Nhiều đêm một mình trong căn nhà vắng vẻ, nỗi nhớ cha mẹ lại ùa về và em lại khóc. “Nhưng mình kém may mắn thì phải cố gắng thôi chứ biết làm sao được” – Tuyền tự động viên mình.
Bố và em trai mất từ năm 2002 trong một vụ tai nạn giao thông, không đầy một năm sau vì bệnh tật mẹ em cũng qua đời. Thiếu thốn tình thương của cha mẹ nhưng Trương Thị Tuyền (sinh năm 1994) vẫn vươn lên học giỏi và đạt 21 điểm trong kỳ thi đại học vừa qua trở thành tân sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội.
Quê nội ở Bắc Giang và bố mẹ ly thân khi em còn nhỏ nên Tuyền sống cùng mẹ ở quê ngoại ở Hưng Yên. Từ khi mẹ đổ bệnh rồi qua đời, Tuyền chỉ biết dựa vào sự cưu mang, đùm bọc của bà ngoại và cậu cả. Ngoài thời gian học, Tuyền thường giúp bà và những người thân lo cơm nước, làm việc đồng áng.
Do tuổi cao, sức yếu, năm 2011, bà ngoại qua đời, Tuyền lại mất đi một vòng tay yêu thương. Năm 2012, nhờ 30 triệu đồng hỗ trợ của chính quyền cùng bác ruột ở Phú Thọ và bên ngoại góp sức, Tuyền đã xây được căn nhà tình thương trên nền đất bà ngoại để lại. Từ đó, cô gái nhỏ trở thành chủ hộ của gia đình duy nhất một nhân khẩu.
Dù thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng Tuyền luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Để cải thiện cuộc sống, ngoài khoản trợ cấp 180 nghìn đồng/tháng và cậu mự giúp đỡ, Tuyền có nuôi thêm được mấy chục con gà, vịt. Dù đang học lớp 12 nhưng ngoài giờ lên lớp, Tuyền còn ra chợ buôn rau để bán kiếm tiền mua thức ăn và dành dụm mua sách vở - Tuyền tâm sự.
Không có thời gian rảnh rỗi và mới học qua tin học ở trường nên chưa bao giờ Tuyền được tiếp cận với Internet. Nuôi ước mơ đại học, tối đến hôm nào em cũng học từ 1-2 giờ sáng. Nói đến đây, Tuyền rơi nước mắt.
Khó khăn, vất vả, thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ là vậy nhưng suốt 12 năm học, Tuyền luôn là học sinh tiên tiến. Học đều các môn nhưng Tuyền rất đam mê môn Lịch sử.
Theo em, học Sử không những để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của nhân loại mà qua đó biết được thêm nhiều về những giá trị văn hóa, truyền thống hào hùng của cha ông.
Không phụ lòng mong mỏi của những người thân, Tuyền đã thi đỗ và trở thành sinh viên của lớp K57, Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. “Ban đầu, em định thi ngành Lịch sử để theo đuổi niềm đam mê nhưng sau khi được thầy cô, bạn bè tư vấn, em chọn Khoa Đông phương học với hy vọng khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội xin việc hơn”, Tuyền bộc bạch.
Ngày nhập học, người bác ruột đưa em tới trường. Cô tân sinh viên vẫn mặc chiếc áo trắng ngả màu và đeo đôi dép tông đã mòn đế như ngày cấp ba.
Hành trang Tuyền mang theo chỉ là một chiếc cặp đựng sách vở và mấy bộ quần áo mang theo. Rất may là Tuyền thuộc diện mồ côi nên được duyệt ở ký túc xá.
Tuyền chia sẻ: “Lên đây học, nhà cửa dưới quê đành nhờ cậu mợ trông nom. Khi nhập học, em được bác ruột đóng tiền và hứa chu cấp cho tiền ăn học hàng tháng nhưng gia đình bác cũng không khá giả gì nên không biết sẽ được đến đâu.
Để đỡ hơn cho người thân em sẽ cố gắng tìm công việc làm thêm để trang trải cuộc sống và học tập”.