67 ngày tuổi gọi “bà ơi”
Những ngày này đâu đâu người dân ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng cũng bàn tán xôn xao về câu chuyện cháu bé 3 tháng tuổi biết gọi bà, gọi bố, gọi mẹ. Ai ai cũng cho rằng đó là câu chuyện hoàn toàn có thật và quả quyết rằng mình đã từng mắt thấy tai nghe cháu bé nói.
Bé gái được cho là “thần đồng” ấy, tên là Lê Thị Yến Nhi, con gái anh Lê Văn Tấn (27 tuổi) và chị Lường Thị Thoa (19 tuổi) ở xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng, Hà Nam). Từ hôm bé Yến Nhi tự dưng biết nói đến nay, ngôi nhà nhỏ vợ chồng anh Tấn luôn đông đúc người dân hiếu kỳ đến xem.
Bé Yến Nhi được nhiều người đồn thổi là "thần đồng" khi chưa đầy 3 tháng tuổi biết nói.
Bé gái được cho là “thần đồng” đất Kim Bảng có khuôn mặt bầu bĩnh vầng trán cao, rất hiếu động, ai bắt tay hay đưa vật gì bé đều cầm, miệng cười tươi híp mắt. “Từ sáng tới giờ cháu nó gọi “bà ơi” ba lần rồi”, ông Lê Văn Tôn (ông nội cháu bé) cho hay. Những người hàng xóm đến trước cũng bảo: “Vừa nãy đòi ăn bé nó cũng gọi mẹ ơi”.
Theo gia đình kể lại, hai năm trước anh Tấn đi làm phụ hồ trên Tuần Giáo (Điện Biên) thì quen chị Thoa cùng làm công trình với mình. Thời gian làm cùng hai người nảy sinh tình cảm. Đầu tháng 2/2013 (âm lịch) Tấn và Thoa cưới nhau khi chị Thoa đang mang bầu Yến Nhi được mấy tháng tuổi. Theo lời kể của chị Thoa, cũng như bao người phụ nữ được làm mẹ khác, chị mang thai Yến Nhi đủ 9 tháng 10 ngày thì sinh.
“Cháu sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường nên vợ chồng tôi rất vui mừng, chăm lo cho đứa con đầu lòng. Mong con không ốm không đau là vợ chồng tôi mừng lắm rồi”, chị Thoa kể.
Cả gia đình anh Tấn, chị Thoa chưa hết ngạc nhiên khi Yến Nhi chưa đủ ba tháng tuổi bỗng dưng biết nói. Anh Tấn khẳng định: “Chính xác cháu mở miệng gọi mẹ khi còn 13 ngày nữa mới đủ 3 tháng tuổi”.
Anh Tấn kể lại rằng: “Sáng hôm ấy là ngày 3/7 (âm lịch), bình thường thì mẹ tôi ở nhà chăm cho hai mẹ con cái Hĩm (Yến Nhi) nhưng hôm nay bà bận đi đám cưới con nhà ông chú họ ở làng bên. Tôi ở nhà, lúc hoà bột sữa cho cháu uống, chưa làm bao giờ làm việc đó nên tôi lóng ngóng pha hồi lâu mới xong. Vì khát sữa nên cháu khóc điếng lên rồi gọi "bà ơi", sau đó một lúc cháu nói "mẹ ơi", tôi đứng thẫn người một lúc lâu khi con sinh ra chưa đầy 3 tháng tuổi đã bập bẹ nói”.
Thấy con nói đôi vợ chồng trẻ vui mừng kể cho mọi người trong gia đình. “Không giấu nổi cảm xúc, khi bố mẹ đi ăn cưới về tôi kể lại chuyện Yến Nhi biết nói cho mọi người nghe nhưng chẳng ai tin. Mẹ tôi còn chửi: "Dở hơi à, cháu mới chỉ mới được hơn hai tháng tháng tuổi nói gì mà nói", anh Tấn kể lại.
Ngẫm thấy mẹ nói cũng đúng, hay tại mình nghe nhầm. Nhưng một mình tai anh có vấn đề đã đành, đằng này vợ anh, chị Thoa cũng nghe được. “Không lẽ hai vợ chồng mình đều nghe nhầm. Thế là từ hôm ấy ngày nào hai vợ chồng tôi thay nhau chầu chực để được nghe con gái nói lại. Hai ngày, ba ngày trôi qua đều vô vọng”, anh kể.
Tuy nhiên đến hôm thứ 4 thì cả gia đình anh bất ngờ khi nghe Yến Nhi nói tiếp. “Hôm ấy tôi vừa đi làm đồng về thì giọng mẹ trong nhà gọi vang lên: “Sáng nay cái Hĩm nó nói được đấy, nó gọi “bà ơi”. Vui mừng quá tôi chạy vào nựng con khi trên người đầy bùn đất”, cha của bé gái được cho là “thần đồng” cười tươi nhớ lại.
Theo bà Hương (bà nội của bé gái) kể lại: “Nghe con trai, con dâu bảo cái Hĩm biết nói tôi còn tưởng chúng nó nói khoác. Đến hôm tôi vừa cho cháu ăn bột xong, Hĩm nằm ở giường chơi, mẹ nó nựng bảo con gọi "bố ơi" đi, cháu không nói gì chỉ cười toe tét đạp chân lên không, mẹ nó lại bảo con gọi bà ơi đi thì bỗng Hĩm nó gọi bà ơi" rõ mồm một”. Từng làm mẹ giờ thì lên chức bà, cũng đã làm bà của mấy đứa cháu nội ngoại lớn nhỏ nhưng lần đầu tiên nghe cháu gái chưa đến 3 tháng tuổi gọi tên mình bà xúc động rơm rớm nước mắt.
Tin bé gái biết nói khi chưa đủ 3 tháng tuổi khiến những người hiếu kỳ, bán tín bán nghi trong thôn ngoài xã lũ lượt kéo đến xác minh chuyện đó có thực hay chỉ là hư cấu của đôi vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, tất cả đều thất vọng. Nhiều người đợi mãi nhưng không thấy “thần đồng”, “kỳ nhân” nói, gọi bà, gọi bố mà chỉ thấy bé Yến Nhi khóc oe oe. Không ít người khi xác minh thức hư khi ra về còn tủm tỉm bảo: “cô chú phiếm thật”, khiến cả gia đình anh muối mặt và ấm ức. “Nhưng cứ khi không có người lạ hay khi đói bé Hĩm lại nói, vài lần như vậy tôi rút ra kinh nghiệm. Những lần sau có người đến chơi, nghe cháu nói, tôi không cho đến gần bé. Và muốn nghe cháu nói thì đến đúng giờ bé ăn”, anh Tấn kể.
Để chứng minh gia đình mình không nói “phiếm”, anh Tấn quay video, và ghi âm lại những lần cô con gái chưa đến 3 tháng tuổi của mình nói gọi bà, gọi mẹ khi đòi ăn. “Ngoài những người được mục sở thị nghe cháu nói. Còn nếu những ai đến mà không được nghe trực tiếp bé nói, tôi đều cho mọi người xem video hay nghe lại bằng ghi âm”, chị Thoa cho biết.
Theo lời kể của gia đình anh Tấn, cùng một số những người hàng xóm từng tai nghe mắt thấy “thần đồng” nói thì thường mỗi khi cháu đói, đòi ăn hay được bố mẹ người thân “mớm” gọi bà, bố, mẹ, Yến Nhi đều gọi theo. Anh Tấn khẳng định: “Thường thường thì cháu hay nói vào buổi sáng. Ngày cháu gọi bà gọi mẹ gọi bố khoảng 4 đến 5 lần”.
Bà nội phát bệnh vì cháu là “thần đồng”
Câu chuyện “thần đồng” ở vùng đất này được người dân truyền tai nhau khắp thôn trên xóm dưới. Người này truyền tai người kia, cháu bé mới hơn hai tháng tuổi biết nói bỗng trở thành “kỳ nhân”, “thần đồng” khiến cuộc sống gia đình anh Tấn xáo trộn. “Ngày nào cũng có người lạ đến làm phiền. Cháu tôi cũng như cháu người ta thôi, có gì khác lạ đâu, nó chỉ hoạt khẩu thôi mà. Vậy mà hết người này người kia đến nhòm ngó, làm đảo lộn sinh hoạt của gia đình chúng tôi”, ông Tôn chia sẻ.
Kể từ khi con bập bẹ nói, cả gia đình chị Thoa tỏ ra lo lắng, chỉ mong con phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Anh Tấn bảo: “Cháu chỉ biết nói sớm thôi vậy mà dư luận đã đủ các tin đồn, nào là thần đồng, người trời… Những lượt người tìm đến xin gặp bé làm giờ giấc sinh hoạt của cả gia đình tôi biến đổi, thậm chí không còn thời gian để ăn và cho con bú. Sau này chưa biết Hĩm ra sao, còn bây giờ vợ chồng tôi chỉ mong bé được khỏe mạnh, phát triển như bao trẻ khác. Và không muốn mọi người bàn tán linh tinh thêm nữa”.
Thấy chúng tôi hỏi chuyện bé “thần đồng” bà Hương vội chạy ra giật Yến Nhi đang thiu thiu ngủ trên tay mẹ. Vẻ mặt hốt hoảng, ánh mắt sợ sệt: “Các chú định bắt cháu tôi đi à?”, giọng bà gấp gáp. Gia đình cho biết, từ ngày đứa cháu chưa đến 3 tháng tuổi phát “thần đồng” bà Hương không đêm nào được yên giấc. Đôi mắt bà thâm quầng, trong lòng người bà hết lòng vì con cháu này luôn nơm nớp lo sợ một điều vô hình gì đấy. Sợ “người trời” hay một ai đó sẽ bắt cô cháu gái bé bỏng của bà mang đi. Khi tiếp chuyện chúng tôi, bà tự hào khoe cháu mình “hoạt khẩu”, thỉnh thoảng bà lại hỏi, lại nhắc: “cháu tôi ngoan lắm, đừng ai mang, ai cướp cháu tôi đi đâu nha”.
“Từ ngày có nhiều người lạ đến xem cháu Yến Nhi nói, mẹ tôi bị trầm cảm nặng. Lúc nào bà cũng lo lắng, sợ hãi người ta bắt mất cháu mình. Nếu ai đến bà đều vội vàng ra khoá cổng, rồi chạy vội vào nhà ôm cháu trốn trong góc nhà. Đêm đêm bà nằm bên cạnh canh cháu ngủ. Mới có hơn mười ngày mà cuộc sống gia đình tôi đã như vậy. Không biết nếu tình trạng này cứ kéo dài thêm sẽ như thế nào”, anh Tấn lo lắng.
Sinh con ra bậc làm cha là mẹ nào cũng mong con mình được thông minh hơn người. Tuy nhiên, mong ước lớn nhất của anh Tấn là con gái mình được khoẻ mạnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Trước những đồn thổi của dư luận khiến quá nhiều người quan tâm, bố của “thần đồng” Yến Nhi tâm sự: “Sắp tới tôi sẽ đưa vợ và Yến Nhi về quê ngoại trên Điện Biên một thời gian. Như vậy sẽ tốt cho Hĩm và gia đình tôi hơn”.