tương ứng thì ngược lại, khi giá thế giới giảm, thì giá bán lẻ trong nước cũng cần phải giảm theo", ông Mai nói.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế - Xã hội, Hà Nội nói thẳng: "Có vẻ như nhà hoạch định chính sách chưa đi sâu đi sát vào đời sống thực tế của người dân nên các quyết định đưa ra mang tính lý thuyết nhiều hơn là thực tế".Theo ông, việc minh bạch giá bán lẻ xăng dầu, công khai lỗ lãi trong doanh nghiệp là những đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng. Dân có thể chấp nhận trả giá xăng cao nhưng họ cần biết số tiền họ bỏ ra có thực sự hợp lý. Thậm chí khi giá có thể lên tới 50.000 đồng một lít nhưng cần sử dụng, người tiêu dùng vẫn phải bỏ tiền ra mua. "Khi các yếu tố mập mờ còn tồn tại trong công thức tính giá, hạch toán lỗ lãi thiếu minh bạch thì dù chỉ trả vài trăm đồng, người tiêu dùng vẫn có quyền thắc mắc", ông Phong chia sẻ.

Dưới góc độ điều hành, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ căn cứ trên 3 lợi ích ngân sách - doanh nghiệp - người tiêu dùng... Tuy nhiên, ông Phong nói rằng ngay cả cái gọi là quyền lợi hình tam giác này vẫn còn nhiều điều cần phải xem xét lại. Và có vẻ như, người tiêu dùng bị xếp vào vị trí đáy của hình tam giác. Nghĩa là người tiêu dùng luôn xếp ở vị trí cuối cùng của thứ tự ưu tiên, khi doanh nghiệp có lãi, nhà nước thu đủ thuế, khi ấy mới tính đến giảm giá.Theo ông, nếu nhìn vào công thức tính giá có thể thấy, quyền lợi của doanh nghiệp và Nhà nước luôn được duy trì bất kể thị trường thế giới biến động ra sao.

Trong giá cơ sở, đã tính sẵn lợi nhuận, chi phí định mức, các khoản phải nộp khác cho doanh nghiệp, và cũng có cả phần cho Nhà nước gồm ít nhất hai loại thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT nếu không kể tới thuế nhập khẩu.Trong bảng tính giá cơ sở của Bộ Tài chính cũng thể hiện rất rõ sự bất bình đẳng trong cân đối "tam giác lợi ích" này. Giá bán lẻ 21.300 đồng mỗi lít xăng do người tiêu dùng phải trả.

Trong khi cơ cấu giá bán lẻ này lại phải gánh phí bảo hiểm vận chuyển (2,5 USD mỗi thùng), 1.597 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt; 1.887 đồng thuế VAT; 600 đồng chi phí định mức, 300 đồng lợi nhuận định mức, các khoản phí khác 1.000 đồng..."Bao năm qua, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và VAT (10%) và các khoản phí khác gần như không thay đổi. Các loại thuế, phí này đều đánh vào giá thành sản phẩm bán cho người tiêu dùng. Chỉ khi thị trường thế giới biến động, Nhà nước mới giảm thuế nhập khẩu ở mức độ hợp lý", ông Phong nói.

Theo ông, việc đưa 3 loại thuế, kèm theo một số khoản phí khác vào trong công thức tính giá xăng chẳng qua là sự mập mờ để bảo toàn lợi ích của Nhà nước. Còn nếu tính sòng phẳng ra, công thức tính giá sẽ được rạch ròi ra 3 nhóm, gồm khoản Nhà nước thu, doanh nghiệp được hưởng và quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo VnExpress.net

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại